Vào những ngày giữa tháng 10, trong một lần công tác tại Hướng Phùng về thu thập thông tin phát triển làng du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh, rất may mắn, chúng tôi được Anh Hồ Văn Quý là một người con Vân Kiều đang công tác tại xã Hướng Phùng dẫn đi tham quan, trải nghiệm đời sống người dân nơi đây. Ông cha ta đã dạy “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, tôi mới cảm nhận được sự hiếu khách, vui vẻ của người dân, hiểu thêm về đời sống văn hóa tinh thần đặc sắc, phong tục tập quán, văn hóa - văn nghệ, lễ hội và ẩm thực truyền thống của người dân Vân Kiều nơi đây. Nhằm hiểu hơn về các tiềm năng, giá trị tài nguyên cũng như các khó khăn, hạn chế trong phát triển du lịch cộng đồng mà địa phương đang gặp phải, các bạn cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết: “Tiềm năng phát triển làng du lịch cộng đồng Homestay thôn Chênh Vênh”
Các tiềm năng cần được khai thác
Chênh Vênh, địa phương được thiên nhiên đã ưu ái ban tặng nhiều tài nguyên, danh lam thắng cảnh đặc sắc như thác Chênh Vênh hùng vỹ, con thác gắn bó với bao nhiêu thế hệ người con Vân Kiều nơi đây, nơi mà dòng suối ngày ngày uốn lượn qua bản làng, qua các ngôi nhà sàn mộc mạc, tạo nên một điểm nhấn tuyệt đẹp giữa núi rừng đại ngàn; hiện nay thác Chênh Vênh là điểm du lịch mới lạ, còn hoang sơ, hàng năm thu hút rất đông bà con nhân dân và khách du lịch đến tham quan, vui chơi. Khí hậu nơi đây tương đối mát mẽ, ôn hòa, là nơi sinh sống của nhiều loài hoa đẹp, hiếm như lan rừng, tuylíp, dâm bụt đặc biệt có hoa Dã quỳ, loài hoa này chỉ xuất hiện ở một số nơi có khí hậu cận ôn đới như Đà Lạt, Ba Vì; hằng năm cứ vào tháng 10, 11 là thời điểm mà hoa Dã quỳ nở nhiều và đẹp nhất thu hút rất đông khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ và khách du lịch “Phượt” đến chụp ảnh lưu niệm.
Rực rỡ sắc màu với loài hoa dã quỳ tại Hướng Phùng- Ảnh Internet
Thôn Chênh Vênh nằm dưới chân đèo Sa Mù kỳ vỹ với độ cao 1400m so với mực nước biển, hiện nay có các dự án phát triển vùng trồng hoa ly, tuylip của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tỉnh tại đèo Sa Mù và hệ thống rừng nguyên sinh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, trong tương lai sẽ là tiềm năng lớn trong việc phát triển các mô hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá, nghỉ dưỡng.
Thác Chênh Vênh tuyệt đẹp bên thôn Chênh Vênh
Tài nguyên du lịch văn hóa cộng đồng thôn Chênh Vênh cũng hết sức phong phú, đặc sắc, hấp dẫn, có nét đặc trưng riêng, rất có tiềm năng xây dựng, khai thác phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng với các mô hình trải nghiệm Lễ hội Mừng lúa mới, Lễ cúng Trời, Lễ hội Mừng làng mới, Lễ hội Cồng Chiêng…các phong tục tập quán truyền thống như tập tục đi Sim, tục cưới hỏi, tắm tiên, thưởng thức các làn điệu dân ca như Oát, Tà Oải, Cha Chấp, Ka Lơi, A Dên…và các nghề truyền thống như đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống sẽ góp phần tạo nên một thôn văn hóa Chênh Vênh đậm đà bản sắc dân tộc.
Trải nghiệm nghề đan lát truyền thống tại thôn Chênh Vênh
Trong quá trình điều tra, khảo sát các hộ dân tại thôn Chênh Vênh, chúng tôi nhận thấy, hiện nay có hơn 8 hộ dân có nhà sàn truyền thống có thể cải tạo xây dựng thành Homestay phục vụ khách du lịch, các nhà sàn nơi đây đa số đều kiên cố, nhà đẹp, có không gian xanh, thoáng mát và có góc nhìn đẹp bên suối Chênh Vênh.
Kiểu nhà sàn truyền thống được “cách tân” tại thôn Chênh Vênh
Đặc biệt, đến với nơi này, chúng tôi mới được thưởng thức các món ăn ngon, rất “dân dã” được chế biến từ bàn tay khéo léo của những con người Vân Kiều nơi đây, được biết đa số người dân Vân Kiều đều có tài năng chế biến các món ăn truyền thống như gỏi cá, xôi xụm, thịt nướng bếp, rượu cần, các món ăn đặc sản từ rừng núi.... Đây là những nguồn tài nguyên quan trọng góp phần trong việc khai thác phát triển du lịch, thu hút nhiều đối tượng du khách đến với địa phương.
Không gian xanh, mộc mạc xung quanh nhà sàn
Ngoài ra xã Hướng Phùng được biết đến là xã có nền nông nghiệp phát triển như cây cà phê với diện tích 1.647 ha, đây là địa phương có diện tích cây cà phê lớn nhất trên toàn huyện, xã Hướng Phùng có nền khí hậu tương đối mát mẽ nên cho ra chất lượng sản phẩm tốt, cà phê nơi đây góp phần lớn trong việc tạo nên thương hiệu cà phê Khe Sanh có hương vị thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước. Nếu đã có cơ hội đến đây một lần, các bạn hãy nên dành một ít thời gian thưởng thức ly cà phê xay đậm đà, trong một quán cà phê có không gian xanh hòa quyện núi rừng sẽ là một cảm giác khó quên khi đến với Hướng Phùng.
Khó khắn, hạn chế gặp phải:
Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, nhưng hoạt động du lịch của huyện Hướng Hóa nói chung và tại xã Hướng Phùng nói riêng còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch sơ sài, đơn lẻ, chưa hình thành rõ nét, chưa được đầu tư đúng mức; các lợi thế du lịch như thác Chênh Vênh, hoa Dã quỳ, đèo Sa Mù... chỉ mới dừng ở dạng tiềm năng, chưa được khai thác, chưa mang lại lợi ích cho nhân dân; hệ thống cơ sở hạ tầng, đường xá, giao thông đi lại còn khó khăn; việc kết nối với các tuyến điểm du lịch khác trong nội và ngoại tỉnh chưa được hình thành; quảng bá du lịch chưa được quan tâm chú trọng. Nền kinh tế của xã còn nhiều khó khăn, bên cạnh đó người dân là chưa có kinh nghiệm hoạt động kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là làm du lịch nên vẫn còn thiếu kinh nghiệm về khâu tổ chức và hạch toán kinh doanh. Ý thức về điều kiện vệ sinh chung trong thôn bản còn hạn chế. Các phong tục, tập quán lạc hậu của người Vân Kiều chưa được xóa bỏ, việc đưa vào mô hình du lịch cồng đồng, trong đó việc xây dựng làng du lịch cộng đồng Homestay sẽ gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định.
Tuy nhiên, qua khảo sát các hộ dân nơi đây rất mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ trong phát triển du lịch địa phương, phát huy các tiềm năng, giá trị mà thiên nhiên đã ưu đãi cho mãnh đất và con người nơi đây, đó là động lực để có thêm niềm tin cùng với nhân dân khắc phục những tồn tại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới, trong đó phát triển du lịch là hướng đi mới, tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo tại các huyện miền núi, việc xây dựng làng du lịch cộng đồng tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng là cần thiết và là bước đi nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tác giả bài viết: Bài: Ngọc Tuân – Phòng VHTT huyện Hướng Hóa Ảnh: Trần Vũ – Phòng VHTT huyện Hướng Hóa
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn