Toàn cảnh cầu Cửa Tùng (Ảnh: Phan Hoài An)
Dưới cầu là cửa sông Bến Hải tải nước ngọt từ trên nguồn chảy về. Biển Đông từng đợt nước mặn tới tấp theo sóng ập vào. Nước mặn của biển và nước ngọt của sông Bến Hải giao thoa với nhau. Do áp lực của nước biển lấn át nên sông Bến Hải có hàm lượng nước mặn tương đối, người ta gọi nước sông là nước lợ. Nước lên đến chân cầu Hiền Lương và còn vượt xa Hói Cụ. Cá ở sông ăn béo và thơm do chất phù du nuôi dưỡng.
Bên trái cầu là cảng cá do Sở Nông nghiệp tỉnh quản lý. Ngày ngày công nhân quần áo xanh lá cây, đồng phục làm việc. Cá được sấy khô, chế biến. Sau công đoạn đó, xe theo hợp đồng chuyển đi. Bên phải cầu là âu đội thuyền. Thuyền bè tấp nập vào ra. Những lúc trời động, rất nhiều thuyền cập bến. Thuyền Quảng Ngãi ra, thuyền Quảng Bình vào. Thuyền của ngư dân Cửa Tùng đậu san sát. Ban đêm ánh điện xanh đỏ lập lòe trong như hội hoa đăng.
Với diện tích 1.047ha, dân số gần 10.000 người, đa số làm nghề thuần ngư một số làm nghề nông. Trên âu đội thuyền cách đường đê dài từ xã Vĩnh Giang về là chợ Chiều. Chợ bán cá, tôm rất tươi. Người mua kẻ bán nhộn nhịp, tấp nập. Cự ly gần cây số là siêu thị điện máy xanh mở cửa cả ngày. Trước mặt siêu thị là chợ Do. Chợ chỉ đông buổi sáng, dân bốn phương về sum họp lưu lượng gần 2.000 người…
Lùi thời gian về trước, thị trấn Cửa Tùng sau hòa bình lập lại năm 1954. Vào năm 1955, thị trấn Cửa Tùng xảy ra vụ hỏa hoạn kinh khủng do dân sơ suất trong việc nấu ăn. Lửa bén từ liếp che bằng tranh phụt lên. Ngọn lửa như Hỏa diệm sơn, lại thêm gió Lào tháng 5 thổi mạnh… Tiếng gào khóc của trẻ con nhà đi vắng, tiếng kêu cứu của cụ già, phút chốc ba bốn trăm nốc nhà biến thành tro bụi.
Một góc biển Cửa Tùng (Ảnh: Phan Hoài An)
Lửa tàn bay cao, tre nứa nổ lốp bốp. Ai nấy đều nhúng nước chăn màn làm dụng cụ thô sơ chống hỏa… Các em học sinh ở trong tâm cháy phải nghỉ học hơn tuần lễ. Phần sách vở không còn, phần tá túc chỉ màn trời chiếu đất. May là mùa hè nên khí hậu khô ráo. Một tuần sau khắc phục khó khăn, các em lại hăng hái tới trường.
Trường cấp 2 An Ninh* là chủng viện của dân công giáo di cư vào Nam để lại. Các thầy cô ân cần đón tiếp các em rất niềm nở. Chúc các em tai qua nạn khỏi. Mới học được tiết đầu tiên khi tới trường đã nghe thầy Hiệu trưởng báo các em lấy kiến nghị ra, chuẩn bị gặp xe Ủy ban Quốc tế để đưa đơn.
Mười lăm phút sau, xe màu trắng của Ủy ban Quốc tế** từ từ chuyển bánh đến. Tất cả học sinh toàn trường ùa ra chặn xe lại. Tới tấp đơn kiến nghị được giao tận tay cho phái đoàn gồm Canada, Ba Lan và Ấn Độ. Tay phiên dịch luôn miệng nói tiếng Anh cho các ông: “Đây là kiến nghị các em đòi hiệp thương tuyển cử”.
Lúc đó có em học sinh lớp 5 do ngu ngơ dại dột, đã buột miệng chỉ ông Ấn Độ đầu bịt khăn như khăn đóng “Cái ông này da như da trâu…” không ngờ ông tây này lại bì bõm được tiếng Việt. Thế là em đó vô duyên bị một bớp tai. Thầy chủ nhiệm nhìn em dở khóc dở cười.
Nhận kiến nghị của các em học sinh xong, xe Ủy ban Quốc tế chạy thẳng theo đường 70 xuống đồn liên hợp Cửa Tùng để kiểm tra việc thi hành điều khoản của khu phi quân sự ở đây. Xe tiếp tục chạy men theo đường Hòa Lý Hải đến địa phận cầu Đúc thì dừng lại. Bên kia cầu là vùng lực lượng vũ trang của ta quản lý.
Mở bản đồ ra định vị Mũi Sy cách đây 2km không thuộc vùng các ông kiểm soát. Xe quay đầu lùi lại khoảng gần cây số. Các ông xuống “Nữ hoàng bãi tắm”*** tay Canada có vẻ rành rỏi. Phong cảnh ở đây rất đẹp, nên thơ, cảnh tự nhiên phản ánh đúng thiên nhiên. Đồi đất đỏ bazan chạy dài công queo gối đầu lên bãi cát vàng, sóng vỗ nhẹ nhàng lăn tăn bọt trắng xóa tràn qua những rạn đá. Chốc chốc lại thấy các em đi bắt con hàu****. Những con coòng coòng cố sống chạy đua với sóng, chạy ào vào những bụi chứa gai và rau muốn biển. Nhìn xa tít chân trời là biển xanh mênh mông, đảo Cồn Cỏ nhấp nhô lúc thấy rõ lúc mờ mịt. Những cánh buồm nâu từ xa đang tiến về đất liền, đến cửa sông Bến Hải lại rẽ ra, ai về Bắc ai vào Nam cứ thế mà đi.
… Đồn Công an liên hợp Cửa Tùng chiều nay 29 tết, tết năm 1959. Công an ta và Cảnh sát Sài Gòn tổ chức đấu giao hữu bóng chuyền. Trận đấu theo yêu cầu của Cảnh sát Sài Gòn dân không được xem… Bên nào cũng ưa thắng để xác định tính ưu việt của chế độ mình. Cầu thủ 2 đội đều cao trên 1m7. Trọng tài điều khiển trận đấu là ông Lê Hồng Sơn người miền Bắc có bằng quốc tế cấp. Phía Cảnh sát phát bóng trước. Bóng đi ngang lưới rất mạnh, ta không thể nào chặn được, lên 9 điểm cho Sài Gòn. Ta hội ý và đổi chiến thuật đánh. Ta kéo lên 8 điểm như vậy là 9/8. Tiếp tục trận giao hữu ta đã thắng 3-0. Sài Gòn xin đánh thêm 2 hiệp, kết cục ta thắng 4-1. Sáng mai 30 tết, Công an ta qua bờ Nam để đấu giao hữu với Cảnh sát bờ Nam đồn Cát Sơn. Kết cục ta thắng 3-2. Cuối trận Cảnh sát Sài Gòn tổ chức chiêu đãi 2 đội bóng. Tất cả các món ăn, bia con cọp, thuốc lá sa mít. Thức ăn bày ra vô cùng hấp dẫn. Thức ăn và các tiếp viên mặc áo dài tím Huế, quần lụa trắng rất duyên dáng. Luôn luôn niềm nở đón tiếp Công an ta.
Tháng năm trôi qua, đến cuối năm 1966, phiên đổi gác đôi bờ. Cảnh sát bờ Nam lại qua đồn Cửa Tùng, quần áo chúng mặc thẳng ly mũ kepi, dày đinh bóng lộn. Sáu thằng bước giữa bãi cát Cửa Tùng, dáng đi xiêu vẹo, không ra sáng nhà binh. Dân của chúng ta ở xung quanh bỉu môi “Ngoài Ka ky trong ghẻ ruồi” bọn lính cảnh của Sài Gòn đó.
Tháng 1 năm 1967, xã Trung Sơn thuộc quận Trung lương dân và quân ta đã giải phóng. Đường 1 từ cầu Hiền Lương khi nào cũng có mìn của du kích. Vào tháng 5 năm 1967, Cảnh sát xin rút khỏi khu phi quân sự.
Ngày 20 tháng 6 năm 1967, theo bản chất trả thù hèn hạ bọn Mỹ và Sài Gòn đã cho máy bay hết loạt này đến loạt khác bổ nhào ném bom vào đồn Công an Cửa Tùng. Một quả bom rơi vào hầm địa đạo của đồng bào ẩn nấp cách đồn Công an ta gần 100 mét. Chết tất cả 61 người. Mộ 61 người đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng “Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt” ngày 31 tháng 12 năm 2014. Di tích này gần giếng Mội, trước mặt là cảng cá Cửa Tùng.
Cửa Tùng ngày nay là thị trấn thơ mộng, xinh đẹp, làm ăn phát triển đầy tương lai. Xin trân trọng kính mời quý khách đến tham quan một ngày gần đây.
Để thu hút du khách, biển Cửa Tùng đã bố trí nhiều tiểu cảnh cho mọi người tha hồ thả dáng check-in "sống ảo" (Ảnh: Phan Hoài An)
Quý khách có thể tham quan địa đạo Vịnh Mốc 6km về phía Nam đến dịch vụ Cửa Việt cách cầu Cửa Tùng 10km. Đến Cồn Cỏ 29km về phía Đông, phía Tây nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn.
Chú thích:
(*) Trường Cấp 2 An ninh là chủng viện của dân công giáo.
(**) Ủy ban Quốc tế xe Jeep sơn màu trắng.
(***) Nữ hoàng bãi tắm một thắng cảnh vua Duy Tân và bà Mai Thị Vàng ra chơi cách đây đã 100 năm.
(****) Con hàu: đặc sản Cửa Tùng ở đầy rạ đá, ăn rất bổ và ngon. Mùa hè có bát canh thì tuyệt vời.