Di tích chùa Bão Đông và Lăng mộ Trần Đình Ân – Khám phá về di tích Chăm pa, tìm hiểu danh nhân của vùng đất Quảng Trị về công cuộc mở mang bờ cõi dưới thời các chúa Nguyễn

Thứ ba - 28/11/2023 02:08
Di tích Chùa Bảo Đông và bia, mộ Trần Đình Ân là một tổng thể của các công trình kiến trúc gồm Chùa Bảo Đông, nhà bia và Lăng mộ Trần Đình Ân thuộc xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; các thành phố Đông Hà 12 km về phía Bắc. Các công trình này ghi dấu lưu niệm về một nhân vật lịch sử dưới thời Chúa Nguyễn là Trần Đình Ân (1625 – 1706). Di tích Chùa Bão Đông và lăng mộ Trần Đình Ân được Bộ Văn hóa - Thông tin ((Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định Số 2009/QÐ-BVHTT ngày 15 tháng 11 năm 1991.
 

Trần Đình Ân người làng Hà Trung, huyện Gio Linh. Ông vốn sinh ra trong một gia đình dòng dõi quan lại. Ông là Con thứ ba của Trần Hữu Chí, làm quan đến chức Cai hạp lệnh sử. Trần Đình Ân sinh năm Bính Dần (1625), Lớn lên trong một gia đình quan lại, Trần Đình Ân sớm gia nhập vào đội ngũ quan lại phong kiến để phục vụ các chúa trong thời gian đầu mở mang và cũng cố xứ Đàng Trong. Vốn là người có tính trung hậu, khoan hòa, độ lượng nên được các chúa Nguyễn yêu mến. Hơn nữa, ông cũng là người có tâm huyết với việc khôi phục và mở mang xứ Đàng trong, lại là người giỏi việc binh nên uy tín của ông không những chỉ có trong triều thần mà còn được dân quí trọng.
Trưởng thành, ông ra làm quan thủ bạ đời chúa Thượng Nguyễn Phước Lan. Đời Hiền Vương Nguyễn Phước Tần. Trong trận chiến với quân Trịnh, ông hiến kế “Dĩ hư phá hư” (Lấy rỗng phá rỗng) mà ông vạch ra cho chúa Nguyễn Phúc Thuần để đánh bại quân Trịnh ở lũy Trấn Ninh vào tháng 8 năm Nhâm Tý (1672). giúp cho quân Nguyễn chiến thắng. Từ đó chấm dứt chiến tranh, hai miền Nam - Bắc hòa bình 100 năm. Đời Minh Vương Nguyễn Phước Chu, Trần Đình Ân đem hết tài năng ra phụng sự. Ông được trao chức vụ Tham chánh đoán sự, tước Đông Triều Hầu. Nhờ tài nội trị của ông mà hậu phương Phú Xuân vững mạnh, giúp cho danh tướng Nguyễn Hữu Kính (Cảnh) yên tâm lo việc bình định, mở mang đất nước ở phương Nam. Công nghiệp của ông còn lưu dấu mãi với lịch sử dân tộc. Những lần thừa lệnh chúa đi kinh lý các vùng trong 2 phủ Thuận Hóa, Quảng Nam, ông đã đề xướng nhiều việc khuyến nông, cho đắp đập Hà Trung, Hà Trữ, mộ dân khai khẩn các vùng đất mới. Là người sùng đạo Phật, ông đã cho xây dựng nhiều chùa chiền; đáng chú ý nhất là chùa Vịnh Hòa ở huyện Phú Vang dựng năm 1666. Những năm mất mùa, ông tham kiến cho chúa đề nghị giảm tô thuế cho dân. Vì Vậy, ông được khắp nơi ngưỡng mộ. Quá trình thăng quan tiến chức của Trần Đình Ân bắt đầu từ một Thủ bạ, thăng lên Cai hợp, rồi lên Câu kê kiêm tri bạ, Cai bạ phó đoán sự và cuối cùng lên đến Tham chánh chính đoán sự.
Tháng 8 năm Quí Mùi (1703) Trần Đình Ân 78 tuổi, đã từ quan về quê để an trí tuổi già và đến ở tại chùa Bão Đông. Ông cho tu sửa ngôi cổ tự này dùng để tở và tu đạo. Đây là một công trình kiến trúc cổ của người Chăm để lại sau khi bộ phận cư dân này bị người Việt tấn công đẩy lùi về phía Nam. Sau đó cư dân Việt ở làng Hà Trung sử dụng làm ngôi chùa thờ Phật và gọi nó là chùa Bảo Đông. Sau khi tu sửa, ông cho đặt tên là chùa Bình Trung. Theo truyền thuyết của người địa phương thì đó là một ngôi chùa rất lớn làm bằng đá. Một thành phần kết cấu trong chùa hoàn toàn sử dụng bằng đá lắp ghép mà thành. Phía trước có cổng cũng bằng đá, những trụ đá này lớn và cao rất đồ sộ.
Thời gian ở tại chùa, Trần Đình Ân đã cho xây dựng bia đá có ghi nội dung bài thơ và tựa do chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng cho ông trước khi từ chức về quê. Theo nội dung khác trên bia đá dựng trong nhà bia thì thấy có hàng chữ Hán: Chánh hoà nhị thập tứ niên, thập nhất nguyệt, sơ lục nhật. Tức là bia dựng ngày 6 tháng 12 năm Khánh Hoà thứ 24 (1704). Ba năm sau (1703), Trần Đình Ân mất, thọ 81 tuổi, mộ táng tại làng Hà Trung. Chúa Nguyễn Phúc Chu gia tặng Đôn Hậu Công Thần Đặc Tiến Trụ Quốc Kim Tử Vinh Lộc Đại Phu Đại Lý Tự Khanh, cho 10 người phu mộ và miễn thuế cho 30 mẫu tự điền để lo tế tự. Cách chùa Bình Trung 1km về phía Tây là lăng mộ Trần Đình Ân. Lăng mộ Trần Đình Ân còn được gọi là Lăng Lâu vì có hai tầng. Tổng thể của Lăng Lâu gồm có cổng lăng, thành ngoài, bình phong, vòng uynh, bái lăng và cuối cùng là nhà mồ.

 

Thời gian xây dựng lăng mộ chính xác không rõ năm nào, chỉ thấy trên bia đặt trong nhà mồ có ghi mấy chữ: Tự Đức Nhâm ngọ hạ: Theo lời kể của những người trong họ Trần Đình thì có niên hiệu năm tu sửa lại lăng và dựng bia đá. Xét về cách thức kiến trúc thì thấy lăng có cấu trúc cùng thời với nhà bia. Như vậy Lăng chỉ  được xây dựng vào những năm Trần Đình Ân còn sống hoặc đã mất sau ông ít lâu. Nếu vậy thì năm Nhâm Ngọ chính là năm trùng tu lăng và dựng bia đá. Lần trùng tu năm 1882 có lẽ cũng chỉ dựng bia và sửa sang lại một vài chi tiết nhỏ, còn cấu trúc của Lăng vẫn như cũ và như hiện trạng ngày nay.
Lăng nhìn tổng thể có thể thấy gồm các thành phần là: Cổng Lăng, vòng thành ngoại, bình phong, ba vòng uynh, bái lăng và nhà mồ. Thành ngoài được xây bao quanh khu lăng mộ, khá vững chắc để ngăn cách bên ngoài với lăng. Cổng vào Lăng Lâu được xây hình vòm, đi qua cổng là bắt gặp tấm bình phong và một hệ thống 3 bậc của tường xây bằng gạch tạo ra bái lăng. Ở đây có hai con nghê chầu hai bên ở lối đi tạo nên không khí trang nghiêm, uy nghi. Phía trong cùng là nhà mồ được xây bằng gạch có hai tầng. Nhà mồ của Lăng Lâu gồm 2 phần, phần ngoài là cửa được xây vòm cuốn là nơi đặt bia đá và bệ thờ, tiếp đó là phần trong được xây kín để bảo vệ cho mộ phần của danh nhân Trần Đình Ân.
Sự phân bố xếp đặt thứ tự các thành phần kết cấu của lăng nói lên rằng chủ nhân là một người mực thước, chỉnh chu. Đó là sự biểu hiện của khuôn phép Nho giáo. Chỉ có điều phần trong cùng nhà mồ không rõ vì sao lại xây bịt kín chỉ chừa lại một cửa sổ tròn phía trên bia đá. Nếu nghỉ rằng đó là biện pháp để giữ an toàn cho chủ nhân lăng về mặt thi hài của một vị tham Chánh như Trần Đình Ân?.
Có thể khẳng định rằng Trần Đình Ân là một con người tài năng có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cũng cố và mở mang xứ Đàng trong dưới thời các chúa Nguyễn. Vì vậy, có thể coi ông là một danh nhân trong giai đoạn đầu khi vùng đất này vừa mới định hình.
Bên cạnh đó, Lăng mộ Trần Đình Ân mang những giá trị về kiến trúc nghệ thuật, cho chúng ta biết về cách thức xây dựng lăng tẩm của các vị quan lại hồi thế kỷ XVIII. Qua lăng mộ này, ta biết thêm một phong cách mới trong việc xếp đặt nơi trở về cõi vinh hằng dành cho người đã khuất. Lăng mộ - nơi yên nghỉ của người quá cố phải là một nơi tĩnh lặng, và được xây dựng với tất cả tấm lòng quí trọng của người đang sống.
Lăng mộ Trần Đình Ân là di tích mang những giá trị lịch sử, văn hóa; nó hàm chứa nhiều yếu tố về phong tục tập quán, tín ngưỡng, quan niệm nghệ thuật và đời sống văn hóa tâm linh của một thời kỳ lịch sử trong quá trình du nhập từ đất Bắc vào xứ Đàng Trong dưới thời các Chúa Nguyễn. Đây được xem là mắt xích quan trọng chuyển tiếp văn hóa từ thời hậu Lê sang triều Nguyễn.
Trãi qua thời gian, ngôi cổ tự Bình Trung không còn, những dấu tích còn lại của đền tháp Hà Trung đều là những bộ phận kiến trúc lớn bằng đá sa thạch, có chạm khắc hoa văn đây leo và cành lá thuộc văn hóa Đồng Dương. Đáng chú ý là hai trụ đá có hình khối vuông, có chạm khắc chử Chăm cổ. Chứng tỏ nơi đây, từng là thánh địa của người Chămpa. Trong khuôn viên có Chùa Bình Trung hiện đại, do khuông hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị xây dựng năm 1995.
Nhà bia từ lúc Trần Đình Ân về tu đạo và khởi dựng nay vẫn còn. Nhà bia xây dựng theo lối như một ngôi miếu cổ, xây bằng gạch. Mặt nhà bia quay về hướng Nam. Trần nhà hình vòm cuốn. Mặt sau xây bít kín, cửa chính và cửa phụ hai bên xây theo vòm cuốn. Nhà bia có 4 mái đắp vửa gắn ngói mũi hài. Diềm mái thẳng. Đầu đao trang trí đơn giản. Mặt trước, trên cửa chính có tấm biển đề 4 chữ Hán: TU TRIEU THAC PHU. Bên trong nhà bia dựng bia đá. Bia được làm bằng đá sa thạch. Bia đứng trên một bệ đá hình con rùa có hình dạng như những bia tiến sĩ ở Văn miếu Hà Nội, song ở phần trên cùng đầu bia lượn thành một cung tròn hoàn toàn mang phong cách thời Lê. Bệ rùa (từ đầu đến đuôi) nằm dài như tư thế một con rùa đang nằm, đầu hướng ra cửa chính.
Mặt trước tấm bia chạm hình những mây mác ở xung quanh. Trên đầu bia hình mây và mặt nguyệt là 4 chữ Hán chạm nổi đóng trong khung tròn: TU CONG THAN BIA. Hai bên khung chạm hình hoa thị nối tiếp nhau từ trên xuống. Toàn bộ trên mặt tấm bia khắc chìm một bản Hán tự khá sắc xảo, nét chữ còn rất rõ.

 

Do thời gian và chiến tranh, nhà bia bị bong tróc nhiều. Năm 1996, con cháu họ Trần Đình đã quyên góp cho sửa sang tô trát lại nhà bia và làm mới tấm bia mới  bằng đá chôn phía trước nhà bia nội dung tòm tắt lại nội dung văn bia (bằng chữ Quốc ngữ).
Đối với lăng mộ Trần Đình Ân, trãi qua nhiều thế kỷ, dưới sự ảnh hưởng khắc nghiệt của khí hậu và thời gian, khu lăng mộ đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Vòng thành ngoại hình vuông, bao bọc xung quanh lăng nối với cổng hiện chỉ còn những mãng tường sụp đổ. Các công trình khác như: Cổng được xây theo kiểu vòm cuốn, phần mái bị sụt hoàn toàn, các chữ Hán phía trên cổng và hai câu đối hai bên cổng nay không đọc được. Phía trong là bình phong, mặt ngoài được đắp nổi hình hổ nay bị bong nhiều.
Ba vòng uynh ở trong bao bọc nhà mồ. Hai vòng ngoài vươn tới phía trước và lượn ra hai bên nay chỉ còn phần chân móng. Vòng trong cùng khép kín ôm lấy nhà mồ chỉ chừa lại một lối vào vừa đủ. Hai con nghê nằm hai bên, nay đã hư  hổng gần như hoàn toàn.
Trung tâm là Nhà mồ được xây theo hình tháp có 3 tầng mái. Các họa tiết trang trí và chữ Hán được đắp nổi bằng mảnh sành sứ nay bị bong tróc không đọc được. Phần mái được lợp bằng ngói mũi hài nay cũng bị tróc nhiều. Duy phía trước của chính của Nhà mồ có tấm bia bằng đá được gắn vào tường, ghi thần vị của chủ nhân tương đối còn nguyên vẹn.
Với  những giá trị về lịch sử, văn hóa, Khu Lăng mộ Trần Đình Ân được Bộ Văn hóa - Thông tin ((Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định Số 2009/QÐ-BVHTT ngày 15 tháng 11 năm 1991. Di tích đã được phân cấp cho UBND huyện Gio Linh trực tiếp quản lý theo Quyết định 706/QĐ-UB ngày 12/7/1996 của UBND tỉnh Quảng Trị. Đây là một di tích cấp Quốc gia có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; đến đây, du khách sẽ biết rõ hơn về lịch sử vùng đất trong thời kỳ mở mang bờ cõi của nước Đại Việt, về một danh nhân - Ngài Trần Đình Ân, đã có công lao to lớn trong buổi đầu cho sự nghiệp củng cố, mở mang bờ cõi, khai phá vùng đất mới ở xứ Đàng Trong. Đến đây, du khách cũng tìm hiểu và chiêm ngưỡng những di vật của khu đền thắp Chăm pa cổ, có các thể khối kiến trúc bằng đá đồ sộ, về kỷ thuật chế tác đá và kỷ thuật xây dựng đền tháp của người dân Chăm pa xưa, với sự ngưỡng mộ và bí ẩn cần được nghiên cứa, tìm hiểu khám phá.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây