Từ dưới lớp lá tràm đến bữa ăn nóng hổi

Thứ sáu - 17/11/2023 01:52
Ẩn mình dưới những lớp lá tràm khô xào xạc, đợi cơn mưa mùa thu rả rích đi ngang giữa những tia nắng cuối hạ còn vương, những cây nấm len lỏi vươn mình qua lớp lá mục ngoi lên mặt đất, bung nở như mời gọi những người “thợ săn” nấm. Lạ thay, người miền Trung luôn chọn cho mình những thức vị khó ăn: cái cay của ớt, nồng của ném, lại cả vị đắng nhằn của nấm. Thế nhưng, những mùi vị đó mới khiến người Quảng Trị đi xa lại bất giác nhớ da diết làm sao cái tiết trời ẩm ương mùa gió nổi, mùa bão về, nhớ hình ảnh người quê tả tơi đội mưa bán mớ nấm ở phiên chợ huyện và nhớ cả bát canh nóng hổi đăng đắng mà ngọt hậu của mẹ mỗi độ thu về.
 

Vất vả nghề thu hoạch nấm tràm
Từ khi nào người dân Quảng Trị đã coi nấm tràm như một đặc sản của quê nhà. Gọi nấm tràm là “đặc ân của tạo hóa”, “lộc trời” cho vùng đất này cũng không sai, bởi lẽ nấm sinh trưởng nhiều nhất vẫn ở các tỉnh miền Trung, như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Đi từ bữa cơm dân dã của từng gia đình, các món ăn chế biến từ loại nguyên liệu này đã đi vào bàn tiệc, vào những nhà hàng sang trọng. Thế nhưng, để có được những búp nấm dai ngon, sần sật, đó là một sự lao động cật lực được gói ghém bằng mồ hôi và công sức của người dân nghèo, chạy chợ kiếm cơm mỗi ngày.
Là loại nấm có vòng đời ngắn, mỗi độ mùa về chỉ vỏn vẹn được 15 - 20 ngày nên người dân phải ra sức tận thu thứ “của quý” này.  Hành trang mang theo của người săn nấm tràm chỉ là đôi ba cái làn nhựa và đôi tay chịu lấm lem mùn đất. Lắm lúc, cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống khiến người dân phải vội vã quấn giỏ nấm trong bọc áo mưa, hái ít lá tràm phủ lên, mặc mưa xối xả cả vai người.
 

Với đặc tính dễ hỏng, chị Trần Thị Thanh (54 tuổi, trú tại Phường 4, Đông Hà) cười nói: “Mình phải giữ cho nấm không dính nước bởi một khi đã nhổ khỏi mặt đất, chỉ cần dính đôi ba hạt mưa là nấm tràm dễ đen, thối. Bởi vậy, người ướt chứ nấm nhất định phải khô.”
Đến cuối mùa, nấm cũng dần thưa bởi ở các bìa rừng đã được người dân tận thu. Chỉ những người “thợ săn” nấm chuyên nghiệp mới biết chỗ nào có nhiều ổ nấm và phải đi sâu vào trong rừng, lật tìm từng đám lá keo mục, mới thấy được những chùm nấm mập ú màu mận tím hệt như những chiếc ô xoe tròn ẩn lẫn vào màu nâu của đất.
Len lỏi giữa những tán lá xanh, giữa mùi nhựa tràm thơm ngai ngái sau mưa, mải chạy theo chùm chùm nấm nằm rải rác, lắm khi lạc mất dấu nhau cũng không biết chừng. Câu chuyện dở khóc, dở cười đi hái nấm, mãi đến khi trời tối, ngoảnh đi ngoảnh lại lạc mất đường về, hay côn trùng cắn sưng cả tay chân không phải là chuyện hiếm. Thế mới biết, “săn nấm” cũng là một nghề vất vả!
Cực nhọc là thế, nhưng không phải hôm nào cũng có, anh Võ Văn Hòa (40 tuổi, trú tại khu phố Tân Vĩnh, TP. Đông Hà) cho biết: “Có ngày nhiều anh thu lượm được 20 kg nấm, ngày ít khoảng từ 4 - 5 kg. Cũng tùy loại nấm xấu, đẹp mà giá cả dao động khác nhau.”
Từ rừng tràm đi ra với giỏ đầy ắp nấm trên tay, đầu tóc bết bát mồ hôi, nước mưa và bụi anh Hòa vẫn rạng rỡ reo: “Từ đầu mùa tới nay, bình quân mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 150.000 – 350.000 đồng từ tiền bán nấm, đủ tiền ăn cho cả nhà.”
Để phục vụ những người con xa quê nhớ nhung vị quê nhà, nhiều người đã học cách sơ chế nấm bằng cách chần qua với muối để nguội hoặc xào sơ qua một ít dầu ăn rồi cấp đông tủ lạnh thì kéo dài được nhiều tháng.
Ở một số nơi như Phú Quốc, người dân thường bảo quản nấm tràm bằng cách bỏ bớt phần chân nấm rồi đem đi phơi nắng. Tuy nhiên, với thời tiết miền Trung mùa này thì khó mà thực hiện, do đó, có thể sấy khô nấm bằng lò nướng hoặc lò sấy, có thể giữ được đến 3 tháng ở nhiệt độ thường. Nếu được hút ẩm, thời gian bảo quản sẽ kéo dài lâu hơn.
Nấm tràm kỵ với những thực phẩm nào?
Theo anh Minh (45 tuổi), đầu bếp của một nhà hàng có tiếng tại Đông Hà cho biết: “Nấm tràm nên nấu chín hoàn toàn để nấm phát huy tối đa chất dinh dưỡng, tránh nấu sơ vì dễ gây đầy bụng, khó tiêu. Nấm có tính thanh nhiệt, mát nên tránh dùng với đồ lạnh sẽ khiến người ăn lạnh bụng. Không nên nấu quá nhiều dầu vì trong nấm tràm để có nhiều protein chỉ cần một chút dầu ăn phi hành xào lên là đã đủ. Hơn nữa, không nên nấu nấm tràm bằng nồi nhôm, vì nấm tràm có nhiều chất sắt và canxi, nếu nấu và để lâu trong nồi nhôm sẽ làm nấm oxi hóa chuyển sang màu đen. Tốt nhất nên dùng nồi sứ, thủy tinh hoặc nồi inox.”

 
 
Người miền Trung vẫn thường chuộng món nấm tràm xào hay nấu canh rau khoai lang, cháo nấm tràm. Tuy nhiên, trong “menu” với nguyên liệu nấm tràm vẫn còn rất nhiều món ăn đặc sắc cần được biết đến như nấm tràm kho tiêu xanh, nấm tràm xào tôm thịt, xào lá lốt, xào rau muống tỏi hay súp nấm gà đặc sản của người miền Tây,…
“Đến mùa nấm tràm chưa rứa?”, đó là câu hỏi cửa miệng của người miền Trung quyện hòa trong cái vị đắng nhẫn, bùi bùi của bát canh nấm là nỗi nhớ nhà da diết. Nếu không phải là một người sành ăn, chắc hẳn khó mà nhấm nháp được cái vị của loại nấm này, nhưng một khi đã cảm nhận được rồi thì không cam lòng mà từ chối được.

Tác giả bài viết: Tuệ Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây