Tân Sở - Dấu tích một thời kinh đô kháng chiến

Thứ bảy - 06/11/2021 23:57
Cam Lộ - Quảng Trị, mảnh đất thiêng liêng và tự hào của người dân Cam Lộ cũng như Quảng Trị, trung dũng kiên cường xuyên suốt chặng dài lịch sử đấu tranh dựng nước và thống nhất non sông. Không có một nơi đâu như mảnh đất Cam Lộ khi lịch sử đã hai lần lựa chọn nơi đây là thủ đô kháng chiến. Mỗi một địa danh, quê hương nơi đây đều ghi dấu những chiến công, máu xương của dân tộc. Sơn phòng Tân Sở - Kinh đô kháng chiến của vua Hàm Nghi trong phong trào Cần Vương và Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước, là những địa danh không thể phai mờ trong tâm trí người Việt.
Di tích Quốc gia Tân Sở (Ảnh: Lê Minh Sơn)

Thành Tân Sở - những dấu tích xưa gắn liền với hình ảnh vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương là những dấu ấn lịch sử thiêng liêng, là niềm tự hào về tinh thần đấu tranh bất khuất với bất cứ thế lực xâm lược ngoại bang nào, thổi bùng lên ngọn lửa phong trào yêu nước chống Pháp những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam, cũng như của người dân Cam Lộ nói và Quảng Trị nói riêng. Đây là một di tích thành lũy quân sự cuối cùng của triều đại phong kiến triều Nguyễn ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng của phong trào Cần Vương chống Pháp đầu thế kỷ XX.

Di tích Căn cứ Thành Tân Sở nằm ở làng Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Quốc gia vào ngày 16 tháng 01 năm 1995.

Để chuẩn bị cho kháng chiến chống thực dân Pháp, Triều đình Huế, bên cạnh Vua Hàm Nghi, là quan đầu triều Thượng thư Bộ binh, Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, người đứng đầu phe chủ chiến, đã có kế hoạch chủ động chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngay sau khi tàu chiến Pháp đánh phá cửa Thuận An – Huế tháng 8 năm 1883, ông đã bí mật cho người ra xây dựng căn cứ Sơn phòng Tân Sở, tích trữ vật liệu, súng ống, thóc gạo, tiền bạc để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống Pháp. Theo những tài liệu nghiên cứu lịch sử, căn cứ kháng chiến ở Tân Sở bắt đầu xây dựng từ năm 1883 và đến năm 1885 thì hoàn thành. Thành Tân Sở có cấu trúc theo hình chữ nhật: chiều dài 548m, chiều rộng 418m, tổng diện tích là 22,9 ha. Thành ngoại có 4 cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu đắp bằng đất, phía ngoài có hàng rào cọc nhọn và hệ thống hào bao quanh (sâu 2m, rộng 10m), 4 mặt thành được trồng tre ngà dày đặc gồm bốn lớp cách nhau hàng chục mét, giữa các lớp tre là thành đắp bằng đất. 4 góc thành có 4 giếng nước sâu 20m, bên trong thành ngoại có nhà cửa, trại lính, kho tàng, bãi tập trận của voi ngựa. Ở các cửa và góc thành đều có các đồn lính, ụ súng canh giữ, bảo vệ thành nội. Thành nội được xây dựng bằng gạch vững chắc, chiều dài là 165m, chiều rộng 100m, tổng diện tích là 1,65ha. Nội thành có 5 cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu và Ngọ Môn dành cho vua và các quan ra vào hành cung. Bên trong thành nội có các khu nhà là nơi ở, làm việc của các quan.

 
Thành Tân Sở (dựa theo bản vẽ của A.Delvaux – Tư liệu Internet)

Sau sự kiện đánh úp giặc Pháp tại đồn Mang Cá (Huế) đêm 04/7/1885 của Triều đình Huế thất bại, rạng sáng ngày 05/7/1885 (23/5/Ất Dậu) vua Hàm Nghi cùng các quan đại thần của phái chủ chiến và đoàn tùy tùng phụ xa giá ra Tân Sở, mở đầu cho một phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại thành Tân Sở, ngày 13/7/1885, thay mặt vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết ban bố Chiếu Cần Vương, Tân Sở trở thành trung tâm lãnh đạo kháng chiến của phong trào Cần Vương. Trước sự truy đuổi quyết liệt của quân Pháp và tay sai, đồng thời thuận cho việc phát động kháng chiến sâu rộng trong toàn quốc và vận chuyển lương thực, chiêu mộ binh , vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết quyết định di chuyển ra vùng rừng núi Nghệ An - Hà Tĩnh để kháng chiến lâu dài. Ngày 26/7/1885, đoàn quân hộ giá vua Hàm Nghi đã rời khỏi Tân Sở, theo đường Mai Lĩnh lên hướng Đakrông để vượt núi vòng sang Lào, ra Quảng Bình. Sau nhiều trận chiến đấu anh dũng,  đêm 01/11/1888, vua Hàm Nghi bị giặc bắt tại vùng núi Tuyên Hóa (Quảng Bình), sau đó bị đày đi Angiêri.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của chiếu “Cần Vương”, dưới ngọn cờ Cần Vương, được các sĩ phu yêu nước hưởng ứng, cả nước đã bùng phát nhiều cuộc khởi nghĩa kháng Pháp, trải rộng từ địa bàn trung tâm ra khắp cả Trung, Bắc và Nam Kỳ. Ở Trung Kỳ với Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân ở Quảng Bình, là Trần Quang Dự, Nguyễn Hàm, Nguyễn Duy Hiệu ở Quảng Nam, là Lê Trung Đình ở Quảng Ngãi, là Mai Xuân Thưởng ở Bình Định… Bắc Kỳ như Đốc Tít ở Đông Triều, Cai Kinh ở Bắc Giang, Nguyễn Quang Bích ở Tây Bắc... Đặc biệt, có những cuộc khởi nghĩa có sức chiến đấu mạnh mẽ, có tầm ảnh hưởng lớn như Tạ Hiện ở Thái Bình, Nam Định; Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên, Hải Dương; Phạm Bành, Đinh Công Tráng ở Thanh Hóa; Lê Ninh, Phan Đình Phùng ở Đức Thọ, Hương Khê (Hà Tĩnh)... Phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX là phong trào dân tộc, phong trào yêu nước chống chủ nghĩa thực dân xâm lược kết hợp với chống triều đình phong kiến đầu hàng đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Phong trào tuy thất bại nhưng đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Phong trào Cần Vương, cùng với những dấu chân của vua Hàm Nghi, đã in dấu trên cả 6 huyện (nay là 8 huyện, thị, thành) của tỉnh Quảng Trị, đã trở thành dấu tích lịch sử của dân tộc. Trong đó, thành Tân Sở ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị được xem như là một “Kinh thành kháng chiến”, giữ vai trò là điểm tựa vật chất và tinh thần to lớn cho vương triều Nguyễn trong suốt thời gian dài chuẩn bị chiến tranh với Pháp trước ngày Kinh đô Huế thất thủ (12/1883 - 7/1885). Tên tuổi Vua Hàm Nghi đã gắn liền với mảnh đất Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Trong những ngày đầu gian khó tại thành Tân Sở, bằng lời hiệu triệu Chiếu Cần Vương, người dân Cam Lộ cũng như mọi người dân đất Việt đứng lên giúp vua giết giặc cứu nước, khôi phục giang sơn.

 
Khuôn viên Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương (Ảnh: Lê Minh Sơn )

Để lưu giữ những dấu tích lịch sử, hình ảnh của vua Hàm Nghi, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi ngay tại mảnh đất di tích thành Tân Sở (thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ). Đây cũng là nơi để mọi thế hệ mai sau nhớ đến vua Hàm Nghi, nhớ về Chiếu Cần Vương, lời hiệu triệu, cổ vũ tinh thần, kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và nhân dân yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc; Đồng thời, nghĩa cử này góp phần dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn biết tự hào về nền độc lập dân tộc và lòng tự hào, tinh thần yêu nước đấu tranh xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
 
Lễ rước long vị Vua Hàm Nghi (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
 
Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi được xây dựng theo phong cách kiến trúc cung đình nhà Nguyễn. Ngày 13/7/2020, Đền được UBND tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Cam Lộ tổ chức khánh thành. Trước đó, ngày 12/7/2020, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, huyện Cam Lộ phối hợp Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế và đông đảo quần chúng nhân dân, tổ chức Lễ rước long vị Vua Hàm Nghi từ Thế Miếu trong Đại nội Huế về an vị tại Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương tại Di tích quốc gia Tân Sở. Lễ rước long vị Vua Hàm Nghi được tổ chức theo nghi thức rước vua của cung đình triều Nguyễn.
 
Lễ cáo ở Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi (Ảnh: Internet)

Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương tại Khu di tích quốc gia Tân Sở (thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) là nơi để mọi người dân trong nước và nước ngoài, khách du lịch đến tham quan, vọng bái hình ảnh Vua Hàm Nghi, nhớ về Chiếu Cần Vương, lời kêu gọi nhân dân yêu nước đứng lên để kháng chiến chống Pháp quyết tâm giành độc lập dân tộc và những dấu tích ghi nhớ một thời lịch sử oai hùng. Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương cũng là nơi để mọi thế hệ con cháu nước Việt tự hào, ghi nhớ truyền thống yêu nước mà mỗi người dân Việt Nam vẫn luôn lưu giữ.
 
Chính điện Đền thờ Vua Hàm Nghi  (Ảnh: Lê Minh Sơn)

Để đến thăm Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương, Khu di tích quốc gia Tân Sở, du khách có thể đi từ thành phố Đông Hà theo Quốc lộ 9 đến thị trấn Cam Lộ ở Km12, rẽ về phía hướng Nam theo đường vào Cùa chừng 7km sẽ gặp một vùng đất đỏ bazan, bốn phía được bao bọc bởi các dãy núi trùng điệp, trên đó du khách sẽ nhìn thấy Đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương tọa lạc.

Tác giả bài viết: Lê Minh Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây