Ấm áp bát nước chè xanh

Thứ năm - 12/12/2019 22:34
Không chỉ nổi tiếng gần xa với món bánh lọc với hương vị đậm đà không phai, mứt gừng cay cay ngọt ngọt hay bát cháo cá vạc giường thơm lừng mùi ném, ai tới xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng cũng phải mang về cho mình 1 thức uống đặc biệt, gắn bó với người dân miền Trung từ bao đời, như nỗi nhớ, niềm mong của tác giả Lê Viết Tư:
“Anh về tưới lại vườn chanh
Trồng thêm mấy gốc chè xanh trước nhà
Trồng chè để nhớ khách xa
Chè xanh với bát sành con mát lòng
Nhắn giùm nói với người ta
Về quê nhớ ghé qua nhà ... tí thôi”
 
image 20191213103429 1
Ấm áp nước chè xanh Hải Chánh
 
Với người dân miền Trung nói chung và người dân Quảng Trị nói riêng, nước chè xanh giống như một người bạn chân chất, hiền lành mà quá đỗi thân thiết với mỗi gia đình. Thức dậy mỗi sáng sớm, việc đầu tiên của các bà, các mẹ là ra vườn nhà khi trời mới dợ hơi sương, bứt nắm chè vo nơi giếng nước. Vị chè thoang thoảng bay ra từ ấm hãm được ủ ấm, cứ vướng vất quanh nhà, mang lại cảm giác sảng khoái, dễ chịu cho một ngày làm việc mới. 

Cùng với thời gian, khi đô thị ngày càng phát triển, những gốc chè trồng ở vườn nhà cũng đã thưa thớt dần, nhưng thói quen uống chè hàng sáng vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân Quảng Trị. Và khi nhắc đến chè xanh, nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ ngay tới nước chè xanh với hương vị ngọt ngào, đậm đà đến từ xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng. Lá chè nơi này lạ lắm, lá không hề to bản mà chỉ nho nhỏ, hơi quăn ở đầu lá, đôi khi lại còn hơi vàng vàng nữa. Thế nhưng kỳ lạ thay, từ những lá chè nho nhỏ đó lại cho ta một hương vị chè ngọt ngào, thơm ngon mà không hề gắt, nhấp một ngụm chè nho nhỏ, khe khẽ ngậm ở miệng, hương vị ngọt ngào của chè cứ thoang thoảng, vướng vất trong cổ họng cứ mãi không tan, khiến người ta có muốn quên cũng khó lòng mà quên được.

Chè Hải Chánh muốn uống cho đúng vị phải là những lá chè được hái sớm, khi sương vừa tan khỏi những ngọn cây, hái khi trời nắng thì khi hãm chè bị gắt, uống vào cứ săn sắt trong cổ họng, còn nếu hái muộn quá, để qua đêm thì chè lại không còn tươi mới. Sương vừa tan, chè được các bà, cá mẹ hái từ những cây chè có tuổi đời từ 3 - 5 năm tuổi, những lá chè hái phải là những lá vừa già tới, non thì vị chè không đậm mà già quá thì chè lại sẫm màu, nhìn không ngon mắt. Nước pha chè cũng phải là nước giếng trong đun sôi thật là sôi, mà các bà, các mẹ cứ nói là phải sôi “xao xuyến” thì mới có được 1 ấm chè ngon. Chè được rửa sạch, vò nhẹ và nấu với than củi thật đượm, thả thêm 1 tí gừng đập dập vào, khi nước sôi xao xuyến và hương chè thoang thoảng là chúng ta đã có 1 ấm chè xanh đúng vị với màu xanh ngắt của chè, mùi thơm của gừng và sự ấm áp lan tỏa khắp nơi. Thế mới biết, có được một ấm chè ngon cũng lắm sự tỉ mỉ, tinh tế và dịu dàng, cái gì cũng phải vừa đủ, lá chè đủ độ già, vò chè đủ độ nhẹ để lá chè không nát, nước đủ độ sôi, 1 tép gừng là vừa đủ cho 1 ấm chè ngon, để mỗi sáng thức dậy, mỗi người trong chúng ta lại gặp lại hương chè như 1 người bạn cố tri. 

Trời mùa đông với tiết trời se lạnh, khi ngoài kia những cơn gió buốt mang không khí lạnh về khắp nơi, sáng sớm đã nghe vương vấn đâu đó mùi chè xanh Hải Chánh – mùi của sự ấm áp, thơm lừng của những lá chè xanh từ đồng đất quê hương, là mỗi người trong chúng ta đã biết, đông đã về thật rồi.

Tác giả bài viết: Thế An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây