Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương đánh dấu một chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam, nhưng qua đó cũng mở ra một thời kỳ lịch sử mới. Theo Hiệp định ký kết, Việt Nam tạm thời chia hai, lấy sông Bến Hải, Vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời phân chia hai miền Nam Bắc, chờ ngày tổng tuyển cử thống nhất non sông. Tuy nhiên, cả dân tộc Việt Nam đã phải chờ đợi suốt hơn hai mươi năm đấu tranh, hy sinh và mất mát mới đạt được ước vọng.
(Ảnh tư liệu)
Hơn hai mươi năm, Quảng Trị hứng chịu biết bao bom đạn đổ xuống mảnh đất này. Tại Vĩnh Linh, không một mãnh vườn, thửa ruộng, trảng cát, con đường nào không bị bom đạn ít nhất một lần hủy diệt. Chín thôn của xã Vĩnh Thủy mà một ngày chịu 37 lần chiếc B52 rải thảm 700 tấn bom. Đêm 1/7/1968, xã Vĩnh Giang phải chịu một lúc 3 vạn quả đại bác hạng nặng. Các nhà báo, nhà văn trong nước và quốc tế đến đây phải thốt lên: nơi đây “một phần là đất, ba phần còn lại là sắt thép.” Ngày ấy Vĩnh Linh có 7 vạn dân sống trên dải đất 800 km2 mà phải chịu nửa triệu tấn bom đạn tàn phá. Tính ra một đầu dân phải chịu hơn 7 tấn bom hủy diệt. Thành cổ Quảng Trị anh hùng, mảnh đất thiêng liêng của Quảng Trị, trong 72 ngày đêm chiến đấu, với diện tích khoảng 3km2 đã hứng chịu 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima và Nagasaki hồi Chiến tranh thế giới thứ hai, ...
Thành Cổ Quảng Trị 1972 (Ảnh tư liệu)
Nhưng sự tàn phá ác liệt vậy vẫn không thể làm lay chuyển ý chí và quyết tâm của người Quảng Trị, mỗi một người dân đều là chiến sĩ, mỗi làng thôn là một trận địa tiến công. Xương máu người Quảng Trị đổ xuống cùng với hàng triệu người con đất Việt đã nối liền non sông, thống nhất đất nước.
Di tích đặc biệt Quốc gia Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải (Ảnh tư liệu)
Chiến tranh qua đi, hòa bình đã trở lại, 45 năm qua, Quảng Trị đã từng bước vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Những dấu tích chiến tranh xưa vẫn còn đó, nhắc nhở về một thời hào hùng của quân và dân Quảng Trị. Trên toàn tỉnh Quảng Trị, theo thống kê, trong số 498 di tích đã được kiểm kê, đánh giá, Quảng Trị có đến 431 di tích lịch sử chiến tranh, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng Di tích đặc biệt quốc gia.
Di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải bao gồm các hạng mục: cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ giới tuyến, nhà Liên hợp , Đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh ở bờ Bắc, cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam, Nhà Bảo tàng Vĩ tuyến 17… Di tích Đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia ngày 12/12/1986. Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ngày 9/12/2013.
Di tích đặc biệt quốc gia Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 (Ảnh: Lê Minh Sơn)
Di tích đặc biệt quốc gia Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (Ảnh: Lê Minh Sơn)
Di tích đặc biệt quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, vĩ tuyến 17, không chỉ là dấu ấn của một thời khói lửa chiến tranh mà còn là biểu tượng của một khát vọng mãnh liệt về ước vọng Hòa Bình của cả dân tộc. Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải, phải trải qua hơn hai mươi năm đấu tranh anh dũng mới nối liền Nam Bắc thành một dải. Một vệt sơn trắng cắt ngang cầu Hiền Lương mà cả dân tộc Việt Nam phải đi hơn hai mươi năm với biết bao người con đất Việt đã ngã xuống vì hòa bình dân tộc. Ngày 30/4 hàng năm, ngày hội Thống nhất non sông, khát vọng hòa bình đã trở thành một trong những lễ hội lớn của cả nước.
Để lưu lại cho con cháu ngày sau luôn nhớ những mất mát hy sinh của cha ông để có được hòa bình hôm nay, tỉnh Quảng Trị đề xuất tổ chức Festival Vì hòa bình tại tỉnh Quảng Trị và đã được Chính phủ và các bộ, ngành đồng ý. Theo đó, Festival Vì Hòa Bình, sẽ được tổ chức định kỳ hai năm một lần, có quy mô quốc gia và quốc tế và là một trong những sự kiện văn hóa lớn của quốc gia nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người dân Việt Nam và nhân loại trên thế giới đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng cho quê hương, đất nước và nhân loại. Lễ hội còn để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc, tưởng niệm những nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra.
Việc tổ chức lễ hội còn nhằm xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa Vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị hủy diệt do chiến tranh và sẽ là nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương; nơi họp mặt, chia sẻ của những thành phố, dân tộc từng chịu chung số phận như Quảng Trị trên toàn thế giới như thành phố Rotterdam (Hà Lan), Dresden, Cologne, Berlin (Đức), London (Anh), Stalingrad (Nga), Hiroshima, Nagasaki (Nhật Bản).
Ngoài ra, với hệ thống các di tích chiến tranh đồ sộ và địa danh Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, vĩ tuyến 17, tour du lịch DMZ là một sản phẩm du lịch đặc biệt của Quảng Trị mà không phải bất cứ địa phương, quốc gia nào cũng có được. Trên thế giới, ngoài Việt Nam chỉ có Hàn Quốc là quốc gia thứ hai có loại sản phẩm du lịch này.
Du lịch DMZ sẽ đưa du khách trở lại chiến trường xưa như: Căn cứ Cồn Tiên - Dốc Miếu, Địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Đường mòn Hồ Chí Minh, Căn cứ Khe Sanh, Hàng rào điện tử McNamara, ...
Đại sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam thăm di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải (Ảnh tư liệu)
Những gì đau thương của chiến tranh tàn khốc rồi sẽ qua đi, vết thương rồi cũng sẽ lành lại, nhưng Thế giới cần có một Việt Nam, Việt Nam cần có một Quảng Trị sẽ là nơi mà con người đi qua từng thế hệ, đến với Quảng Trị để nhìn ngắm, chiên ngưỡng và suy ngẫm về một KHÁT VỌNG HÒA BÌNH.