Tháng 7 – Tháng tri ân, tháng hướng về mảnh đất Quảng Trị
Thời còn đi học đại học, bạn bè hay hỏi tôi đến từ đâu. Lúc nào, tôi cũng dõng dạc đầy tự hào mà đáp lời rằng mình đến từ Quảng Trị. Rồi chúng nó hỏi Quảng Trị có gì đẹp không? Có đặc sản của vùng đất ấy là gì? Tôi cứ đùa vui, Quảng Trị có đặc sản là “bom”, món đặc sản mà hiếm chỗ nào có nhiều như Quảng Trị. Đúng thật, đến Quảng Trị những ngày tháng 7 lịch sử này mới cảm nhận được sự khốc liệt đau thương của chiến tranh và sự kiên cường, anh dũng của quân và dân ta trước mưa bom, bão đạn, để càng trân trọng hơn cái giá của hòa bình.
Nhớ những lúc tôi còn bé, vào những ngày hè nắng gắt, sau vườn nhà tôi vốn là trận địa của chiến dịch Đường 9, Khe Sanh, một mặt trận ác liệt của chiến trường miền Nam thời đó, lại “đùng đoàng” bao nhiêu tiếng nổ của bom, mìn, đạn pháo còn sót lại sau chiến tranh. Cứ mỗi lần như thế, cả nhà tôi lại tái mặt mày, hớt hải kêu tên từng đứa như điểm danh quân số, để chắc rằng con mình vẫn an toàn. Và thi thoảng tôi lại nghe các cô, các chú trong xóm kháo nhau về câu chuyện của nhà nào đấy vừa xây nhà, đào được bao nhiêu là đạn pháo, đạn cối, bom mìn dưới nền đất. Cứ nghĩ rằng, sau chiến tranh, sẽ không còn nghe tiếng bom rơi, pháo nổ, không còn những câu chuyện đau thương do bom mìn để lại nhưng đâu đó trên mảnh đất Quảng Trị tử thần vẫn cướp đi sinh mệnh của con người. “Máu ngày chiến tranh, máu buổi hòa bình/ Giá của bình yên vẫn là giá máu.” (Lê Đức Dục).
Đêm hoa đăng – Tri ân các anh hùng liệt sỹ Ảnh Phan Hoài An
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Quảng Trị là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng bởi bom mìn sau chiến tranh lớn nhất trong cả nước. 82% tổng diện tích đất toàn tỉnh bị ô nhiễm bởi bom mìn và vật liệu nổ, rất nhiều đạn, bom, mìn còn sót lại, Quảng Trị có hơn 8.584 nạn nhân bom mìn. Hòa bình lập lại, để khắc phục hậu quả chiến tranh, Quảng Trị đã thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm rà phá bom mìn, cải thiện môi trường, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin… Đến nay đã rà phá được hơn 223 triệu m2 đất, phá hủy trên 381.257 bom mìn và vật liệu nổ các loại.
Lịch sử đầy tự hào
Dù sự khốc liệt của chiến tranh là vậy, con người Quảng Trị vẫn mạnh mẽ, kiên cường và đầy nghị lực. Sống trên mảnh đất này, người Quảng Trị như càng chịu thương, chịu khó, nghĩa tình, hiếu khách hơn. Sau chiến tranh, hòa bình lập lại Quảng Trị đã ngày càng phát triển, nhiều công trình, dự án được đầu tư xây dựng. Quảng Trị đầu tư vào phát triển du lịch tâm linh, quan tâm trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, hằng năm có hàng ngàn du khách ghé đến Quảng Trị để tham quan, tìm hiểu về các địa danh lịch sử, như một cách tìm về cội nguồn. Quảng Trị từ một địa phương với nhiều đau thương và cằn cỗi đã vươn mình, thể hiện dấu ấn, nét riêng, tạo nên một bộ mặt mới, tràn đầy sức sống.
Quảng Trị là nơi ghi dấu của những trận chiến khốc liệt giữa ta và đế quốc Mĩ trong cuộc chiến giành giật để giữ mảnh đất của cha ông. Một trong những địa danh được nhiều người mong muốn đến thăm nhất, đó chính là Thành cổ Quảng Trị. Thành cổ nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng chừng 2km về phía bắc, cách dòng Thạch Hãn 500m về phía đông. Thành cổ Quảng Trị được xây dựng từ đầu thời Gia Long tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành, Triệu Phong), đến năm 1809 mới được dời dến xã Thạch Hãn.
Toàn cảnh Thành cổ Quảng Trị - Ảnh Phan Hoài An
Dưới thời phong kiến, Thành cổ Quảng Trị là trung tâm kinh tế, chính trị của Quảng Trị và là vị trí quân sự quan trọng để bảo về kinh thành Phú Xuân - Huế từ phía Bắc. Đến thời Pháp thuộc, thành bị thực dân Pháp biến thành nhà tù để giam cầm những người có quan điểm chính trị đối lập.Thành cổ Quảng Trị còn nổi tiếng là nơi diễn ra trận chiến 81 ngày đêm (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972) giữa lực lượng của Quân Giải phóng miền nam Việt Nam với liên minh Quân đội Hoa Kỳ - Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Chỉ với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông nhưng trong 81 ngày đêm thị xã và Thành Cổ Quảng Trị đã phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Báo chí phương Tây thời đó bình luận, số lượng bom đạn mà đế quốc Mỹ ném xuống thị xã tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima Nhật Bản năm 1945. Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong các năm 1968-1969. Dữ dội nhất là ngày 25/7, thị xã phải chịu 35.000 quả đạn pháo của Mỹ, chưa kể bom từ máy bay. Với việc huy động một số lượng bom đạn khổng lồ, quân Mỹ hoàn toàn có ưu thế áp đảo về hỏa lực. Chỉ trong 81 ngày đêm, đế quốc Mĩ đã gần như san phẳng tòa thành cùng cả Thị xã Quảng Trị lúc bấy giờ.
Trước tình thế đó, Nhân dân Quảng Trị và quân đội giải phóng miền Nam Việt Nam đã kiên cường chống trả quyết liệt. Sự khốc liệt của cuộc chiến đã khiến khoảng 4000 chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ Quảng Trị. Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị trở thành Di tích quốc gia đặc biệt và là điểm du lịch thu hút khách tham quan cả trong nước và quốc tế. Tại đây, có khu đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh trong trận chiến, bảo tàng Thành cổ Quảng Trị với những di vật và cả những bức thư bộ đội gửi vĩnh biệt gia đình trong thời gian xảy ra trận đánh khốc liệt ấy. Người ta đã ví sự khốc liệt của chiến tranh rằng “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”. Đau thương, nghẹn ngào, kiêu hãnh và tự hào là cảm xúc đọng lại của ai từng được nghe hướng dẫn viên tại đây kể về bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết từ chiến trường Quảng Trị viết cho mẹ, cho vợ, cho gia đình khi đang tham gia chiến đấu bảo vệ Thành Cổ.
“Mẹ kính mến! Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm. Lớn lên trong vòng tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa kịp báo đáp công ơn sinh thành, giờ con đi xa là để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời...
Em yêu thương. Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất. Chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh…
...Em sẽ đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi truy điệu lịch sử này….” – Trích Bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh (tháng 9/1972).
Ngồi bên bờ sông Thạch Hãn, ngắm nhìn dòng nước chảy êm ả, yên bình, lại thấy bâng khuâng đến lạ. Thạch Hãn là dòng sông lịch sử gắn với cuộc chiến 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Mùa hè đau thương đó, hàng vạn thanh niên trẻ đã bất chấp nguy hiểm, vượt con sông Thạch Hãn, vượt qua mưa bom bão đạn, và khi ngã xuống, thân thể, máu các anh hòa vào lòng sông Thạch Hãn.
Trò chuyện cùng người bạn đồng nghiệp quê gốc ở Thị xã khi đang ngồi uống nước bên bờ sông Thạch hãn, anh kể với tôi về nguồn gốc của câu chuyện thả hoa đăng xuống dòng sông vào mỗi dịp lễ, ngày rằm tại đây. Anh bảo cựu chiến binh Lê Bá Dương, người nổi tiếng với đoạn thơ “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”, khi ngày hòa bình trở về, cựu chiến binh trở lại dòng sông Thạch Hãn, mang nặng nỗi đau của một người mất đi anh em, đồng đội, bạn bè. Ngày hôm đấy, đồng chí đã mua hết tất cả hoa ở chợ, người dân ở đây lúc đấy không hiểu người chiến sĩ già mua hoa nhiều như vậy để làm gì, ông đã nhờ tất cả các quầy hoa chở hoa ra bờ sông Thạch Hãn, bên bờ sông, lặng người thả những đóa hoa trôi theo dòng nước.
Dòng sông Thạch Hãn - dòng sông của sự tri ân Ảnh Phan Hoài An
Về sau đó, hiểu được ý nghĩa của câu chuyện và với tấm lòng tri ân đối với những chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập Tổ quốc, Quảng Trị đã tổ chức lễ hội đêm hoa đăng trong các dịp lễ 27/7, 30/4, 2/9 và các đêm 14 âm lịch hàng tháng… Vào các ngày này, chính quyền và Nhân dân thị xã mang hoa, nến và hương ra thả xuống dòng sông, hàng vạn bông hoa, hàng vạn chiếc đèn lung linh được thắp sáng trên dòng sông Thạch Hãn như tấm lòng tri ân của thế hệ được sống giữa thời bình đối với những hi sinh vĩ đại của lớp lớp cha anh đi trước. Trong những năm tháng chiến tranh, Thạch Hãn được xem là dòng sông đau thương, là nơi chứng kiến hàng ngàn chiến sĩ cảm tử vượt sông để chiến đấu. Giờ đây, trở về cuộc sống thanh bình của đời thường, Thạch Hãn trở thành dòng sông của sự tri ân, là nơi lưu dấu những nghĩa tình đồng đội, là khúc tráng ca về sự hi sinh bất tử của những người con Quảng Trị, của chiến sĩ cả nước, đã hóa thân thành tên núi, tên sông làm nên hồn cốt, hình hài cho xứ non Mai sông Hãn./.