Chợ phiên – Nét quê Quảng Trị

Thứ ba - 28/11/2023 01:59
Nhắc đến nét quê, phải nghĩ ngay đến chợ phiên. Chợ phiên không chỉ là nơi để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi thể hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống của đất và người Quảng Trị. Nếu như người dân Kinh Bắc tự hào bởi câu ca “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa” hoặc “Thứ nhất Kinh Kỳ thứ nhì Phố Hiến”, thì người dân Cam Lộ cũng có lời nhắn nhủ thiết tha với mọi người “Muốn mua vui, đến chợ Phiên Cam Lộ”!
 
Chợ Phiên Cam Lộ

Chợ chỉ họp 6 phiên một tháng, bắt đầu từ khi trời còn tờ mờ sáng. Không phải người hẹn chợ mà chợ hẹn người vào những phiên chợ đông vui, nhộn nhịp các ngày 3, 8, 13, 23 và 28 (Âm lịch) hàng tháng. Mặt hàng được người dân bày bán từ vàng, bạc đến mắm, muối, dưa, cà.... Tất cả được bày trí rất bắt mắt, thu hút. Từ hàng Cau, hàng Trầu, hàng Nếp cho đến hàng Khoai... mỗi hàng có một góc riêng. Vẫn là góc chợ xưa, vẫn còn nón Huế đưa ra, trứng vịt Quảng Bình đưa vào, nhưng khác một điều là không có voi để đổi bạc trắng, đổi súng và không còn những phiên chợ có đến 300 con trâu… như nhà bác học Lê Quý Đôn từng chứng kiến. Nhưng cứ đến hẹn là chợ phiên Cam Lộ lại nhộn nhịp, tấp nập người bán người mua.
 
Chợ phiên Vĩnh Ô

Khác với chợ phiên Cam Lộ, chợ phiên Vĩnh Ô được tổ chức ngày 19 hàng tháng. Vĩnh Ô là xã miền núi đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Vĩnh Linh 45km, đường đi còn gian nan. Để duy trì và mở rộng thêm nhiều hoạt động của phiên chợ là sự nỗ lực được kết hợp từ nhiều phía của cả chính quyền và Nhân dân địa phương. Cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp trong tỉnh, chợ phiên là nơi bày bán các sản phẩm nông sản đặc trưng, do chính người dân xã Vĩnh Ô làm ra. Đắm mình trong không khí vui tươi của các tiết mục dân ca, dân vũ, ca ngợi quê hương đất nước của người Bru – Vân Kiều, phiên chợ là cơ hội giúp người dân được thưởng thức sự đa dạng văn hóa vùng miền đầy mộc mạc, gần gũi và độc đáo của đồng bào dân tộc huyện Vĩnh Linh.
Làng Bích La, mảnh đất địa linh nhân kiệt, là quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, nơi sinh ra họa sĩ tài hoa Lê Bá Đảng. Ngoài ra, vùng quê này còn được biết đến với phiên chợ quê độc đáo, gây sự tò mò của hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh, đó là chợ đình Bích La. Nói đến chợ đình Bích La, người dân Quảng Trị có lẽ không ai là không biết bởi nét độc đáo về không gian và thời gian tổ chức. Thông thường, chợ quê chỉ diễn ra ban ngày vào buổi sáng thì chợ đình Bích La mỗi năm chỉ họp một lần vào đêm mùng Hai và sáng mùng Ba Tết Nguyên đán. Âý thế mà chợ vẫn rất đông, vẫn tấp nập người bán, kẻ mua, vẫn cứ thắm, cứ nồng, cứ rôm rả với những mặt hàng đậm chất quê, để lại trong lòng du khách bao dư âm và hoài niệm. Mùi của sản vật đồng quê, của rau, của cà, những ngọt ngào từ cây mía, cái nồng nàn của bó xà lách, tần ô, cái vị mặn mòi của những hạt muối cứ dậy lên… cứ như thế, chợ đình Bích La đánh thức du khách với bao yêu thương và hoài niệm.

 
Chợ đình Bích La

Người đi chợ đình không chỉ để mua bán nông sản, xin chữ từ các ông đồ, mà còn để xin lộc, mua may, bán đắt, sự nghiệp, học vấn được hanh thông, gia đạo bình an, hạnh phúc. Rạng sáng, khi mùa xuân thức giấc, khi đất trời chầm chậm chuyển mình qua mùa xuân thì phiên chợ cũng tan dần, nhưng nét độc đáo thì vẫn còn lưu lại bao xúc cảm trong lòng người. Chợ đình Bích La như một thước phim quay chậm để ghi lại nét đẹp truyền thống của vùng quê mộc mạc.
Trải qua thời gian dài hình thành, qua nhiều thăng trầm, chợ phiên Quảng Trị vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống, riêng có của địa phương mình. Dù nhuốm màu thời gian và bị cạnh tranh bởi những hình thức mua bán thời hiện đại nhưng với những người quê, chợ phiên đã trở thành một phần tâm tưởng, trở thành nơi cất giữ những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ./

Tác giả bài viết: Tuệ Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây