Đài tưởng niệm tại di tích Thành Cổ Quảng Trị (Ảnh: Duy Hùng)
Di tích Thành Cổ Quảng Trị đã trở thành một “Bảo tàng chiến tranh” vô cùng phong phú và sinh động, có giá trị về lịch sử, quân sự và nhân văn. Ngoài những chứng tích về những đoạn tường thành đổ nát còn xót lại, thì tại đây, trưng bày hàng trăm di vật và nhiều ảnh tư liệu có giá trị lịch sử về cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu khốc liệt 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa năm 1972. Những hiện vật, di vật của các chiến sĩ để lại, thì chúng ta không cầm nỗi nước mắt và càng hiểu rõ về cuộc chiến đấu ác liệt, chống địch tái chiếm Thành Cổ năm 1972. Mỗi hiện vật, di vật gắn liền với một chiến công và sự hy sinh cao cả của hàng ngàn chiến sĩ. Trong đó, đặc biệt là lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã để lại cho người đọc biết bao cảm xúc; Lời lẽ trong thư thể hiện bao nhiêu tâm tư tình cảm, hoài bảo đành gác lại phía sau để “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Quảng Trị 11/9/1972
Toàn gia đình kính thương.
Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.
Đó là đoạn đầu trích trong bức thư chưa kịp gửi của chiến sĩ Lê văn Huỳnh, quê xóm Một, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, sinh viên năm thứ 4, Khoa Cầu hầm, khoá 13 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; gửi cho gia đình và người vợ mới cưới là chị Đặng Thị Xơ ở quê nhà. Bức thư anh viết ngày 11/9/1972, trước lúc anh hy sinh đúng 3 tháng 20 ngày ( Ngày hy sinh 02/01/1973).
Bức thư được viết vội trong một trận đánh cuối cùng của chiến sỹ Lê Văn Huỳnh; nhưng rất có nhiều đoạn, mỗi đoạn là tâm tư, tình cảm dành cho người mẹ già yếu, cho người vợ mới cưới, cho anh trai, chị dâu, cho ba mẹ vợ, cho đứa cháu đích tôn, cho bạn thân thủa nhỏ và cho bà con hàng xóm. Mỗi đoạn tuy ngắn nhưng cũng đủ để thể hiện, chấm phá bức chân dung của người lính Cụ Hồ.
Viết cho Mẹ: Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước chưa đền đáp công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. ...Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều nay bao hy sinh nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lại sống đến ngày đón mừng chiến thắng... Tuy thương mẹ, chưa đền đáp công ơn nuôi dưỡng, nhưng anh khuên mẹ Thôi nhé mẹ đừng buồn coi như con đã sống trọn đời cho Tổ Quốc... Trước bản năng sinh tồn, không ai là muốn được sống, nhưng người chiến sỹ ấy đã chuẩn bị cho mình một tư thế rất điềm tĩnh, bởi anh biết hành động và giá trị cho cái chết để cho ngày chiến thắng, đất nước được hoà bình.
Viết cho Vợ: Em yêu thương! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến tay em là nổi buồn nhất và có lẽ là nổi buồn đầu tiên trong cuộc đời em. Em ạ ! Chúng ta sống với nhau chẳng được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao tình thương trìu mến. Đồng thời anh khuyên vợ nên đi bước nữa: “Còn em khi nhận được thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện hãy cứ đi bước nữa vì đời còn trẻ lắm”... Đặc biệt, anh còn dặn dò người vợ, sau ngày hoà bình nếu có điều kiện thì vào lấy hài cốt của anh về, anh chỉ dẫn địa chỉ nơi chôn cất: “Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về “ Nhan Biều 1”. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng.Về đấy sẽ tìm thấy ghi dòng chử đục trên mãnh tôn”.
Đọc những lời căn dặn của người chồng trong bức thư do một người đồng đội của anh trao lại sau khi anh hy sinh tháng 1/1973, chị Đặng Thị Xơ vừa đau đớn, vừa bàng hoàng kinh ngạc, bởi từ nhỏ, chị chưa bao giờ được đọc một lá như thế. Không hiểu sao, anh Lê Văn Huỳnh lại biết rõ định mệnh của mình và tương lai của đất nước. Chị khóc nhiều nên bị hỏng một mắt. Chị Xơ cất kỹ lá thư ấy như một lá bùa hộ mệnh. Nó là tình yêu, là sức sống còn lại của chị; những ngày dài, đêm thâu chị Xơ lấy ra ấp ủ, tâm tình: “Vì nước anh không về. Thôi... với riêng em, thế cũng đủ! Em chỉ tiếc rằng thời gian bên nhau ngắn ngủi quá. Chúng mình chưa kịp có một đứa con. Mà anh ơi sao thế nhỉ? Tại sao anh ra đi đúng vào ngày chúng mình cưới nhau một năm trước?. Mọi điều anh dặn em sẽ làm theo trọn vẹn. Duy có một điều em chẳng nghe đâu. Ngày Mẹ còn sống, anh chị Chẩm, cô dì và chú bác cũng cứ khuyên thế, nhưng em sẽ ở vậy, đợi anh thêm mấy chục năm nữa. Chẳng có lâu gì. Ngày ấy chúng ta lại gặp nhau y như nagỳ mới cưới. Anh bằng lòng chứ? Anh Huỳnh ơi!” Chị luôn làm theo những điều đã dặn trong thư, duy có một điều là chị không thực hiện được đó là chị không đi bước nữa mà ở vậy cho đến bây giờ.

Bức thư của liệt sĩ Lê văn Huỳnh được trương bày tại Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị (Ảnh: Duy Hùng)
Gần đúng như lời tiên đoán nơi chôn cất nơi chôn cất thi thể của anh Lê Văn Huỳnh đã dặn người vợ sau ngày hoà bình để đưa hài cốt anh về: Năm 1973, khi mặt trận đã im tiếng súng, bà Nguyễn Thị Ngân trở về làng cũ tại thôn Thượng Phước xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong làm ăn sinh sống. Thấy trong vườn nhà có 3 ngôi mộ liệt sĩ, có mộ chí khắc tên, trong đó có tên của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Bà Ngân cũng như bất cứ người dân nào ở vùng này, đã dành công chăm sóc và khói hương chu đáo. Hòa bình lập lại, đã hai lần địa phương đến qui tập những ngôi mộ đó về nghĩa trang của tỉnh, nhưng đều không tìm thấy hài cốt nên chuyện những ngôi mộ cũng dần bị lãng quên. Rồi một ngày cuối năm 2002, chị Xơ và đồng đội tìm về, lần này thì họ dã tìm được anh, ngay chính cái nền đất mà bao lâu nay ai ai cũng đã tưởng rằng vô vọng. Ông Nguyễn Hậu, con trai bà Ngân, người mà sau này đã thay mẹ gìn giữ phần mộ của các anh, đã nói một câu giản dị mà chân thật đến bất ngờ “ tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm chi chi đi nữa cũng không bằng cái nội cảm của mỗi người, cái ấy là tình của đồng đội, tình của nhân dân và của gia đình với những người đã bỏ mình vì dân vì nước...”
Có lẽ đó chỉ là hai trong số hàng vạn lá thư mà hàng vạn người lính Thành Cổ Quảng Trị chưa kịp gửi đi trước trận đánh cuối cùng. 40 năm trôi qua, những lá thư như thế tiếp tục được gửi về cho những người đang sống hôm nay và cho cả mai sau. Nhưng có một điều thật kì diệu là những dòng chữ viết dưới làn bom đó dù chưa kịp gửi đi thì người ở hậu phương năm xưa, những người đang sống hôm nay và các thế hệ mai sau đã, đang và sẽ còn cảm nhận được nhịp đập của trái tim các anh.

Bảo tàng thành cổ nơi lưu giữ nhiều nhiền vật, di vật của liệt sĩ trong cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, năm 1972.
Bom đạn có thể giết chết sinh mệnh con người, nhưng không thể diệt được ý chí những người chiến đấu vì một lý tưởng đã chọn. Hàng ngàn người đã ngã xuống, xương máu đã lẫn vào đất, vào sông, hóa thành cây cỏ, thành phù sa bờ bãi. Vì thế mỗi người hôm nay thấm hơn cái sự hy sinh cao cả của quân dân Quảng Trị cùng biết bao chiến sĩ trên mọi miền đất nước. Cuộc chiến tranh đã qua đi mấy mươi năm nhưng những nổi đau thương mất mát đó vẫn hằn sâu trong lòng của người ở lại.
Qua lá thư và tình tiết câu chuyện liên quan vừa nêu, người đọc chứng kiến sự bình thản của người lính đón nhận cái chết đến với bản thân mình. Họ xem cái chết tựa như “lông hồng”. Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, gác lại chuyện tình cảm, cuộc sống gia đình rời xa người vợ mới cưới và cha mẹ già của mình để lên đường chiến đấu. Họ là đại diện cho thế hệ thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ. Không có gì quý hơn độc lập tự do, lý tưởng sống là được cầm súng diệt quân thù, vì vậy họ càng ý thức được trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh của đất nước, dân tộc. Dù cái chết sắp cận kề, nhưng họ không lo sợ và biết được đất nước sẽ có ngày toàn thắng. Vì vậy họ hy sinh là không oan uổng, như liệt sĩ Lê Văn Huỳnh nói “Con sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”. Một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở đây đã cúi đầu trước những di vật của chiến sĩ Thành Cổ; ông đã ôm đầu khóc khi hướng dẫn viên dịch bức thư của chiến sỹ Lê Văn Huỳnh và thốt lên rằng: “Bây giờ thi tôi mới hiểu tại sao họ đã chiến thắng. Họ đã biết trước tất cả”.
Trích dẫn bức thư của chiến sỹ Lê Văn Huỳnh (1):
Quảng Trị 11/9/1972
Toàn gia đình kính thương.
Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.
Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước chưa đền đáp công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi.
Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm lòng mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lả, lá vàng còn ở trên cây lá rụng xuống trờii ơi hởi trời. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nổi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều nay bao hy sinh nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lại sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Số con đã đi xa để lại cho mẹ biết bao khó nhọc nay con đã đến ngày khôn lớn thì... Thôi nhé mẹ đừng buồn coi như con đã sống trọn đời cho Tổ Quốc.
Em yêu thương! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến tay em là nổi buồn nhất và có lẽ là nổi buồn đầu tiên trong cuộc đời em. Em ạ ! Chúng ta sống với nhau chẳng được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao tình thương trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những chẳng được diễm phúc ấy mà đã sớm phải xa rồi. Thật chỉ là vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau. Anh rất hiểu đợt này em sẽ gầy đi nhiều vì thương nhớ anh, vì đã phải xa nhau. Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em, song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em, chỉ mong em khỏe yêu đời. Em thương yêu! Nếu thực sự thương anh thì em hãy thắp vài nén hương tưởng nhớ tới anh. Còn em khi nhận được thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện hãy cứ đi bước nữa vì đời còn trẻ lắm.
Theo anh thì nên làm như vậy. Nhưng anh chỉ mong một điều là đối đãi với mẹ, anh chị trong gia đình như khi anh còn sống.Anh mong em hãy làm tròn cho linh hồn anh được bay cao ôm ấp trong giấc mộng trìu mến của em.Thôi nhé anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nổi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em. Nhưng em ơi hãy bình tỉnh lại và làm theo lời anh căn dặn. Còn ngày anh đi xa là ngày đề ở ngoài phong bì mà nhờ các bạn anh gửi giúp.Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh.Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này.Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới công anh.Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông.Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về “ Nhan Biều 1”. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng.Về đấy sẽ tìm thấy ghi dòng chử đục trên mãnh tôn.Thôi nhé đó là cớ điều kiện, còn không thì em cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt lắm rồi.
Anh chị kính mến!
Anh em liền khúc ruột mềm mà giờ đây đã phải mãi mãi xa nhau. Ra đi mong anh chị khỏe mạnh trông nom mẹ già theo em, động viên mẹ khi biết được tin này.Em rất hiểu anh chị buồn lắm, kể gì đây cho anh chị đở buồn.Song anh chị hãy vui lên, chăm sóc các cháu, nuôi mẹ già sống lâu đó là điều em mong muốn nhât. Để cho linh hồn em được mãi mãi quanh anh chị và gia đình.Đối với Xơ anh chị nên động viên em nó và tìm đường tương lai vì em nó còn trẻ lắm. Hòa bình nếu có điều kiện vào Thị xã Quảng Trị sẽ đến được chổ em yên nghĩ theo em đã căn dặn trên.Thôi nhé chúc anh chị ở lại, hồn em mãi mãi bên anh chị.
Cháu Trương mến thương!
Giờ cháu còn bé song sau này cháu sẽ là trưởng gia.Giờ đây phải cố gắng học tập cho thành người. Được sống hòa bình hãy luôn nhớ tới người chú ruột của cháu đã hi sinh. Khi trưởng thành hàng năm cứ đến ngày này hãy tưởng nhớ tới linh hồn của chú. Đặc tính của chú hay thích ăn thịt gà và chuối, xôi lắm đấy.Thôi nhé hãy làm tròn nghĩa vụ của người cháu đích tôn đối với chú.
Thầy mẹ kính mến!
Trước lúc con đi xa có mấy điều mong thầy mẹ làm theo lời con mong muốn.Thầy mẹ ạ,con rất hiểu thầy mẹ buồn nhiều vì mất đi người con thương mến của gia đình.Con mong thầy mẹ đừng buồn nhiều mạnh khỏe cho đời mãi mãi kéo dài đón mừng ngày thống nhất Thầy me ạ!Chúng con sống với nhau chưa được bao lâu nay đã... chắc em nó buồn lắm....Thôi tất cả những gì đã qua là đã vào dĩ vãng. Ra đi con mong thầy mẹ khỏe, sống lâu mãi mãi cho con gửi lời chào bà, các cậu, các mợ, chị Lộc và toàn thể họ hàng thân thuộc.
Con của gia đình: Huỳnh
TB: Em thương yêu! Nhận tin này em hãy báo tin cho người bạn của anh,mà ngày nào đã có dịp về chơi, địa chỉ: Hoàng Khắc Chiến, Xóm Chín, Thôn Hoằng Trì, Xã Hoàng Thăng, Huyện Hoàng Hoá, Thanh Hoá: Nội dung: H, đã hi sinh ngày 2/1/1973 (Tức ngày 28/11/Âm lịch) (2)
Thôi con đi đây. Chào tất cả gia đình và hàng xóm quê hương.
81 ngày đêm “hoa lửa” bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã trở thành huyền thoại. Sự hy sinh, mất mát của quân dân cả nước nói chung, quân dân Quảng Trị nói riêng làm sáng ngời chân lý “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Từ trong bom đạn ấy, hàng nghìn tấm gương anh hùng liệt sĩ đã trở thành những bài học thực tiễn sinh động về lòng quả cảm, về chủ nghĩa yêu nước, về truyền thống anh hùng cách mạng. Thành cổ Quảng Trị là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước và là điểm thu hút hấp dẫn khách tham quan trong nước và bè bạn quốc tế. Hiện nay, hàng năm tại di tích Thành cổ đã đón tiếp hàng chục vạn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tưởng niệm. Thành Cổ Quảng Trị trở thành một cõi thiêng trong không gian thiêng của sự kiện 81 ngày đêm, nơi hành hương tưởng niệm trong các tour DMZ, “Du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”./.