Quảng Trị cần kích hoạt du lịch ban đêm

Thứ hai - 17/04/2023 05:18
Hoạt động Phố đêm lần đầu tiên được thí điểm tổ chức vào ngày 1/4/2023 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị với nhiều hoạt động văn nghệ, giải trí, vui chơi nhộn nhịp, đặc sắc đã thu hút được hàng nghìn người tham gia. Vậy điều gì đã và đang đặt ra với du lịch Quảng Trị?

Định nghĩa và thực trạng “Du lịch ban đêm”

Tại Việt Nam, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1129/QĐTTg ngày 27/72020, trong đó, giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều hoạt động nhằm phát triển du lịch ban đêm, thu hút lượng khách du lịch đến với Quảng Trị.

Với mục tiêu xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đêm đặc sắc, đa dạng, đồng bộ, chất lượng trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch đêm vốn có, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và khách du lịch nhằm thúc đẩy du lịch Quảng Trị phát triển, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 

0006 A Đài tưởng niệm Tháp bút tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị về đêm - Ảnh: Cuộc thi ảnh đẹp du lịch Quảng Trị năm 2022

Kinh tế ban đêm hay kinh tế đêm (night economy) được xem là một trong những hình ảnh phản chiếu quan trọng về sức sống, sự năng động của nền kinh tế. Nhiều quốc gia, lãnh thổ và địa phương trên thế giới xem kinh tế đêm, du lịch đêm là “mỏ vàng” để khai thác, thu lợi nhuận, tăng thu cho ngân sách địa phương.

Có nhiều cách để định nghĩa, nhưng phổ biến nhất “Du lịch ban đêm” được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ du lịch diễn ra sau 17h cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm các hoạt động ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch mở cửa vào ban đêm.

Khoảng 2 thập niên trở lại đây, du lịch đêm ngày càng được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng khai thác và coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới. Để thúc đẩy loại hình du lịch này, ngoài việc xây dựng các chương trình tham quan và điểm đến hấp dẫn về đêm, chính quyền các địa phương còn tăng cường nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội về đêm, tổ chức khu mua sắm, khu ẩm thực...nhằm tạo sức hút đối với du khách.

Tại Việt Nam, sản phẩm du lịch đêm đã được triển khai và trở nên khá sôi động từ nhiều năm nay ở một số đô thị và trung tâm du lịch lớn, có thể kể đến mô hình các khu chợ đêm (chợ đêm Đà Lạt, chợ đêm Phú Quốc…), khu ẩm thực đêm, quán bar, café, các tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố đặc trưng giải trí như Phố đêm Huế, phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ (Thành phố Hồ Chí Minh), khu phố du lịch An Thượng (Đà Nẵng) hay phố đi bộ Hai Bà Trưng (TP. Huế) vừa được khai trương…

 Sản phẩm du lịch đêm đã góp phần tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến, tạo điểm nhấn, sự độc đáo cho từng địa phương, đồng thời phục vụ tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Du lịch ban đêm còn thu hút và kéo dài thời gian lưu trú và kích thích khả năng chi tiêu, mua sắm của du khách, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch.
Nhiều chuyên gia du lịch còn cho rằng việc chi tiêu cho “du lịch ban ngày” chỉ chiếm khoảng 30%, chi tiêu cho “du lịch ban đêm” chiếm đến 70%. Mặc dù còn nhiều điều cần bàn thảo nhưng một điều cần khẳng định đó là lợi nhuận, nguồn thu từ hoạt động du lịch ban đêm là rất tiềm năng nếu được quy hoạch, phát triển và triển khai một cách bài bản, phù hợp.
Tỉnh Quảng Trị sở hữu nguồn tài nguyên du lịch văn hóa-tâm linh đa dạng, phong phú, nền văn hóa đặc sắc; cũng được xem là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch đêm, nếu được đánh thức sẽ góp phần không nhỏ cho việc phát triển kinh tế đêm của địa phương. Để thúc đẩy phát triển kinh tế đêm gắn liền với du lịch ban đêm, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể và thiết thực.
Ngày 13/9/2022, UBND tỉnh đã có thông báo về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam về phát triển kinh tế ban đêm và tuyến phố đêm. Trong đó, UBND tỉnh thống nhất chủ trương tổ chức phố đêm tại thành phố Đông Hà. Trước mắt, tập trung phát triển phố đêm tại khu vực Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh và Công viên Fidel.

Bên cạnh đó, với lợi thế là một bảo tàng sinh động về lịch sử chiến tranh, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai Tour du lịch tâm linh về đêm với nhiều hoạt động ý nghĩa: Tour du lịch đêm lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 7/2022 đã tạo được nhiều dấu ấn với du khách trong hành trình khám phá “Bí ẩn miền đất thiêng” và trải nghiệm du lịch đêm Quảng Trị; Hội lữ hành Quảng Trị tổ chức tri ân miễn phí tour du lịch đêm Quảng Trị dành cho 500 khách du lịch đầu tiên đăng ký tham gia chương trình đến dâng hương, dâng hoa các liệt sĩ ở Thành Cổ Quảng Trị, được giới thiệu về lịch sử của sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn để tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ…từ tháng 2/2023.

Hiện nay, tại các di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh như Thành Cổ Quảng Trị, Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải và 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia Trường Sơn và Đường 9 đã được đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng mỹ thuật và âm thanh đồng bộ làm nên sự lung linh, huyền ảo, tâm linh, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ du khách đến thăm viếng và tri ân tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ vào ban đêm.

Du lịch đêm với những “nút thắt” cần tháo gỡ

Mặc dù có được những kết quả bước đầu, theo đánh giá của các chuyên gia và đơn vị lữ hành, nhìn chung sản phẩm du lịch đêm ở tỉnh Quảng Trị còn đơn điệu, nghèo nàn, thiếu tính đặc sắc, chưa phát triển như mong muốn với nhiều nguyên nhân: Thiếu quy hoạch không gian riêng cho sản phẩm du lịch ban đêm, chưa có một mô hình chuẩn để phát triển sản phẩm du lịch về đêm; thiếu các cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đêm gắn với các dịch vụ như quán ăn, quán cafe, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí...

0038 A TỎA SÁNG SÔNG QUÊ

Thành phố Đông Hà lung linh về đêm - Ảnh: Cuộc thi ảnh đẹp du lịch Quảng Trị năm 2022

Các sản phẩm du lịch đêm hiện có chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; các hình thức tổ chức du lịch ban đêm hiện vẫn chưa duy trì ổn định với quy mô còn nhỏ lẻ; nhận thức tư duy về phát triển sản phẩm du lịch đêm cũng còn hạn chế, vẫn còn tư duy truyền thống lo ngại những vấn đề xã hội tiêu cực phát sinh nên cũng đã gây nhiều trở ngại cho phát triển du lịch đêm ở địa phương.

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch đêm cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức, liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương, các vấn đề như ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, rác thải, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm..

Đội ngũ quản lý nhà nước tổ chức, thực hiện và giám sát các hoạt động du lịch đêm còn mỏng; nguồn lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, cá thể, hộ gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng về du lịch đêm cũng như hạn chế nhận thức về việc kinh doanh bền vững. Mặt khác, thông tin các hoạt động, dịch vụ ban đêm của địa phương đến người dân và du khách, đặc biệt là du khách quốc tế còn chưa nhiều...

Để du lịch ban đêm là “chìa khóa vàng” mở cánh cửa kinh tế đêm

Để phát triển du lịch đêm bền vững, tạo động lực phát triển kinh tế đêm của địa phương, dưới góc độ quảng bá, xúc tiến du lịch, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Quy hoạch phát triển du lịch đêm: Xác định cụ thể khu vực, địa bàn, tuyến tập trung và định hướng mô hình phát triển sản phẩm du lịch phù hợp, xây dựng một thương hiệu sản phẩm du lịch ban đêm xuyên suốt, ví dụ như tại thành phố Đông Hà, sẽ có những thương hiệu như: “Đông Hà -Thành phố du lịch về đêm”; “Du lịch đêm thành phố Đông Hà - đến để trải nghiệm”.

Lồng ghép quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm vào nội dung quy hoạch tỉnh; ưu tiên định hướng phát triển sản phẩm du lịch đêm đối với các khu vực, địa bàn có tiềm năng phát triển; lựa chọn địa điểm đủ các tiêu chí/ tiêu chuẩn để triển khai áp dụng thí điểm mô hình du lịch đêm; các mô hình du lịch đêm cần được đầu tư, duy trì ổn định lâu dài và bền vững.

114d6194656t1858l3 fdfdfdf

Phố đêm tại thành phố Đông Hà -Ảnh: N.Đ.T

Về cơ chế chính sách và pháp lý: Cần rà soát, hoàn thiện chính sách và tạo hành lang pháp lý thống nhất về phát triển du lịch đêm. Có quy chế đặc thù đối với các loại hình kinh doanh khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú, quán cà phê, điểm di tích,...nhằm phát triển du lịch đêm một cách phù hợp.

Cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia vào các hoạt động du lịch ban đêm như: cơ chế hỗ trợ về giá điện nước, thuê đất, thuê gian hàng…Thường xuyên tổ chức diễn đàn công-tư (PPP) để tiếp nhận giải quyết các khó khăn, rào cản trong kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp đối với hoạt động Phố đêm. Sớm định hình cơ chế hỗ trợ cho các điểm di tích phục vụ đêm…

Định hướng xúc tiến quảng bá: Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm của địa phương trên các kênh truyền thông, trang website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến. Xây dựng tờ rơi, tập gấp nhằm cung cấp thông tin về các hoạt động du lịch đêm; thực hiện tuyên tuyền trực quan bằng băng rôn, áp phích, màn hình led lắp đặt ở đường phố.

Phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh, quảng bá các hoạt động du lịch về đêm ở địa bàn tỉnh tại các sự kiện văn hóa, lịch sử, hội nghị, hội chợ, hội thảo… trong và ngoài tỉnh, cũng như trong và ngoài nước. Phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch, đặc biệt là với Saigon Tourist thông qua Biên bản hợp tác giai đoạn 2023-2025 giữa UBND tỉnh Quảng Trị với Saigon Tourist ký kết vào ngày 25/2/2023 để đưa các hoạt động du lịch ban đêm vào các tour, tuyến du lịch mới của đơn vị.

Một số giải pháp hỗ trợ khác: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp về kỹ năng quản lý hoạt động du lịch đêm; đào tạo kỹ năng phục vụ, văn hóa ứng xử trong du lịch... cho các hộ dân, người lao động tham gia du lịch về đêm. Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đêm...
Để du lịch ban đêm phát triển, góp phần đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao hình ảnh và chất lượng du lịch của tỉnh Quảng Trị, cần sự vào cuộc của từng cá nhân, tổ chức, cộng đồng, các sở, ban, ngành chức năng trên toàn tỉnh. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực không ngừng, tỉnh Quảng Trị sẽ trở thành điểm đến để trải nghiệm về đêm không thể bỏ qua đối với du khách gần xa./,

Tác giả bài viết: Nguyễn Đức Tân

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây