Hàng hoá phục vụ Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 tại Siêu thị Co.opmart Đông Hà
Ảnh: Lê Huyền
Chủ động xây dựng phương án, kinh phí dự trữ hàng hóa
Thường lệ, vào cuối năm mà đặc biệt là thời điểm sát dịp Tết Nguyên đán thì nguồn cung nông sản, thực phẩm tăng mạnh. Năm nay, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và Tết dương lịch có thời gian khoảng cách khá gần, nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân đón Tết cần được tích cực triển khai từ sớm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
Nhằm bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngay từ tháng 11/2022, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng tham mưu trình UBND tỉnh phương án và bố trí kinh phí dự trữ hàng hóa phục vụ công tác đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường với tổng kinh phí đề xuất 13,3 tỷ đồng. Theo đó, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị đảm bảo hàng hóa dự trữ và tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá tại địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và thành phố Đông Hà; Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn - Đông Hà (Siêu thị Co.opmart Đông Hà) đảm bảo hàng hóa dự trữ và tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá tại địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà.
Hàng hoá mứt, các loại hạt phục vụ Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 tại Siêu thị
Co.opmart Đông Hà - Ảnh: Lê Huyền
Với tổng lượng hàng dự trữ và kinh doanh dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của Siêu thị Co.opmart Đông Hà là 65 tỷ đồng, Công ty sẽ tập trung dự trữ hàng hóa “chiến lược giá” để thực hiện bình ổn đối với các mặt hàng gạo, thịt heo, thịt bò, rau củ quả, gạo, đường, muối, các thực phẩm chế biến: bánh, mứt, kẹo, trái cây…. từ đầu tháng 12/2022 với trị giá khoảng 7,2 tỷ đồng để phục vụ nhân dân mua sắm. Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt bò Siêu thị sẽ tạo điều kiện thanh toán cho Nhà cung cấp để giữ giá. Bên cạnh công tác bình ổn tại chỗ, Siêu thị sẽ tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh, thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị, với các nhóm hàng: lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm, áo quần, cùng nhiều chương trình khuyến mãi tặng kèm và giảm giá từ 10-49%… nhằm phục vụ bà con không có điều kiện trực tiếp đến Siêu thị mua sắm. Trong trường hợp có biến động về giá, Siêu thị sẽ tăng cường bán hàng lưu động tại điểm nóng khi có sự yêu cầu của Sở Công Thương. Tất cả các hàng hóa tham gia bình ổn sẽ được Siêu thị dự trữ tại đơn vị, tổng kho Saigon Co.op, các nhà cung cấp. Ông Đặng Tứ Minh San, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đông Hà cho biết: “Siêu thị sẽ giữ bình ổn giá trước, trong và sau Tết để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ cho nhân dân theo số lượng đã cam kết, không bị hết hàng hóa thiết yếu trong suốt quá trình bình ổn giá, bên cạnh đó sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá đa dạng, phong phú”. Ông Lê Quang Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết: “Công ty sẽ tổ chức các điểm bán hàng cố định đến ngày 29 Tết âm lịch tại các cửa hàng thuộc hệ thống của Công ty như 8S và Siêu thị Sepon tại TP Đông Hà, trị trấn Lao Bảo, xã A Túc và Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa; Cung cấp giỏ quà tết đa dạng, phong phú, dự trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm như đồ điện, gia dụng, nông sản... với kinh phí trên 10 tỷ đồng tại Siêu thị Sepon. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa với giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm. Mặt khác, để đảm bảo nguồn hàng ổn định, Công ty đã ký kết hợp đồng với các đại lý cung ứng nguồn hàng, nhằm dự trữ và đáp ứng được chủng loại, số lượng như trên và khi thị trường có nhu cầu tăng lên. Các mặt hàng là hàng Việt Nam chất lượng cao và một số mặt hàng nhập khẩu chính ngạch, chất lượng hàng hóa đảm bảo, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.
Bánh kẹo phục vụ Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 tại Siêu thị Co.opmart Đông Hà
Ảnh: Lê Huyền
Chủ động, sẵn sàng triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp
Ngày 16/12/2022, Sở Công Thương đã ban hành Văn bản số 2170/SCT-QLTM về việc thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 gửi các địa, phương đơn vị liên quan. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2022, trước và trong Tết Nguyên Đán, Sở Công Thương và UBND các huyện, thị xã thành phố sẽ tăng cường, chủ động triển khai kịp thời các biện pháp nhằm bình ổn thị trường; tăng cường theo dõi, nắm bắt đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá đặc biệt nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động xây dựng phương án, biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hoặc kịp thời thông tin, đề xuất tham mưu với UBND tỉnh các biện pháp ổn định thị trường tại địa phương, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Để triển khai các nội dung trên, các đơn vị, địa phương cần triển khai các nội dung cụ thể sau:
Thứ nhất, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai kịp thời các biện pháp nhằm bình ổn thị trường thông qua tuyên truyền trên các kênh thông tin tại địa phương, tăng cường các biện pháp quản lý, xử lý các hành vi vi phạm hành chính, nắm bắt tình hình hàng hóa, giá cả tại các chợ;
Chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc, Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng rà soát, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động xây dựng phương án, biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường tại địa phương; Phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn nghiên cứu, tham mưu đề xuất việc tổ chức bán hàng bình ổn giá nhằm đảm bảo nguồn hàng, ổn định thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão trên địa bàn; Thiết lập, công khai và tuyên truyền về đường dây nóng để tiếp nhận giải quyết các yêu cầu, tranh chấp của người tiêu dùng; Thường xuyên theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường và thông tin kịp thời về Sở Công Thương khi thị trường có biến động bất thường nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân để có biện pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo kịp thời; Phối hợp với các đội Quản lý thị trường (thuộc Cục QLTT tỉnh) trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng. tăng giá trái pháp luật trên địa bàn , xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết;
Chỉ đạo Ban Quản lý các chợ thường xuyên kiểm tra, nắm bắt việc tăng giá, thiếu hàng, chú trọng nắm tình hình cung cầu thịt heo báo cáo cấp có thẩm quyền để có sự chỉ đạo kịp thời; Đồng thời tăng cường giám sát thương nhân thực hiện nội quy, quy chế của chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thương nhân thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để chủ động xử lý trong mọi tình huống, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và hạn chế đến mức thấp nhất mọi thiệt hại có thể xảy ra. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết tại các chợ trên địa bàn và chấp hành quy định về giá của tiểu thương kinh doanh trong chợ; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thứ hai, đối với các siêu thị, trung tâm thương mại; các doanh nghiệp được phân công dự trữ hàng hóa và bán hàng bình ổn giá trên địa bàn tỉnh
Các Trung tâm thương mại, siêu thị chủ động triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, tham gia các chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản thực phẩm an toàn; đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Phối hợp với các đơn vị cung cấp hàng thực phẩm chăn nuôi, chủ động nguồn hàng dự trữ với giá hợp lý, thực hiện việc giảm giá bán theo mức giảm của nhà cung cấp và theo thị trường.
Các doanh nghiệp được phân công dự trữ hàng hóa và bán hàng bình ổn giá chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ, bán hàng bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để sau khi nhận được kinh phí tạm cấp kịp thời triển khai thực hiện đối với từng địa bàn được phân công; Sử dụng kinh phí tạm cấp được UBND tỉnh bố trí để cung ứng hàng hóa phục vụ Tết. Dự trữ hàng hoá một cách hợp lý, tiết giảm chi phí nhằm bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng đảm bảo; Triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá lưu động đến khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa gắn với tuyên truyền, hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo đề xuất của các huyện, thị xã, thành phố nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Thứ ba, đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ trên địa bàn tỉnh, phải chủ động xây dựng phương án đảm bảo nguồn hàng xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng; Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt nguồn hàng và thiếu hàng để bán lẻ, đồng thời bảo đảm công tác an toàn phòng, chống cháy nổ để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán. Riêng đối với các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, đề nghị chấp hành việc niêm yết thời gian bán hàng, niêm yết giá bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng theo quy định. Thực hiện bán hàng theo giá đã niêm yết, bán hàng theo thời gian đã đăng ký với cơ quan chức năng. Nghiêm cấm các hành vi gian lận về cân đong trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là hoạt động bán lẻ xăng dầu. Đối với các trường hợp tạm dừng bán hàng thì phải đảm bảo theo các quy định tại Quyết định số 1394/QĐ-UBND ngày 11/9/2015 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc ban hành quy định thời gian bán hàng, tạm dừng bán hàng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Thực hiện việc mua bán xăng dầu theo hệ thống được quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 05/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; Nghiêm cấm các thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý mua bán xăng dầu ngoài hệ thống gây xáo trộn, bất ổn thị trường trong dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán.
Như vậy, việc chủ động, sẵn sàng triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ góp phần thực hiện mục tiêu chung là bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, hạn chế các yếu tố tác động đến giá cả, không để “đứt gãy” nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng nông sản cuối năm 2022 và trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để người dân yên tâm mua sắm và đón một cái Tết đoàn viên ấm áp, trọn vẹn./.