Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính; Tiến sỹ, Giám đốc điều hành Viện Mekong Watcharas Leelawath cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành và đại diện 22 nhóm nông dân tham gia dự án.
Dự án Phát triển kinh tế vùng và địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây do Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sỹ tài trợ với tổng kinh phí 255.800 USD. Dự án này được thực hiện tại tỉnh Quảng Trị (Việt Nam); tỉnh Mukdahan (Thái Lan) và tỉnh Savannakhet (Lào). Đối tượng hưởng lợi là nông dân sản xuất cà phê và cao su vùng dân tộc thiểu số; doanh nghiệp liên quan đến ngành hàng cà phê, cao su…
Mục tiêu dự án nhằm thúc đẩy hội nhập giúp các địa phương dọc hành lang EWEC có thể hưởng lợi từ sự phát triển của hành lang kinh tế Đông Tây, hỗ trợ người sản xuất nhỏ có sự chuẩn bị tốt nhất để tiếp cận với thị trường quốc tế và cạnh tranh trong nền kinh tế tự do.
Sau 3 năm thực hiện, dự án Phát triển kinh tế vùng và địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây giai đoạn 7/2017 – 10/2019 đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt là sự thay đổi thói quen, quan niệm sản xuất để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nông dân và cộng đồng. Cụ thể, địa bàn thực hiện dự án ngày càng rộng và các hộ dân tham gia mô hình ngày càng nhiều (từ 23 thành viên sản xuất cà phê sạch đầu tiên nay phát triển 1.649 thành viên). Khi tham gia dự án, nhóm nông dân tham gia sản xuất cà phê sạch có giá bán cà phê tươi luôn cao hơn nhóm nông dân không tham gia, từ đó nhu nhập cũng tăng hơn đối với các hộ dân tham gia dự án.
Bên cạnh việc thay đổi, nâng cao nhận thức về sản xuất cà phê sạch và phát triển thị trường đối với nông dân vùng dân tộc thiểu số, dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc tổ chức kết nối người nông dân với các bên liên quan thông qua các mô hình liên kết trực tiếp giữa nông dân và doanh nghiệp và liên kết 4 bên; đối thoại doanh nghiệp và chính quyền 3 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam); tỉnh Mukdahan (Thái Lan) và tỉnh Savannakhet (Lào) để tạo điều kiện thuận lợi thương mại qua biên giới… Viện Mê kông phối hợp với tỉnh Quảng Trị nghiên cứu biên giới thương mại hàng nông sản giữa tỉnh Quảng Trị và Savannakhet. Thực hiện vườn ươm thai và thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt công nghệ Issael với giống cà phê mới góp phần thay đổi chất lượng cà phê Arabica ở Quảng Trị.
Thông qua hội thảo lần này, Viện Mekong đề xuất UBND tỉnh tiếp tục duy trì sáng kiến đối thoại doanh nghiệp với nhà nước hàng năm giữa tỉnh Quảng Trị (Việt Nam); tỉnh Mukdahan (Thái Lan) và tỉnh Savannakhet (Lào); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp nông dân lựa chọn giống cà phê phù hợp; Duy trì quỹ đảm bảo và kêu gọi thêm đóng góp từ các tổ chức, chương trình nhằm vươn đến nhiều người hơn.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà dự án đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cám ơn Viện Mekong đã chọn Quảng Trị thực hiện dự án này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính cho rằng tuy giá trị dự án không lớn nhưng đã đạt được hiệu quả xã hội tích cực. Đó là thay đổi nhận thức sản xuất cho người nông dân, xây dựng thương hiệu cà phê sạch ở Hướng Hóa và kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi trong thương mại biên giới.
Thông qua dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quân Chính mong muốn Viện Mekong tiếp tục tìm nguồn tài trợ mới và đưa Quảng Trị và danh sách những địa phương được hưởng lợi ở gốc độ sâu hơn. Đồng thời mong muốn những thành tựu mà dự án đạt được trong những năm qua tiếp tục được phát huy, duy trì và khai thác triệt để.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tiến sỹ, Giám đốc điều hành Viện Mekong Watcharas Leelawath chia sẻ: Từ khi bắt đầu dự án, với sự hỗ trợ và hợp tác của tỉnh Quảng Trị, Dự án đã được triển khai thực hiện thuận lợi và bước đầu đã đạt được những thành công nhất định. Mặc dù dự án đã kết thúc nhưng với sứ mệnh của mình, Viện Mekong sẽ tiếp tục tìm kiếm các nguồn tài trợ để hướng đến mục tiêu chung là đưa các dự án đạt được hiệu quả cao nhất, có sự lan tỏa lớn nhất góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định tặng Bằng khen cho 3 cá nhân đã có nhiều đóng góp vào Dự án Phát triển kinh tế vùng và địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây trong thời gian qua.
Phạm Mỹ Hạnh