“Con ơi! Dậy đi chợ cho mẹ với.” – Đó là câu nói quen thuộc của mẹ tôi lúc ba giờ sáng, suốt vài tháng nghỉ hè thời sinh viên của tôi. Khi mọi người đang ngon giấc, mẹ con tôi lại lúi húi dậy sớm chuẩn bị đi chợ bán “sắn đầm”. Tôi vẫn nhớ như in những mùa hè năm 2012 đến năm 2016, năm nào tôi cũng có hai tháng liên tục dậy vào giờ đó để đi chợ cho mẹ, quãng thời gian ấy thực sự vất vả, chạy 12 ki lô mét lên chợ Hồ Xá, bán xong sớm thì về lúc sáu giờ sáng, bữa nào ế có khi chín, mười giờ mới xong. Về tới nhà, lại lật lật đi nhổ sắn về để làm với ba mẹ. Lúc đó mệt lắm, nhưng làm ra được đồng tiền phụ ba mẹ là sướng quên hết cả mệt nhọc.
Sắn đầm – Hương vị tuổi thơ (Ảnh: Trần Thị Cúc)
Sinh ra ở một vùng nông thôn tại Vĩnh Linh, sắn đầm là món ăn quen thuộc đã theo suốt tuổi thơ của chị em chúng tôi, ngày bé, mẹ cho chúng tôi ăn nhiều đến phát ngán, lớn lên xa nhà rồi, mỗi lần nhớ nhà lại thèm món ấy của mẹ. Nó chẳng phải cao lương mỹ vị, chẳng phải một món ăn đắt tiền, nhưng là một thức quà quê đặc biệt. Lớn lên cùng sự vất vả của ba mẹ, cuộc sống gia đình kinh tế chật vật nên chị em chúng tôi không được thoải mái như bạn bè cùng trang lứa. Vì thế, món sắn đầm truyền từ đời bà ngoại sang đời mẹ rồi tới chúng tôi, cứ thế cùng chị em chúng tôi lớn lên, cách thức làm ra món ăn ấy chị em tôi đứa nào cũng thuộc nằm lòng.
Từ trồng được cây sắn đến khi làm ra được những lát sắn đầm mất hơn nửa năm trời. Sắn đầm muốn ngon thì cây sắn phải được trồng ở những nơi ẩm ướt, gần nguồn nước để giữ được độ ẩm cho cây cả mùa. Sắn sau khi nhổ về phải bóc sạch lớp vỏ bên ngoài, cắt lát thật mỏng, những lát sắn phải cắt bằng tay, dao dùng để cắt phải có lưỡi thật mỏng và bén. Tôi còn nhớ, năm tôi vào lớp 7, mẹ dạy tôi cắt sắn, năm đầu tiên lát sắn chỗ mỏng chỗ dày, ấy thế mà con bé lớp 7 năm đó bây giờ đã gần 28 tuổi, có kinh nghiệm cắt sắn đầm tới 13, 14 năm. Đến giờ đi làm, được nghỉ thứ bảy, chủ nhật tôi vẫn phụ mẹ cắt sắn để đi chợ bán, mấy dì mấy o hàng xóm vẫn hay chọc chị em tôi, làm cán bộ mà cắt sắn đầm còn rành hơn cả nông dân.
Sắn sau khi cắt lát xong xuôi, đem đi ngâm nước lã vài ba ngày, tới khi lát sắn mềm ra, có vị chua đậm là được, cái tên sắn đầm chắc có lẽ cũng xuất phát từ bước này mà ra (đầm tức là ngâm nước). Sau khi sắn được ngâm chua, phải xốc cho sạch và ngâm lại bằng nước lã để sắn nhạt mới nấu được. Cách nấu sắn đầm cũng khác cách nấu những món ăn khác làm từ sắn, lát sắn được nấu cách thủy, tới khi sắn bắt đầu chín rưới thêm một ít nước lạnh trên mặt thì sắn nhanh mềm hơn, sắn ngon khi nấu xong lát sắn chuyển sang màu hơi vàng, trong, ăn có vị đặc trưng và dẻo quẹo, sắn càng nhiều bột, lát sắn càng dẻo, vị càng đậm. Tôi thích nhất cảm giác mới hông xong nồi sắn, khói bay nghi ngút, lấy ra tô có thêm mấy con cá kho khô, cay cay mặn mặn ăn kèm thì tuyệt, nhất là vào những ngày mưa, nồi sắn của mẹ tôi lúc nào cũng đắt hàng, mấy cha con mà thấy mẹ nấu sắn đầm là lơ cơm. Ngoài ăn với cá thì sắn sau khi hông chín, xào lại với ném, hành tỏi phi thơm hoặc ăn với muối lạc cũng ngon hết sẩy.
Những năm gần đây, món sắn đầm quen thuộc của người dân Vĩnh Linh quê tôi được nhiều người biết đến, mấy dì, mấy o ở làng tôi còn chở sắn vào tận Đông Hà, Gio Linh để bán, nhiều hôm mẹ tôi còn bán sỉ cho mấy dì Quảng Bình vào chợ Hồ Xá. Người mua ăn quen lại nghiện, nhiều người còn mua lần năm, bảy cân để ngâm lại ăn dần. Hôm trước, tôi có đăng một chiếc ảnh chụp tô sắn đầm trong bữa cơm của hai vợ chồng lên facebook, nhiều người lại xuýt xoa “Mi chọc thèm mọi người rứa hè?” “Dịch dã ở xa thấy tô sắn đầm chảy nước miếng”. Nhiều người cứ bảo nhìn thấy món này cứ bị kích thích vị giác, ngày xưa người nghèo mới ăn khoai ăn sắn, giờ trở thành đặc sản hết rồi.
Sắn đầm – một món ăn ít khi được nhắc đến khi nói về ẩm thực Quảng Trị, nhưng với nhiều người nó là một nét ẩm thực đặc biệt của quê hương, đó là món ăn gợi nhớ đến tuổi thơ, xa quê rồi mới thấy mùi vị của những lát sắn dẻo ấy làm ta nhớ da diết. Có lẽ với thế hệ trẻ như tôi, nhiều người không biết đến món sắn đầm đặc trưng của người Vĩnh Linh, nhưng thế hệ của ông bà, ba mẹ, các chú bác, o dì của tôi, không ai mà không biết. Nhờ những món ăn dân dã ấy mà nuôi lớn nhiều thế hệ. Còn với tôi, món sắn đầm của mẹ là món ăn của cả một tuổi thơ vất vả, cả một quãng thời gian nhọc nhằn của ba mẹ để nuôi mấy chị em ăn học. Những ngày tháng học ở Huế, rồi vào làm việc ở Đà Nẵng, Sài Gòn, nhiều khi chỉ cần nghĩ tới cảm giác đang ở nhà, ngồi bên nồi sắn đầm mới chín tới của mẹ là ấm lòng. Vì thế mà ở quê vất vả đấy, còn nghèo đấy nhưng bon chen thành phố rồi tôi lại trở về bám trụ mảnh đất Quảng Trị nắng gió “của miềng”, để được ăn sắn đầm của mẹ. Món ăn mộc mạc ấy cũng như con người quê tôi, hiền lành, chịu thương chịu khó, ai đi xa rồi nhớ da diết…