Huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị - 81 ngày đêm khói lửa

Thứ tư - 05/06/2019 02:56
Thành Cổ Quảng Trị - nơi diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt năm 1972 giữa một bên là ta quyết giữ từng tấc đất, còn một bên là Mỹ - ngụy dùng uy lực súng đạn phương tiện chiến tranh tối tân hiện đại để quyết chiếm lại Thành Cổ bằng mọi giá.
Chiều Thành Cổ (Ảnh: NTMP)
Chiều Thành Cổ (Ảnh: NTMP)
Ngược dòng thời gian trở về những năm tháng lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Quảng Trị là một địa danh không chỉ trong nước mà cả cộng đồng quốc tế đều biết đến bởi sự chia cắt đau thương, sự chịu đựng đạn bom ác liệt và ý chí kiên cường bất khuất của con người nơi đây. Nhưng có lẽ ác liệt và gian khổ nhất nhưng cũng hào hùng nhất chính là Thành Cổ Quảng Trị. Chỉ trong 81 ngày đêm với chiến dịch tái chiếm Thành Cổ, số bom đạn mà quân đội Mỹ - Ngụy đã ném xuống tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima năm 1945. Những chiến sĩ Thành Cổ đã chiến đấu ngoan cường từ ngày 28/6/1972 đến 16/9/1972, tiêu diệt 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hỏng 349 xe quân sự trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại. Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng Thạch Hãn để thành phù sa bến bãi, thành cỏ cây, thành tiếng gió rì rào:   
"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"
(Trích thơ "Lời người bên sông" – Lê Bá Dương)
Năm tháng trôi đi và lịch sử đã bước sang trang mới nhưng những con người ấy vẫn sáng ngời phẩm chất anh hùng cách mạng, nhắc nhở chúng ta về một quãng đường đầy gian khổ, đau thương, lại rất đỗi anh hùng mà đất nước mình đã đi qua. Chẳng thế mà, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phải thốt lên khi viết về Thành Cổ Quảng Trị: “Những người chết đi, không hề muốn được phong anh hùng, hay thấy hoa tươi dâng trước mộ. Không! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống, là đằng sau họ cuộc sống đã được thiết kế trở lại trên công bằng và nhân phẩm”.
tha hoa dang tren dong thach han anh tu lieu
Đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn (Ảnh Internet)
Trở về mùa hè năm 1972, tại Thành Cổ khoảng 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này, ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, một cành hoa hay một ngọn cỏ nào có thể sống được. Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa hề có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một tòa Thành Cổ và thị xã Quảng Trị rộng chưa đầy 3km2, khiến đối phương có thể huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy. Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị như một bản lề quan trọng góp phần mở ra con đường đi tới chiến thắng sau này. Chiến dịch đã thay đổi cơ bản cục diện chiến trường đẩy chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh đến bờ vực phá sản. 81 ngày đêm anh dũng của quân ta đã làm thất bại âm mưu tái chiếm thị xã Quảng Trị của địch hòng gây sức ép tại Hội nghị Pari. Nhưng giữa những gam màu xám xịt đen tối của chiến tranh, giữa sự khốc liệt của mưa bom lửa đạn, giữa ranh giới sống chết mong manh, ta bắt gặp nụ cười của các chiến sỹ vẫn luôn rạng ngời tươi tắn thể hiện niềm tin yêu vào ngày mai tươi sáng. Ở đó, ý chí mạnh hơn sắt thép và lòng quả cảm tuyệt vời đã không thể bị khuất phục. Suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, hàng ngàn người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống, các anh nằm lại nơi đồng đất quê hương, hóa thân thành "trầm tích linh thiêng gắn bện vào lịch sử" và "ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng".
image007
Về thăm đồng đội (Ảnh: NTMP)
Gần 45 năm đã trôi qua, Thành Cổ Quảng Trị được biết đến không chỉ là công trình thành lũy quân sự dưới thời Nguyễn (1802 - 1945), một công trình kiến trúc, văn hóa của đất nước mà còn là một di tích cấp quốc gia đặc biệt, là minh chứng rõ nét nhất cho sự đấu tranh kiên cường và lịch sử vẻ vang của quân dân Việt Nam, gợi nhớ về ký ức của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ghi danh Thành cổ Quảng Trị - nơi đã trở thành huyền thoại giữ nước - một khúc bi ca hoành tráng của những người chiến sĩ bất tử, của một thời huy hoàng và máu lửa. Mỗi mét vuông đất tại Thành Cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh, có ai trong chúng ta biết được dưới lớp “Cỏ non Thành Cổ - một màu xanh non tơ” kia, dưới tầng tầng gạch vỡ kia còn biết bao hài cốt chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Một khẩu súng giữ hai trời Nam - Bắc, một dấu chân in màu đất hai miền suốt 81 ngày đêm hứng chịu và chống trả, trái tim con người và từng tấc đất nơi đây như được luyện thành thép. Nơi ấy hôm nay là hiện thân của vẻ đẹp con người Việt Nam, của sức sống dân tộc sáng mãi tinh thần chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập của nước nhà:
“Hễ có Việt Nam, có Cổ Thành
Kết vòng hoa lửa nối Khe Sanh
Huân chương khó đủ từng viên gạch
Tấc đất từng giây mỗi lá cành”
(Thơ Trần Bạch Đằng)
image009
 Phút thành kính tri ân (Ảnh: NTMP)
Đã qua rồi Thành Cổ của 45 năm trước mịt mù bom đạn, di tích này đang trở thành một địa chỉ hành hương về nguồn của các thế hệ người Việt Nam và là một địa điểm đến ấn tượng thu hút nhiều du khách, bạn bè quốc tế. Dù chiến tranh đã đi qua 1/2 thế kỷ, nhưng vẫn còn đó trên mảnh đất này những nỗi đau rất thật, nỗi đau nằm sâu trong lòng đất mẹ, nỗi đau hằn trên da thịt và ký ức của mỗi con người ở lại. Những ngày tháng Bảy, cả nước lại quặn lòng hướng về Quảng Trị, mảnh đất miền Trung gió Lào cát trắng với "nghĩa trang trắng mỗi triền cát mặn". Cho đến bây giờ khói vẫn cay mắt người và những giọt nước mắt nhớ thương, cảm phục của những lớp người sau vẫn rơi trước hoa cỏ xanh tươi trên nấm mồ chung sáng tươi sắc sao vàng Tổ Quốc vào mỗi dịp ghé thăm Thành Cổ. Đêm tháng Bảy, dòng Thạch Hãn thẳm sâu và lung linh ánh nến, văng vẳng trên sông lời ru xa ngái vỗ về giấc ngủ bình yên cho những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình để bầu trời Quảng Trị trong mỗi sớm mai thực sự hồi sinh màu xanh của niềm tin và hy vọng, để 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 sẽ sáng mãi trong những trang sử sách lưu danh đến muôn đời...

Tác giả bài viết: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 12 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 12 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây