Bánh bột lọc đã hóa tâm hồn người dân Quảng Trị

Chủ nhật - 19/12/2021 05:15
Nếu có ai hỏi tôi – Quảng trị có phải là quê hương của BÁNH BỘT LỌC không, tôi sẽ trả lời là “tớ không biết” (ở miền Bắc bạn bè với nhau sẽ xưng là cậu tớ) nhưng tôi sẽ không thôi tự hào để giới thiệu và quảng bá bánh bột lọc như một đặc sản của Quảng Trị, một món ăn cần thử, cần thưởng thức- không chỉ một lần mà phải rất nhiều lần trong đời.
 
Món ăn gợi nhớ về quê hương (Ảnh: IPA Quảng Trị)

Không biết từ bao giờ món ăn dung dị đó đi vào tâm hồn tôi như một món ăn của quê hương. Bởi thế mà đó cũng là món ăn tôi đã lựa chọn để làm món dự thi đầu tiên trong hội thi “khéo tay bạn gái” thời sinh viên. Nhờ Bánh bột lọc mà tôi thu về được một giải nhì cho lớp.Thập kỉ đầu của thế kỉ 20 không có quá nhiều sinh viên Quảng Trị ra Bắc học tập, nên địa danh Quảng Trị trong mắt bạn bè và một số thầy cô ở trường dường như xa lạ lắm, thậm chí có người còn không biết rằng Quảng Trị là một tỉnh của miền Trung. Đó cũng là dịp tôi sẽ được kể lể về Quảng Trị và trổ chất giọng nằng nặng của quê hương để mọi người cùng thưởng thức. Những lúc như vậy tôi cảm thấy tự hào và hạnh phúc lắm, nhất là khi gặp được những thầy cô đã từng đi lính ở Quảng Trị, họ gật gù với những gì mà tôi kể, họ thích nghe lại chất giọng của những con người chất phác miền đất lửa.
 
Còn ai nhớ món bánh mì kẹp bánh bột lọc này không? Món ăn sáng của biết bao cô cậu học trò (Ảnh: Trần Thị Thu Hà)

Quay lại câu chuyện của Bánh bột lọc, bây giờ có lẽ đã không còn ai xa lạ với loại bánh này, nhưng bạn bè tôi hồi đó thích lắm, thỉnh thoảng vẫn nhờ tôi mua bột từ trong quê ra để nặn bánh trong những lần tụ họp ở kí túc xá. Sinh viên không có tiền mua tôm làm nhân nên bọn tôi chủ yếu làm nhân thịt lợn xay, thêm chút mộc nhĩ băm và hành tím phi lên thơm phức. Loại nhân này cũng tương tự với nhân bánh mà người dân Vĩnh Linh hay làm, chỉ khác chăng vùng đất nối đôi bờ Nam – Bắc của đất nước sẽ thêm chút đậu phộng rang sơ. Ngoài ra, ở Quảng Trị phổ biến là nhân thịt lợn thái nhỏ xào với tôm tươi – tôi thích loại nhân có sự kết hợp của đồng bằng và miền biển này nhất. Bây giờ, bánh đã được sáng tạo thêm nhân thịt gà, nhân bồ câu, nhân đậu xanh…giúp bánh bột lọc thịnh hành từ bữa ăn hằng ngày, bữa ăn nhẹ xế chiều cho đến những bữa tiệc cưới linh đình hay những tuần lễ thuần chay. Bánh bột lọc cũng theo những chuyến xe, chuyến tàu, những cuộc thi đi khắp đất nước. Ai đi dọc đất nước, vào Nam hay ra Bắc, nếu đi qua Mỹ Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị chắc sẽ được nhìn thấy hai hàng bán Bánh bột lọc nối dài hai bên vệ đường. Nơi đây sẽ là nơi nghỉ chân để hành khách được thưởng thức những chiếc bánh nóng hổi vừa được mang trên nồi hấp xuống, và cũng là nơi mọi người có thể mua bánh đã luộc sẵn, hoặc bánh đã gói lá nhưng chưa luộc để làm quà. Bây giờ bánh bột lọc có thể để được lâu bằng công nghệ hút chân không, và trữ đông, do vậy nếu ai đã nghiện bánh này mà muốn ăn bánh chính gốc Quảng Trị thì có thể mua dự trữ ăn dần. Sự hiện đại đã khiến cho thực khách sành ăn được gần gũi hơn với món bánh bản địa. Thậm chí, bạn bè tôi ở Hà Nội, có những người thích ăn đặc sản này của Quảng Trị đã không ngại nhờ tôi mua giùm, gửi các hãng xe đi đêm, là sáng ra bạn đã có thể hâm nóng hoặc luộc lại để thưởng thức.
 
Nhân tôm thịt là loại nhân được yêu thích nhất của Bánh bột lọc, với ít bột điều, nhân bánh có màu đỏ đẹp mắt (Ảnh: Trần Thị Thu Hà)
 

Đi đến những nhà hàng, quán ăn vỉa hè hay sang trọng, thực khách có thể bắt gặp rất nhiều những cô bé, cậu bé, cô hay Dì xách những phích Bánh bột lọc đi bán. Đó là món dễ ăn trong những bữa tiệc, buổi gặp gỡ. Bánh bột lọc đã trở thành sản phẩm mưu sinh cho nhiều người dân nghèo Quảng Trị.

Từ cách làm bánh cho tới cách luộc bánh, hấp bánh, cách làm nước chấm cũng cần phải có kĩ năng. Đối với Bánh bột lọc trần, luộc làm sao để bánh chín tới, bột chuyển sang màu trắng trong, bánh không bị nát, không bị bay hết nhân ra ngoài cần phải có kinh nghiệm. Và làm sao khi vớt ra bánh không dính vào nhau cũng vậy. Bánh lọc gói lá thì đơn giản hơn chút là khi hấp tới một khoảng thời gian nhất định, mình mở thử một cái quan sát hoặc ăn thử là có thể biết được bánh đã chín hay chưa. Tôi nói vậy để thấy rằng một loại bánh nhìn đơn giản vậy nhưng thực ra rất kì công.

 
Bánh bột lọc nhân đậu xanh là một trong những loại nhân ưa thích của thực khách thích ăn chay (Ảnh: Trần Thị Thu Hà)

Đa phần mọi người hay ăn bánh bột lọc với nước chấm đã được pha với chút nước, đường và ớt tươi. Nước chấm kiểu này cũng được sử dụng rộng rãi ở các miền và gia giảm gia vị cho phù hợp với vùng đó. Nhưng người dân Quảng Trị thì vẫn có nhiều người thích chấm với nước mắm biển nguyên chất, có chút ớt tươi cay nóng được cắt lát.
 
Nước chấm ăn cùng Bánh lọc gói hay bát ớt để trộn kèm với Bánh lọc trần thể hiện thói quen ăn cay của người dân Quảng Trị (Ảnh: Trần Thị Thu Hà)

Đã có ai nói với bạn rằng Bánh bột lọc cũng là bánh của sự đoàn tụ chưa? Ngày tết, ngoại tôi sẽ luôn chuẩn bị sẵn tầm vài kí bột để dành ăn vài ngày Tết. Đó là loại bột người ta chở đi xay ở cối xay về, vắt và lọc thủ công bằng tay cùng những mảnh vải mỏng, sạch để lọc lấy tinh chất; thay nước thường xuyên để bột không bị chua, sau đó để ráo nước sẽ được thành phẩmlà những khối bột. Nó khác với tinh bột sắn được sản xuất từ những nhà máy mà mọi người mua ở siêu thị bây giờ. Ngày xưa khi nhà tôi còn trồng sắn ở ruộng, tôi cùng bà đi nhổ về, rửa và cạo bỏ bớt lớp vỏ nâu ở ngoài, sau đó mẹ tôi sẽ chở đi xay và lọc bột. Cả quá trình có sự tham gia của các thành viên trong gia đình, ngay cả việc làm bánh cũng vậy. Người thì nhào bột, người thì làm nhân, người thì chuẩn bị lá chuối (để gói bánh lá, bánh lọc có hai loại là bánh trần, và bánh gói lá), sau đó mọi người sẽ cùng nhau quây quần bên nhau để cùng nặn bột, làm bánh. Những giây phút như vậy thật hạnh phúc và đầm ấm. Tất cả đã hóa thành một phần tâm hồn tuổi thơ của những đứa sinh viên nông thôn như tôi. Đối với những gia đình đông con như nhà tôi thì việc làm Bánh bột lọc còn đầy ắp tiếng cười. Bởi tụi em của tôi sẽ nặn bánh với những hình thù khác nhau, hoặc chúng cố tình nặn sai để được một số cái bị hỏng mang vào bếp nướng. Đứa nào cũng chổng mông thổi lửa để nướng, có cái bị nướng cháy đen phải cạo bớt lớp tro than mới ăn được, nhưng vẫn thấy ngon đến lạ lùng. Những kỉ niệm đó tôi đồ rằng hiếm trẻ con thành phố nào có được.

Ngày Tết, khi đã chán với bánh chưng, mứt tết và dưa hành, đến nhà ai có dọn đĩa Bánh bột lọc thì… chao ôi, cảm thấy như lâu ngày được ăn món ngon vậy. Đó cũng là lý do mà ngoại tôi trữ bột để ngày ba mươibọn tôi làm bánh dọn khách từ sáng mùng một của năm mới, cũng là làm để đặt cúng cơm lên bàn thờ gia tiên.

Nhìn chung là Bánh bột lọc đã đi vào đời sống người dân Quảng Trị, như tâm hồn, như hơi thở của họ vậy. Dù đi đâu, chân trời góc bể nào, tôi cũng tin rằng, khi nhớ về quê hương, họ sẽ nhớ tới món ăn đặc sản này.

Tác giả bài viết: Trần Thị Thu Hà (Bài viết dự thi Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch Quảng Trị trong tôi năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây