Khởi công Dự án khu công nghiệp Quảng Trị - Ảnh Phan Hoài An
Đối với công tác ngoại giao kinh tế, trong thời gian qua và trong năm 2022,10 Tỉnh Quảng Trị tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các văn bảo chỉ đạo của Trung ương về công tác ngoại giao kinh tế, trong đó có Chỉ thị số 15-CT/TW Ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và ban hành Kế hoạch về công tác ngoại giao kinh tế trong bối cảnh thích ứng với đại dịch Covid-19. Công tác ngoại giao kinh tế được chủ động triển khai bằng nhiều biện pháp, cách thức tiếp cận mới nhằm thích ứng chủ động với tình hình mới. Thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Quảng Trị được triển khai một cách linh hoạt. Hoạt động trao đổi, tiếp xúc trực tuyến với các đối tác, nhà tài trợ quốc tế được đẩy mạnh, tăng cường. Tiếp tục duy trì việc lồng ghép nội dung hợp tác kinh tế, giới thiệu và kết nối nhà đầu tư với địa phương trong các cuộc trao đổi, làm việc trực tuyến với các đối tác, nhà tài trợ, các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Năm 2022, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức đón tiếp và làm việc với các đoàn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; đoàn Quốc vụ khanh, Bộ Ngoại giao Ireland và Đại sứ quán Ireland; đoàn Đại sứ Israel, Đại sứ Thái Lan, Đại sứ Thụy Điển, Đại sứ Na Uy, Đại sứ Lào, đoàn Phó Đại sứ Cộng hòa Cuba tại Việt Nam…. Trong các phiên làm việc, tỉnh đã chủ động trao đổi, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, tiềm năng, lợi thế và nhu cầu thu hút đầu tư, hợp tác tại địa phương.
Lãnh đạo tỉnh làm việc với Bà Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Do tình hình Covid -19 ở một số nước, khu vực vào giai đoạn đầu năm 2022 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc mở cửa khẩu quốc tế chậm hơn so với dự kiến, tính đến 15/11/2022, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt đạt 740,5 triệu USD, giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giá trị xuất khẩu đạt hơn 255,962 triệu USD, tăng 31,2 % so với cùng kỳ năm 2021 và giá trị nhập khẩu đạt gần 484,498 triệu USD, giảm 38,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (ODA) vẫn đang được triển khai tốt trên một số dự án, lĩnh vực. Các dự án ODA triển khai tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam, Hiệp định vay ký kết và Quyết định đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các dự án ODA thực hiện trong năm 2022 được bố trí vốn nước ngoài theo tiến độ thực hiện và kế hoạch năm theo quyết định của cấp có thẩm quyền, không có dự án kết thúc trong năm 2022 nhưng chưa được bố trí đủ vốn nước ngoài. Năm 2022, kế hoạch vốn bố trí cho các dự án ODA trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là: 1.146.043 triệu đồng; Trong đó, vốn nước ngoài Trung ương giao cho tỉnh là: 875.904 triệu đồng, (vốn nước ngoài NSTW: 692.020 triệu đồng; Vốn nước ngoài địa phương vay lại: 178.700 triệu đồng); vốn nước ngoài viện trợ không hoàn lại là 5.184 triệu đồng cho 01 dự án giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước; Vốn đối ứng đã giao chi tiết cho các dự án ODA là: 270.139 triệu đồng (nguồn NSTW: 103.000 triệu đồng, nguồn NSĐP: 167.139 triệu đồng). Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, tổng vốn kế hoạch năm 2022 thực hiện giải ngân là 280.376 triệu đồng, đạt 24,5% kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao đầu năm. Trong đó, giải ngân vốn nước ngoài đã giải ngân là 154.281 triệu đồng (Trong đó: giải ngân vốn nước ngoài NSTW: 134.915 triệu đồng, vốn nước ngoài vay lại: 19.365 triệu đồng), đạt 17,6% so với kế hoạch Trung ương giao và giải ngân vốn đối ứng là 126.095 triệu đồng (Trong đó: vốn đối ứng NSTW: 33.239 triệu đồng, vốn đối ứng NSĐP: 92.856 triệu đồng), đạt 46,7% kế hoạch vốn đối ứng được giao trong năm.
Đối với tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có có 18 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.484,52 triệu USD. Trong đó: 12 dự án hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 49,582 triệu USD; 06 dự án đang triển khai xây dựng với tổng số vốn đăng ký là 2.434,94 triệu USD. Một số dự án tiêu biểu như: Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn 1 của tổ hợp các nhà đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc gồm Tập đoàn T&T và các doanh nghiệp Hàn Quốc: Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) (2,317 tỷ USD); Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị của Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam – Singapore, Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa, Sumitomo Corporation (88,26 triệu USD), dự án Nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử của Công ty Sangshin Electronics (Hàn Quốc). Nhìn chung, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh hiện đang phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường sau thời gian chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID và thiên tai. Trong Quý III năm 2022, doanh thu của các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 25,99 triệu USD (bằng 87,01% so với cùng kỳ 2021), giá trị xuất khẩu đạt 17,32 triệu USD (bằng 71,01% so với cùng kỳ), giá trị nhập khẩu đạt 8,10 triệu USD (bằng 94,89% so với cùng kỳ), giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.146 lao động tại địa phương (bằng 87,16% so với cùng kỳ) và nộp ngân sách 0,75 triệu USD (bằng 183,37% so với cùng kỳ 2021).
Hội nghị hợp tác về lĩnh vực Thương mại, đầu tư, du lịch, lao động và truyền thông giữa 03 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) - Mukdahan (Thái Lan) - Savannakhet (Lào)- Ảnh Phan Hoài An
Đối với công tác xúc tiến trên EWEC: Tỉnh Quảng Trị tiếp tục tổ chức thành công và triển khai kế hoạch hợp tác sau Hội nghị hợp tác về lĩnh vực Thương mại, đầu tư, du lịch, lao động và truyền thông giữa 03 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) - Mukdahan (Thái Lan) - Savannakhet (Lào) nhằm khai thác có hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây để phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và văn hóa mang sắc thái độc đáo riêng của 03 tỉnh. Phối hợp với Bộ Công thương tổ chức thành công Hội chợ thương mại quốc tế tiểu vùng Mekong (GMS) vào tháng 7/2022 tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Tỉnh chỉ đạo việc triển khai nghiên cứu, khảo sát, xây dựng Đề án “Hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan)” với kỳ vọng mở ra cơ hội hợp tác, đầu tư, từng bước hình thành một hành lang kinh tế song song với hành lang kinh tế Đông – Tây (Para-EWEC), tạo điều kiện cho sự kết nối và phát triển của cực phía Tây Nam tỉnh Quảng Trị với các tỉnh Nam Lào và vùng Đông bắc Thái Lan trong tương lai. Tiếp tục phối hợp tỉnh Savannakhet và các bộ, ngành trình Chính phủ chủ trương thí điểm xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo – Đensavan để triển khai thực hiện. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo phù hợp với định hướng phát triển mới.
Hội chợ thương mại quốc tế tiểu vùng Mekong (GMS)- Ảnh Phan Hoài An
Tỉnh Quảng Trị luôn đề cao, chú trọng các hoạt động về giao lưu văn hóa với bà con Việt Kiều ở Lào và Thái Lan, hàng năm, các đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị đến các tỉnh của Lào, Thái Lan đều có hoạt động thăm và giao lưu với Hội người Việt Nam ở nước ngoài tại Lào, Thái Lan (đặc biệt là các tỉnh Đông Bắc Thái Lan) để động viên và thông báo tình hình quê hương cho kiều bào, thông qua những hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc thiết lập quan hệ hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các địa phương ở Lào, Thái Lan. Đây là cầu nối để thắt chặt tình cảm với bà con, đồng thời mời gọi bà con có tiềm lực về kinh tế, trình độ về khoa học- công nghệ về giúp đỡ, xây dựng phát triển quê hương.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thăm bà con Việt kiều tại tỉnh Nakhon Phanom - Thái Lan
Đối với công tác quảng bá, xúc tiến với các địa phương, các nước trong khu vực Đông Bắc Á: Thông qua sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và các đối tác quốc tế, Tỉnh tiếp tục duy trì, kết nối nhằm xúc tiến thiết lập quan hệ ngoại giao với các tỉnh: Jeollabuk-do (Hàn Quốc), Hiroshima (Nhật Bản) và Ubon Rachathani (Thái Lan). Ngoài ra, qua kênh ngoại giao, tỉnh đã tổ chức các phiên làm việc giữa Lãnh đạo tỉnh với các đối tác Hàn Quốc, chú trọng sự hỗ trợ của phía Hàn Quốc trong xúc tiến thiết lập quan hệ cấp địa phương giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Jeollabuk-do.
Lồng ghép hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch vào ngoại giao kinh tế cũng là nội dung được tỉnh Quảng Trị đặc biệt chú trọng. Trong thời gian qua và trong năm 2022, tỉnh Quảng Trị đã tích cực triển khai Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động số 83-CTHĐ/TU ngày 25/7/2017 của Tỉnh ủy Quảng Trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; tỉnh đã nghiên cứu, phối hợp tổ chức khai thác hiệu quả tuyến du lịch quốc tế 03 nước Hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen Sa Vẳn, Cửa khẩu quốc tế La Lay kết nối các Cửa khẩu quốc tế của Lào và Campuchia. Tỉnh đã chú trọng quảng bá, giới thiệu về mảnh đất, con người, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa và tiềm năng, lợi thế phát triển đến với bạn bè quốc tế, đặc biệt các tỉnh trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và đoàn các tỉnh bạn Lào, Thái Lan, các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài đến thăm, làm việc và tham gia các hoạt động văn hóa tại địa phương. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Trị đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao &Du lịch, Bộ Ngoại giao đề xuất tổ chức UNESCO thực hiện nghiên cứu đưa địa đạo Vĩnh Mốc và Hệ thống Giếng cổ Gio An vào xếp hạng di sản thế giới.
Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn, rào cản cho sự phát triển, những hoạt động và kết quả đạt được trong năm 2022 trong lĩnh vực đối ngoại nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng tiếp tục đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh phải hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, phát huy hơn nữa sức sáng tạo và nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo sự phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn trong năm 2023, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch 5 năm 2021- 2025./.