Ký ức quê ngoại

Thứ tư - 15/12/2021 22:13
Quảng Trị, mảnh đất khắc ghi trong lòng mỗi người con được sinh ra và lớn lên ở đó là sự biết ơn, từng tên đất, tên làng, từng gia đình với những người thân yêu đã ngã xuống tô đẹp một Quảng Trị anh hùng. Tôi xin viết về câu chuyện tôi được nghe bà ngoại và mẹ kể lại ký ức về quê ngoại anh hùng.
 
Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” (Ảnh: Hồ Thanh Thọ)

Ông ngoại tôi, Phùng Thắng sinh năm 1909 tại xóm Cát, xã Vĩnh Tân nay là khu phố Cát, thị trấn Cửa Tùng. Lớn lên trong thời kỳ Vĩnh Linh nói riêng và Quảng Trị nói chung phát triển phong trào chống thực dân Pháp xâm lược. Hơn 30 tuổi ông ngoại tôi tham gia Việt Minh, ông được tổ chức cách mạng phân công làm tuyên truyền và kiêm liên lạc vùng xã Vĩnh Tân, Vĩnh Giang, Vĩnh Thành, nắm tình hình hoạt động của bọn hương lý, xạ tùng (tên gọi chức sắc tay sai giặc Pháp thời bấy giờ). Ông bà ngoại tôi lúc đó có 2 người con, dì tôi mới 3 tuổi và mẹ tôi mới được hơn tháng tuổi, ông bị tay sai chỉ điểm và bị bắt vào rạng sáng ngày cuối tháng 2 năm 1947 khi tranh thủ về thăm con. Giặc Pháp bắt ông giam cầm tại đồn Tân Trại Thượng (nay thuộc xã Hiền Thành). Sau hơn 2 tuần giam cầm tra khảo, chúng không khai thác được gì nên chúng đưa ông ra xử bắn vào sáng ngày 13/03/1947 (âm lịch). Sau này hòa bình lập lại, đoàn cán bộ thẩm tra hồ sơ suy tôn liệt sỹ đã gặp gỡ các nhân chứng, một người dân được bọn chúng thuê gác cổng trại kể lại, trước khi xử bắn chúng đưa ông một cái cuốc và mảnh chiếu rách, chúng bắt ông tôi tự đào mồ. Trước khi bị hành xử ông tôi có nhắn gửi lại với người này là “Anh sắp bị bắn, nhờ em báo tin lại với chị và mọi người và gửi cái áo ngoài lại để về đắp cho các con”. Vĩnh biệt ông, người chiến sỹ Việt Minh hy sinh vì đất nước quê hương. Bà ngoại tôi thường kể với con cháu nghe gương hy sinh anh dũng của ông tôi như để tiếp thêm nghị lực, thêm tình yêu thương quê hương cho thế hệ tiếp theo. Gương hy sinh của ông được anh em chiến sỹ Việt Minh thời bấy giờ và con cháu lấy làm động lực tiếp tục chiến đấu cho quê hương. Mẹ tôi nhận thức được sự hy sinh anh dũng của ông tôi cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đã tham gia dân quân thuộc Trung đội Xóm Cát, Vĩnh Tân. Mẹ tham gia trực tiếp vào tổ trinh sát nhiệm vụ theo dõi các trận giặc Mỹ oanh tạc, các loại vũ khí, độ sát thương,… ngăn chặn biệt kích người nhái từ biển vào, đồng thời, tham gia tiểu đội nữ tiếp tế cho trận địa 12ly7. Tiểu đội nữ của mẹ cùng với đơn vị bạn hỗ trợ cho những chuyến đò xuyên màn đêm, khởi hành từ bến đò Tùng Luật bí mật đưa chiến sĩ, cán bộ quân báo vào Nam hoạt động. Mẹ tôi kể, tiểu đội nữ của mẹ có 12 người, các dì Bùi Thị Xanh, Nguyễn Thị Lưỡng, Bùi Thị Nước, Nguyễn Thị Mỵ, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Chiêủ, Nguyễn Thị Phi, Bùi Thị Điểm, Bùi Thị Giỏ, Phùng Thị Xanh, Phùng Thị Cử và mẹ tôi Phùng Thị Dĩnh. Năm 1967, tình hình căng thẳng, Mỹ tăng cường ném bom đánh phá khu vực Đông Vĩnh Linh nhằm ngăn chặn các đường tiếp viện qua sông Bến Hải. Mẹ nhớ lại, trước trận đánh ác liệt, các dì ai cũng trang điểm, đầu tóc gọn gàng để nếu có hy sinh thì thật đẹp và gọn gàng nhất, mọi người nắm tay nhau thật chặt hẹn và mong được gặp lại sau mỗi ca trực chiến.  Ngày 17/07/1967, trong trận đánh bảo vệ kho thóc do bom Napan của địch đánh phá, dì Lưỡng bị thương cụt chân, mẹ tôi bị thương ở đầu và ở ngực nay mảnh đạn vẫn còn. Trong trận đánh đó, bác Tình, bác Điền, bác Tuồng, thầy giáo Lê Duy Lâm (dạy trường c2 Vĩnh Tân) và nhiều người mãi mãi ra đi. Các dì Nước, dì Nga, Chiểu, Phi, Điểm, Phùng Thị Xanh đã anh dũng hy sinh trong các trận đánh ác liệt sau đó khi đang còn rất trẻ. Vết thương điều trị chưa lành hẳn, mẹ được đưa ra Bắc học tập trở về công tác và nghỉ hưu sống cùng con cháu trên quê hương Vĩnh Linh.

Những ngày lễ Tết, ngày thương binh Liệt sỹ, bố mẹ tôi cùng con cháu về nghĩa trang xã Vĩnh Tân thắp nén hương thơm tưởng nhớ đến ông ngoại tôi, các dì đồng đội của mẹ và những anh hùng đã ngã xuống cho quê hương hôm nay được thanh bình. Là một người làm về du lịch, tôi hiểu rằng nơi đâu mình càng hiểu về lịch sử về con người thì sẽ thấy vẻ đẹp cảnh vật nơi đó càng thêm huyền diệu.
“Quảng Trị quê tôi ngày nay đổi mới
Tên đất tên làng lấp lánh những vì sao”
Con đường về quê ngoại hôm nay, từ cầu Hiền Lương lịch sử về ngang qua UBND xã Hiền Thành, thôn Tân Trại đến cầu Mũi Lò hai bên đồng lúa xanh thắm đẹp như tranh. Khu vực đồn Tân Trại Thượng của giặc Pháp đóng ngày xưa giờ nhà cửa mọc lên mái ngói đỏ tươi, xa xa là trường học ngân vang tiếng hát của học trò. Phía bên phải có đám đất trống vuông vức cỏ mọc xanh, ở giữa cánh đồng là pháp trường của giặc. Dân làng ở đây kể rằng ở đó thiêng lắm, nếu nhà nào làm ruộng mà lỡ phạm vào khu đất đó là năm đó mất mùa, đêm trăng sáng nhất là báo mộng nằm mơ thấy mình đi thăm đồng mà nghe thấy tiếng súng, những đốm lửa từ đó bay lên trời và biến thành những ngôi sao lấp lánh. Tiếp tục hành trình qua xã Vĩnh Tân và chợ Do, quê ngoại xưa nay đã trở thành khu phố Cát, thị trấn Cửa Tùng. Cầu Cửa Tùng nối Cát Sơn Thủy Bạn Gio Linh với Vĩnh Linh, nước biển trong xanh như đang nô đùa cùng làn mây trắng, thỏa lòng ước mong của nhân dân các xã thị trấn vùng đông Vĩnh Linh và Gio Linh. Du khách về thăm di tích lịch sử Bến đò Tùng Luật năm xưa, ghé cửa sông Bến Hải là chợ cá nơi tập trung bán hải sản tươi ngon mỗi dịp thuyền về. Đi về phía Bắc, đắm chìm trong cảnh mây nước của bãi tắm Cửa Tùng, đường dọc theo bờ biển sẽ dẫn đến Di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc, một kỳ tích trong lòng đất mà du khách năm châu mong muốn đặt chân tới.
 
Quê hương Vĩnh Linh anh hùng, đổi mới (Ảnh: Hồ Thanh Thọ)

Trên hành trình thăm lại các dì đồng đội cũ của mẹ, qua mỗi con đường, cây cầu, tôi thấy quê hương mình đẹp biết bao. Mỗi người con ngày trước anh dũng hy sinh chiến đấu bảo vệ quê hương, mỗi người con hôm nay dung dị mộc mạc nhân văn, trân trọng những câu chuyện quá khứ để thêm yêu cuộc sống, sống vị tha cùng nhau vun đắp cho quê hương ngày mỗi sáng tươi. Ông ngoại ơi, Mẹ ơi, các dì ơi, quê hương mình hôm nay thật là đẹp. Quê hương đẹp từ câu chuyện của bà, của mẹ, Quảng Trị mãi đẹp trong tôi và đẹp mãi mai sau. Xin phép lấy những câu thơ của mẹ để thay cho lời kết:
Quê ta rợp bóng hoa cờ
Nhà xây ngói đỏ, khắp nơi đi về
Trẻ thơ thõa chí nô đùa
Điện thay cho ánh dầu mờ năm xưa
Quê nhà đã đẹp như mơ
Chia tay vẫn nhớ hẹn chờ lần sau.

Tác giả bài viết: Lê Văn Hải (Bài viết dự thi Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch “Quảng Trị trong tôi” năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây