Lễ hội Thống nhất non sông – Lễ hội cấp Quốc gia, thu hút đông đảo khách trong cả nước tham gia

Thứ hai - 29/04/2024 22:58
Lễ hội Thống nhất non sông thường được tổ chức hàng năm vào ngày 30-4 nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước nhằm ôn lại một thời kỳ lịch sử - nơi đã từng là giới tuyến quân sự tạm thời, chia cắt hai miền Nam - Bắc trong suốt gần 20 năm, nơi biểu hiện cao nhất khát vọng thống nhất và đoàn tụ của dân tộc Việt Nam. Tổ chức lễ hội ở di tích này không chỉ ôn lại quá khứ chia cắt đau thương mà cao hơn chính là khát vọng đoàn tụ và thống nhất của dân tộc.

Lễ hội Thống nhất non sông lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2000 và liên tục cho đến nay. Với tầm vóc và giá trị lịch sử của di tích cũng như sự hình thành và phát triển bền vững của lễ hội, được sự cho phép của Chính phủ lễ hội thống nhất non sông được nâng lên quy mô lẽ hội Quốc gia vào năm 2010. Không gian tổ chức lễ hội tại di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, bao gồm phía Nam, phía Bắc cầu Hiền Lương, trên chiếc cầu Hiền Lương phục hồi, trên Kỳ đài bờ Bắc và dưới dòng sông Hiền Lương.
Thời gian và định kỳ tổ chức lễ hội một năm một lần và trở thành ngày hội thống nhất non sông.Thời gian tổ chức vào ngày 30-4 hàng năm. Định kỳ tổ chức: Hàng năm hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh tổ chức quy mô nhỏ vào ngày 30-4. Định kỳ năm năm một lần vào đêm 29 và ngày 30-4 thuộc các năm tròn và năm chẵn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30- 4-1975) thì lễ hội do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cùng với UBND tỉnh Quảng Trị đồng tổ chức.
Chương trình lễ hội ngày hội Thống nhất non sông hàng năm diễn ra có 2 phần đó là phần lễ và phần hội. Phần lễ: Lễ thượng cờ ở Kỳ đài bờ Bắc và khai mạc ngày hội.Lễ thượng cờ diễn ra vào lúc 8h00 sáng ngày 30-4. Sau một hồi còi báo hiệu, cùng với bài Quốc ca lá cờ đỏ sao vàng 76m2 được từ từ kéo lên trên đỉnh kỳ đài Hiền Lương lịch sử trước sự chứng kiến của hàng ngàn người tham dự. Trong suốt chiều dài của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, lá cờ trên đỉnh cột cờ Hiền Lương là niềm kiêu hãnh, là niềm tin, ý chí, khát vọng và là sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là mốc son rực rỡ của lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
 
Tiếp theo, Ban tổ chức giới thiệu đại biểu tham dự, lãnh đạo Tỉnh đọc diễn văn ôn lại truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và khai mạc ngày hội thống nhất non sông; sau đó là lời phát biểu của Lãnh đạo Bộ ngành Trung ương và kết thúc bằng màn hợp xướng bài bài ca thống nhất được coi như bài hát truyền thống tại lễ hội này. Lúc này, 64 chùm bóng bay gắn giải lụa ghi tên 64 tỉnh, thành phố trong cả nước được thả lên từ dưới chân kỳ đài.
Tùy theo từng năm mà quy mô tổ chức khác nhau. Vào các năm chẵn như kỷ niệm 30 năm hay 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước thì ngày hội Thống nhất non sông được tổ chức với quy mô lớn hơn.
Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève ký kết, cầu Hiền Lương - sông Bến Hải trở thành giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc đất nước. Trước dã tâm của kẻ thù, chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất cả dân tộc, cùng nhau gìn giữ non sông. Và cũng trong thời điểm nghiệt ngã đó, hình ảnh người mẹ Cà Mau đã gửi theo nắm đất của miền Nam cho người con trai tập kết ra Bắc, thưa với Bác Hồ, thưa với đồng bào miền Bắc rằng: “Lãnh thổ Việt Nam không thể nào chia cắt, đồng bào Nam bộ vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ”.
Cho dù núi cách sông ngăn
Đồng bào Nam bộ vẫn gần bên Cha”.
Năm 2005, ước nguyện đó đã được tái hiện trong dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Hai đoàn đại biểu Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Lạng Sơn và Cà Mau - đại diện cho hai vùng đất đầu cầu của Tổ quốc đã mang hai nắm đất thiêng ở hai đầu đất nước dâng lên kỳ đài Hiền Lương - Bến Hải thể hiện sự thống nhất non sông.
 Năm 2010, lần đầu tiên tổ chức với quy mô cấp Quốc gia nên nghi thức lễ hội được tiến hành bằng một chương trình thả hoa tưởng niệm liệt sĩ và hồi tưởng về một thời đau thương chia cắt. Tối 29-4 trên dòng sông Hiền Lương hiền hòa thơ mộng, sau phần nghi tiết lễ thả hoa, chương trình nghệ thuật được trình diễn trên nền của điệu Hò đưa linh - một làn điệu dân ca cổ truyền Quảng Trị được cải biên với nội dung ca ngợi những chiến công và tri ân những người đã ngã xuống trên mảnh đất đôi bờ sông tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Trong khuôn khổ lễ hội, tối 29-4, Tỉnh đoàn Quảng Trị cùng với các trại sinh đến từ 3 miền của đất nước, các cựu chiến binh cùng đông đảo nhân dân đã tổ chức lễ thả hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ tại bến sông Hiền Lương. Đã có 22 bè hoa và hơn 7.000 đèn hoa đăng được thả xuống dòng sông giới tuyến một thời chia cắt hai miền Bắc - Nam. Khi những chiếc bè hoa, đèn hoa đăng rực sáng, dòng Bến Hải lại càng lung linh, huyền ảo. Đông đảo người dân đã tập trung ở dưới bến sông và đứng trên cầu Hiền Lương để quan sát nghi lễ thiêng liêng này… 
Bên cạnh đó, trong phần lễ vào ngày 30-4, đoàn đại biểu Đảng bộ và nhân dân tỉnh Cao Bằng và Kiên Giang đã mang về hai bầu nước từ đầu nguồn suối Lê-Nin và từ cuối dòng sông Hậu - nơi hợp lưu của 9 dòng sông phương Nam gửi về đây hoà cùng dòng Bến Hải, biểu hiện cho khát vọng và là hiện thực cho sự thống nhất non sông, đất nước Việt Nam.
Năm 2011, Bộ Tư lệnh Hải quân đã mang về đây 21 hòn đá từ các đảo, điểm đảo trong quần đảo Trường Sa và những cây bàng trái vuông biểu tượng cho chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam trên biển Đông. Trong giây phút thiêng liêng ấy, dưới chân kỳ đài Hiền Lương, UBND tỉnh Quảng Trị - Bộ Tư lệnh Hải quân long trọng tổ chức lễ thượng cờ kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tiếp nhận đá chủ quyền và trồng cây bàng trái vuông Trường Sa tại khuôn viên di tích Hiền Lương.
Năm 2012, nhân kỷ niệm 37 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 40 năm giải phóng Quảng Trị, đoàn đại biểu Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã đem về tặng Quảng Trị 2 kỷ vật đầy ý nghĩa: Biểu tượng Khuê Văn Các - Thủ đô Hà Nội và biểu tượng Bến nhà Rồng - Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2013, Hội kiến trúc sư Việt Nam tổ chức khai mạc liên hoan Kiến trúc sư trẻ Việt Nam tổ chức khai mạc liên hoan kiến trúc trẻ Việt Nam lần thứ 5 - Quảng Trị 2013 với chủ đề “Về miền ký ức”. Cũng trong dịp này, ông Nguyễn Tấn Vạn chủ tịch hội kiến trúc Việt Nam trao tặng mẫu biểu tượng hòa bình của kiến trúc sư trẻ Trần Thị Thanh Nhàn - Sinh viên trường Đại học kiến trúc Hà Nội, thiết kế đạt giải nhất tại liên hoan cho di tích đôi bờ Hiền Lương. Đây là hoạt động sinh hoạt chính trị - xã hội - nghề nghiệp đặc biệt nhằm quy tụ và động viên các kiến trúc sư trẻ trong cả nước tích cực học tập, nâng cao năng lực sáng tạo.
Phần hội: Là các hoạt động cắm trại, giao lưu văn hoá, văn nghệ, tổ chức giải đua thuyền truyền thống của nhân dân hai huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và các huyện, thị, thành phố khác trong tỉnh theo định kỳ lễ hội. Đua thuyền truyền thống hàng năm tại di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã thu hút hàng vạn người dân đến với di tích tham gia cổ vũ, tạo nên một không khí rộn ràng của ngày hội.
 
 
Vào các năm chẵn kỷ niệm 30 năm và 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước còn có thêm các chương trình giao lưu cả nước bằng các hoạt động nghệ thuật đặc biệt với sự có mặt của một số địa phương cùng với đoàn nghệ thuật Quảng Trị như chương trình Bài ca thống nhất do Cục nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Đài phát thanh truyền hình thực hiện, chương trình được tổ chức ở bờ Nam sông Bến Hải, ngay cụm tượng đài khát vọng thống nhất.
Có thể nói, lễ hội ngày hội thống nhất non sông là một lễ hội độc đáo, tiêu biểu của cả nước, quy mô, hình thức, quy trình tổ chức lễ hội không trùng lặp với lễ hội của các địa phương khác, từ đó tạo nên dấu ấn riêng biệt đặc thù của nó. Chỉ ở trong không gian di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải vào ngày 30-4 hàng năm diễn ra lễ hội thống nhất non sông, đây được xem như một mốc quan trọng nhằm khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam, tổ chức lễ hội tại di tích này giúp cho chúng ta hoài niệm, kiêu hãnh về quá khứ hào hùng đồng thời là nền tảng, là sức bật trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.
Đặc biệt năm 2010, ngày hội thống nhất non sông được tổ chức gắn chặt với đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã tạo ra sự tham gia hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân và các lực lượng xã hội trong phạm vi cả nước. 
Ngày hội thống nhất non sông không chỉ là một dịp kỷ niệm mà còn là một thông điệp gửi đến tất cả mọi người, nhắc nhở về nỗi đau chia cắt trong quá khứ để biết trân trọng thành quả “thống nhất” của hôm nay. Đây cũng chính là dịp để tôn vinh những chiến công bất tử, những hi sinh của nhân dân hai miền Nam - Bắc trong thực hiện khát vọng thống nhất độc lập tự do, thực hiện di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Ngày hội thống nhất non sông là dịp để tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống tại mảnh đất này. Để có được ngày xóa bỏ giới tuyến chia cắt, hàng ngàn chiến sĩ, hàng vạn đồng bào của cả hai bờ Bắc - Nam sông Bến Hải cũng như quân dân cả nước đã dấn thân vào cuộc chiến đấu trường kỹ, vượt lên mọi thử thách của bom đạn kẻ thù, không tiếc máu xương vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là cuộc chiến đấu ngoan cường dưới chân cột cờ đầu cầu giới tuyến bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng của Tổ Quốc, biểu tượng của niềm tin và ý chí thống nhất non sông của nhân dân và chiến sĩ giới tuyến, đến cuộc chiến bám trụ “ một tấc không đi, một li không rời” của người dân Vĩnh Linh đất thép, cuộc chiến đấu một mất một còn của nhân dân Gio Linh trung dũng kiên cường đập nát phòng tuyến hàng rào điện tử Mc. Namara để mở toang cánh cửa cho chủ lực tiến vào miền Nam. Tất cả đã làm nên những trang sử chói ngời chiến công và thấm đẫm máu xương của hàng triệu con người để hôm nay Quảng Trị trở thành mảnh đất linh thiêng, nơi an nghĩ của hàng vạn ngưởi con ưu tú từ khắp mọi miền của tổ quốc.
Tổ chức lễ hội thống nhất non sông là cách để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương, góp phần làm sinh động thêm đời sống tinh thần của nhân dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là những sản phẩm du lịch độc đáo, tạo thêm điều kiện để giao lưu hội nhập với bạn bè quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, đưa hoạt động du lịch dần dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 
 
Thông qua việc tổ chức ngày hội thống nhất non sông nhằm giáo dục, bồi dưỡng và phát huy hơn nữa lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào, ý chí tự cường dân tộc, tạo nên những giá trị tinh thần to lớn cho các thế hệ hôm nay và mai sau, khẳng định những thành tựu vĩ đại mà dân tộc ta đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy truyền thống cha ông, nêu cao ý chí quyết tâm vượt qua thách thức, xây dựng đất nước tiến nhanh, tiến mạnh trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cùng với rất nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm sự kiện trọng đại này, Lễ hội Thống nhất non sông là một hoạt động thiết thực, mang nhiều ý nghĩa để tiếp tục tôn vinh truyền thống cách mạng kiên trung, hào hùng của quê hương, đất nước, tôn vinh những người đã cống hiến xương máu, công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Sự trùng phùng, cộng hưởng giữa niềm hân hoan của nhân dân Quảng Trị và đồng bào, chiến sĩ trên mọi miền Tổ quốc đối với sự kiện 30/4/1975 lịch sử sẽ làm lan tỏa, nhân lên niềm tự hào của quê hương, đất nước. Đây cũng là dịp để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân địa phương đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các phong trào, hoạt động thi đua yêu nước trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ và du lịch; xây dựng nông thôn mới, văn hóa văn minh đô thị; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Đây cũng là cơ hội rất tốt để giới thiệu, quảng bá sâu hơn về lịch sử, văn hóa, con người và những tiềm năng, lợi thế của địa phương cho nhân dân trong cả nước, bạn bè trong khu vực và quốc tế, từ đó tạo ra kênh kêu gọi đầu tư mạnh hơn, hiệu quả hơn, tạo nền tảng quan trọng đưa Quảng Trị phát triển du lịch sách vai với các tỉnh bạn; hòa nhập ngày càng tốt hơn vào sự phát triển chung của cả nước. 

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây