Cổng chùa Sắc Tứ Tịnh Quang (Ảnh: Hoài An)
Ngược trở về từ hàng trăm năm trước, chùa Sắc Tứ Tịnh Quang do Hòa thượng Tu Pháp, tự Chí Khả khởi lập và xây dựng vào năm 1739 đời Vua Lê Ý Tông, ban đầu chùa có tên là Tịnh Nghiệp. Sau đó, Chúa Nguyễn Phúc Khoát có ghé vào thăm chùa. Cảm khái với cảnh trí chốn Phật đường và tiếng tăm của chùa trong dân chúng, Chúa thân hành ngự bút viết năm chữ “Sắc tứ Tịnh Quang Tự” cho làm bảng sơn son thếp vàng để tặng cho chùa. Từ đó, chùa được đổi thành Sắc tứ Tịnh Quang. Năm 1991, Bộ Văn hóa Thông tin đã chính thức xếp hạng chùa là di tích cấp quốc gia hạng A1 theo Quyết định số 2009/QĐ – BVHTT ngày 15/11/1991.
Từ những ngày đầu tiên chúa Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp cho đến bây giờ, có thể nói đây là một trong những ngôi tổ đình có mặt sớm nhất và có ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo và văn hóa của xứ Đàng Trong.
Không chỉ có giá trị về lịch sử, chùa Tịnh Quang còn nổi tiếng với cảnh sắc và kiến trúc nơi đây. Hai bên lối vào cổng chùa được bài trí tôn nghiêm với một hồ nước nhỏ đầy những hoa súng, mang nét thanh tú và ý nghĩa tượng trưng cho sự trong sạch của tâm hồn, vẻ đẹp của những bông hoa súng mỗi mùa nở rộ mang đến sự thanh tao cho cửa Phật nghiêm tịnh.
Lối vào Chùa Sắc Tự Tịnh Quang với hồ súng và tam quan hai tầng (Ảnh: Hoài An)
Bước qua cánh cổng tam quan hai tầng, một không gian yên tĩnh nơi của Phật sẽ mở ra. Giống như hầu hết lối kiến trúc chùa chiền cổ ở nước ta, chùa Tịnh Quang có lối nhà truyền thống với mái chồng diêm (mái kép, kiểu hai tầng tám mái). Mái chùa được trang trí bằng những hình rồng công phu, nghệ thuật. Ngôi chùa hiện nay có chiều sâu 31m, rộng 27m, cao gần 15m. Chùa có pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng nặng 2700 kg, đúc năm 1997 và chiếc trống lớn bằng da trâu, đường kính mặt trống là 165cm.
Lối kiến trúc truyền thống mái chồng diêm và hoa văn rồng (Ảnh: Hoài An)
Đây là nét thú vị và độc đáo nhất của Sắc Tứ Tịnh Quang tự. Bên trong khuôn viên chùa là hình ảnh bốn khỉ đá lần lượt có dáng vẻ: một con dùng hai tay bịt miệng mình lại, một con bịt mắt, con tiếp theo bưng kín hai tai, con còn lại chắp tay tụng niệm. Hình tượng của này mang ý răn dạy người đời: Bịt miệng là không nói điều gì vô ích, xằng bậy; bịt tai là không nghe điều gì không cần thiếtvà bịt mắt là không nhìn điều gì phương hại đến việc tu tâm dưỡng tính. Đơn giản là, phải làm sao nói, nghe và nhìn cho đúng lẽ phải, cho hợp đạo lý. Con khỉ đá thứ tư đang chắp tay tụng niệm chính là sự sáng tạo riêng biệt ở chùa Sắc Tứ. Theo các sư thầy nơi đây, biểu tượng con khỉ thứ tư này nhắc nhở người ta biết cách im lặng để tĩnh tâm và để chiêm nghiệm, làm những điều có ích cho đạo và đời. Đó là cách sống thanh tâm quả dục, nhưng cũng không phải là hoàn toàn quay lưng, không quan tâm đến sự đời.
Hình ảnh Đức Phật thuyết pháp đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như (Ảnh: Hoài An)
Chính bởi những giá trị to lớn về lịch sử và nghệ thuật này, chùa Sắc Tứ được chọn là nơi diễn ra rất nhiều sự kiến văn hóa và tâm linh. Chùa đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa đặc thù như các buổi lễ cầu siêu hay lễ thắp nến cầu Quốc thái dân an. Những lễ hội quan trọng của tỉnh Quảng Trị như: Lễ hội “Thống nhất non sông”, lễ hội "Thả đèn trên sông Thạch Hãn", lễ hội "Cầu siêu tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn",... đều có dấu ấn của chùa Sắc Tứ Tịnh Quang. Đặc biệt, hàng năm cứ đến ngày 18 tháng 2 âm lịch, lễ hội giỗ Tổ đình lại được tổ chức rất quy mô, đạt tầm mức một lễ hội lớn tại khu vực. Những Phật tử ở đất Quảng Trị dù ở các địa phương khác nhau cũng thường trở về Tổ đình để thăm viếng, tưởng nhớ những bậc Cao Tăng đã gây dựng và đem giáo lý Phật truyền bá đến mảnh đất này. Đây là một trong những lễ hội được đông đảo nhiều người quan tâm, để lại dấu ấn sâu sắc đối với du khách khi tới Quảng Trị.
Thiền trà và pháp thoại (Ảnh: Hoài An)
Có thể nói, chùa Sắc Tứ Tịnh Quang đã trở thành chốn tâm linh linh thiêng của tỉnh Quảng Trị. Một số nhà tu hành từng gắn bó với chùa luôn coi chùa là đất tổ của mình, còn với người dân nơi đây, Sắc Tứ là một nơi để họ gửi gắm niềm tin và ước nguyện.
Phật giáo với chủ trương từ bi và trí tuệ, hướng con người ta hướng tới chân, thiện, mỹ, do đó ngôi chùa là chỗ dựa tâm linh, tinh thần văn hóa của người dân. Vào mỗi dịp lễ, Tết, đi lễ chùa đã trở thành một nghi thức không thể thiếu với nhiều gia đình. Đây đã trở thành một nét văn hóa truyền thống tự hào của nhân dân Quảng Trị nói riêng và của đất nước nói chung./.