Đường 9 anh hùng

Thứ tư - 05/06/2019 02:58
Trong khói lửa bom đạn của chiến tranh, Ðường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt. Ngày nay, Đường 9 là địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn của du khách gần xa.
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Ảnh: Ngô Văn Minh)
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Ảnh: Ngô Văn Minh)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng vô cùng oanh liệt và hết sức hào hùng của quân và dân ta, biết bao địa danh, bao trận chiến, bao sự kiện đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc như những dấu son chói lọi về chiến công, về tinh thần bất khuất nhưng hiếm có một con đường nào lại ghi dấu nhiều cột mốc của lịch sử như quốc lộ số 9. Một tuyến đường chỉ dài hơn 300 cây số, nối từ Cửa Việt qua Đông Hà (thủ phủ tỉnh Quảng Trị) lên đến bờ Đông sông Mekong (tỉnh Savanakhet - Lào) giáp biên giới Thái - Lào nhưng có vị trí địa lý rất quan trọng về mặt chiến lược. Đường 9 cắt ngang dãy núi Trường Sơn và đường mòn Hồ Chí Minh - một tuyến vận tải chiến lược từ Bắc vào Nam. Và để kiểm soát con đường 9 với mục đích chính là ngăn chặn sự chi viện của quân đội nhân dân Việt Nam từ Bắc vào Nam, Mỹ đã thành lập một hệ thống căn cứ quân sự dày đặc dọc theo con đường này, từ Cửa Việt, Đông Hà lên đến Làng Vây. Trong đó có những căn cứ tiêu biểu như: Campcarol, Campfuller, Rockpile, Vendergrift, căn cứ Khe Sanh và căn cứ Làng Vây.
image003
Đồi Rockpile (Ảnh: Ngô Văn Minh)
Tôi đã từng gặp những câu thơ mang đậm tính tượng hình đã để lại nơi người đọc những ám ảnh khó phai về đường Chín của những ngày rực lửa của chiến trường Quảng Trị - cùng vẻ đẹp nên thơ với đầy hoa lau trắng cũng có cả sự dữ dội và tàn khốc của chiến tranh với hình ảnh hàng nghìn cây khô chết cháy, hai bên dày đặc những hố bom... trong những câu thơ của Tố Hữu:
"Xe lên đường 9 cheo leo
Hố bom đỏ mắt, trắng đèo bông lau
Cây khô, chết chẳng nghiêng đầu
Nghìn tay than cháy rạch màu trời xanh…"
                                                                                      (Nước non ngàn dặm)
Trong khói lửa bom đạn của chiến tranh, Ðường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta bởi những chiến công hào hùng và oanh liệt, đồng thời đó cũng là nổi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ và Ngụy trong những năm 1965 – 1972. Với chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 đã khởi nguồn cho cuộc nổi dậy, Tổng tiến công Mậu Thân - 1968 của toàn mặt trận miền nam Việt Nam, cũng như chiến thắng của quân và dân ta tiêu diệt quân Mỹ Ngụy trong chiến dịch Lam Sơn (Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào) sau đó vào năm 1971.
Chiến tranh đã đi qua hơn 1/2 thế kỷ nhưng Đường 9 đã trở thành đất thiêng khi nơi đây, mỗi tên đất tên làng dọc theo trục đường này đều gắn theo đó là những chiến công oai hùng của lịch sử như quân cảng Cửa Việt, căn cứ Khe Sanh, Làng Vây, nhà tù Lao Bảo, sân bay Tà Cơn... trên mỗi đoạn đường đi qua đều có một tượng đài, một di tích gợi nhớ về một quá khứ đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của quân và dân ta. Giờ đây tại Km 7 của tuyến quốc lộ số 9 có một nghĩa trang liệt sĩ quốc gia mang tên Đường 9 có tổng diện tích đất mộ là 13ha với 16 hạng mục công trình lớn nhỏ. Đây là nơi yên nghỉ của hơn một vạn anh hùng, liệt sỹ với đầy đủ của ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Và hành trình từ Đông Hà lên Lao Bảo, từ Km 41 đến Km 47 của đường 9 có thể thấy dọc các cây cầu nhỏ bắc qua các khe suối luôn có thêm một tấm biển đề “Di tích lịch sử-điểm vượt đường 9 của đường mòn Hồ Chí Minh”. Chính vì thế, Đường 9 là một địa chỉ đỏ trong hành trình về nguồn được nhiều tour du lịch quan tâm khai thác.
image005
Nghĩa trang quốc gia Đường 9 (Ảnh: Ngô Văn Minh)
 
Về Quảng Trị vào một chiều tháng 8 vẫn còn vương vấn cái nắng oi nồng của những ngày cuối hạ, đi trên con đường 9 anh hùng lòng chợt trào dâng bao nỗi niềm cảm xúc khó tả. Nếu Đường 9 năm xưa là bãi chiến trường, là vùng đất trắng, bị địch chà xát không biết bao nhiêu lần bởi xe tăng, pháo hạm bắn vào, rừng núi, sông suối ken dày bom đạn, cây cối xác xơ bởi chất độc da cam thì hôm nay nhìn qua cửa kính ôtô, du khách sẽ được chứng kiến cuộc sống mới hồi sinh mãnh liệt bên con Đường 9 rải nhựa phẳng lì, rộng thênh thang. Sự sống nơi đây đã hồi sinh một màu xanh của ấm no và hạnh phúc với những cánh rừng cao su, cà phê, hồ tiêu ngút ngàn tầm mắt, màu ngói đỏ của những ngôi nhà xây dần thay thế cho hình ảnh bom đạn, phế tích chiến tranh. Từ Đông Hà lên Lao Bảo, với khoảng cách chỉ hơn 80km nhưng đã có 5 thành phố và thị trấn: Đông Hà - Cam Lộ - Krông Klang (huyện lỵ Đakrông), Khe Sanh (huyện lỵ Hướng Hóa) và đô thị cửa khẩu Lao Bảo. Nếu một lần có dịp ghé thăm Đường 9, đi từ Lao Bảo về Cửa Việt sẽ thấy những thị trấn dọc trên cung đường này đêm đêm sáng lấp lánh ánh đèn tựa hồ như những vì tinh tú nối liền từ biên giới Lào - Việt về tận biển Đông.
image007
Sân bay Tà Cơn (Ảnh: Minh Phượng)
Lịch sử và cuộc xoay vần của những biến cố đã chọn Đường 9 làm nơi ghi lại những mốc son chói lọi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Và trong công cuộc mở cửa hội nhập hôm nay Đường 9 lại giữ một vai trò quan trọng khác, đó là con đường kết nối các nền kinh tế, mở ra hướng phát triển cho cả tiểu vùng Mêkông rộng lớn.

Tác giả bài viết: Nhật Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây