Thời gian qua, việc triển khai xây dựng CQĐT tỉnh Quảng Trị đã dạt được một sô kết quả quan trọng. Hệ thống thư điện tử công vụ được triển khai đồng bộ tại tất cả các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; 100% CBCC của tỉnh được cấp hộp thư điện tử công vụ; hệ thống gửi nhận văn bản được triển khai tại 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ văn bản được gửi qua mạng giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 95% (trừ văn bản mật hoặc tuyệt mật); ngoài Trang Thông tin điện tử của tỉnh, đến nay 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố có trang thông tin điện tử cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp; hệ thống cổng giao tiếp dịch vụ công của tỉnh cung cấp gần 1.700 dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính; hệ thống một cửa điện tử đã được triển khai đồng bộ, liên thông tại các cơ quan nhà nước; cùng với đó hạ tầng CNTT được đầu tư, công tác đảm bảo an toàn thông tin được chú trọng, các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh vận hành ổn định, an toàn, phục vụ tốt cho công tác quản lý điều hành của UBND tỉnh và các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Về việc xây dựng ĐTTM, có 6 lĩnh vực được đề xuất triển khai trong giai đoạn 2018 – 2023 và đến nay một số dự án thành phần bước đầu đã được triển khai thực hiện ở một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, an ninh, văn hóa du lịch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai xây dựng CQĐT và mô hình ĐTTM tỉnh Quảng Trị vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao chưa được các cơ quan nhà nước cung cấp, sự tham gia của người dân đối với các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế; việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT chưa được chuẩn bị kịp thời, một số cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện chưa có cán bộ chuyên trách CNTT; ngân sách Trung ương và địa phương khó khăn nên không đảm bảo kinh phí để triển khai các chương trình, dự án…
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu trong việc triển khai xây dựng CQĐT và mô hình ĐTTM tỉnh nhưng qua kết quả đánh giá xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông Việt Nam năm 2018 của tỉnh Quảng Trị còn khá thấp, xếp vị trí 47/63 tỉnh thành, giảm 7 bậc so với năm 2017. Vì vậy, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo tỉnh cần cố gắng khắc phục tồn tại hạn chế, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Về nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, nâng cấp, bổ sung hạ tầng kỹ thuật để phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, phối hợp với các cấp, các ngành mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Các sở, ban, ngành cần kiểm tra toàn bộ hệ thống hạ tầng phần mềm, đề xuất các phương án xử lý dữ liệu có nguy cơ mất an toàn và phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu, điều chỉnh thay đổi, thiết kế một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung toàn tỉnh.
Về xây dựng đô thị thông minh, căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế, chọn lựa các lĩnh vực ưu tiên triển khai trong thời gian tới; trước mắt chọn triển khai hệ thống camera an ninh, camera giao thông, mạng Wifi công cộng, hệ thống đèn chiếu sáng thông minh, đảm bảo việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội địa phương.
Tác giả bài viết: Hồng Hà
Nguồn tin: www.quangtri.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn