Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững

Thứ ba - 15/08/2023 05:15
Sáng 15/8/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. Đồng chí Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu Quảng Trị, đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của địa phương đã tham Hội nghị.

 
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho biết, 7 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 6,6 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt khoảng 76,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416,6 ngàn tỷ đồng. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số năng lực phát triển du lịch xếp hạng cao của thế giới. Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
 Hà Văn Siêu báo cáo nội dung, giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP và chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững được ban hành với 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt với mục tiêu quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Tiếp đó, hội nghị nghe Trưởng Phòng Quản lý xúc tiến du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Nguyễn Quý Phương báo cáo nội dung về một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Mục tiêu đến năm 2025, có tối thiểu 1 mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 tỉnh, thành; Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt; hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại 9 tỉnh, thành; phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm.
Các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhiều triển vọng như: hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch về đêm; giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.
Theo đó, nhiều giải pháp cụ thể được đề xuất như: đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm đặc sắc, hấp dẫn; nâng cấp trang thiết bị vận tải; đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa; tăng cường công tác quản lý điểm đến.
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung phát triển du lịch; doanh nghiệp, người dân phải chung sức, đồng lòng, chung tay phát triển ngành du lịch. Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ, hướng đến phát triển du lịch một cách toàn diện, sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, định vị thương hiệu du lịch Việt Nam. Tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch. Coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch. Nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Tác giả bài viết: Nguyễn Trang Nhi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây