Thức dậy một vùng quê xứ cát

Thứ tư - 15/12/2021 22:16
Thuở tờ bờ Bắc trông sang
Cát Sơn ơi cả miền Nam đó rồi…
Nhà thơ Xuân Hoàng đã bồi hồi xúc động viết hai câu thơ ấy khi đặt chân lên Cát Sơn (xã Trung Giang, huyện Gio Linh), sau ngày Quảng Trị mới giải phóng.

 
Di tích lịch sử cầu Hiền Lương (Ảnh: Phan Hoài An)

Ngược dòng thời gian, hồi tưởng về quá khứ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam. Nhưng Mỹ Diệm đã bội ước Hiệp định Giơ-ne-vơ, sông Bến Hải; Vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới chia cắt hai miền Nam Bắc. Suốt hai mươi năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Trung Giang đã trải qua đau thương tàn khốc về sự ác liệt của chiến tranh, là biểu hiện cao cả về những hy sinh lớn lao và lòng dũng cảm, kiên cường đến tuyệt vời. Song khát vọng thống nhất đất nước đã thổi bùng lên tinh thần đấu tranh kiên cường của những người dân nơi đây. Một ý chí, một niềm tin son sắt trong trái tim, khối óc của Đảng bộ và nhân dân Trung Giang, quyết thực hiện trọn vẹn lời dạy của Hồ Chủ tịch trong ngày đầu tiên đất nước bị chia cắt “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ được giải phóng”.

Ở bờ Nam sông Bến Hải thực hiện “chiếc lược tạo lá chắn thép”, ngăn chặn sự phát triển của phong trào cách mạng, sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã xây dựng địa bàn Trung Giang một bộ máy ngụy quân, ngụy quyền khét tiếng tàn bạo; một mạng lưới điệp báo, tâm lý chiến dày đặc với những âm mưu thủ đoạn thâm độc dã man, tinh vi xảo quyệt. Bằng biện pháp “tố cộng”, “diệt cộng”, chính quyền Mỹ ngụy thẳng tay đàn áp, trả thù những người kháng chiến cũ và tiêu diệt cơ sở cách mạng. Chúng gây ra các vụ bắt bớ, thảm sát man rợ; biến Gio Linh và miền Nam tràn ngập nhà tù và trại giam. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu, khó khăn thử thách tưởng như không vượt qua.

Nhưng ngay từ những ngày gian lao ấy, nhân dân Trung Giang đã vùng lên bảo vệ sinh mạng và quyền sống của mình, xóa nỗi nhục mất nước và cảnh nước nhà bị chia cắt. Phong trào đấu tranh công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp, cuốn hút hàng trăm, hàng ngàn người đòi dân chủ dân sinh, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, thống nhất đất nước.

Từ đấu tranh chính trị, Trung Giang đã thành lập những đội vũ trang diệt ác, trừ gian, tấn công vào sào huyệt của Mỹ ngụy ở căn cứ Dốc Miếu, hàng rào điện tử Macnamara… Cuộc tấn công nổi dậy của quân và dân Trung Giang ngày 21/1/1967 đã đập tan ách thống trị của kẻ địch, giải phóng quê hương, giới tuyến quân sự chia cắt hai miền Nam Bắc bị xóa bỏ.

Những tháng năm chiến đấu, hy sinh anh dũng đó trong từng ngọn sóng, đồi cát, chiến hào của mảnh đất Trung Giang đã thấm máu bao chiến sỹ, đồng bào. Hàng trăm người bị nhiễm chất độc da cam, 902 người bị giặc Mỹ giết hại, 553 liệt sỹ, 111 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1 Anh hùng Lao động.

Bước ra khỏi chiến tranh, Trung Giang phải đối mặt với bao bộn bề của thời hậu chiến. Phát huy chủ nghĩa anh hùng trong chiến tranh giữ nước, nhân dân Trung Giang phải trần lưng với mưa nắng, đối mặt với đạn bom còn sót lại hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Đặc biệt dưới ánh sáng Nghị quyết của Đảng về đổi mới và hội nhập, phát triển một nền nông nghiệp bền vững theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa. Nhân dân được giao quyền tự chủ sản xuất, tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ du lịch; mở rộng các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trồng cây lương thực, xuất khẩu lao động. Mảnh đất được hồi sinh cuộc sống mới chính từ đôi bàn tay của những người lao động. Tiềm năng của xứ cát được đánh thức.

Từ năm 2015 đến năm 2020 nền kinh tế Trung Giang có bước tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất hàng năm tăng từ 12,5%-13%. Tổng sản phẩm xã hội cuối năm 2020 đạt 170 tỷ đồng. Công suất tàu thuyền 6831CV. Tổng sản lượng khai thác 2800-3000 tấn/năm. Sản lượng nuôi trồng 150-180 tấn/ năm. Thu nhập bình quân đầu người 40 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư; tăng thương mại dịch vụ.

Trung Giang có bờ biển dài 7,5km, một tiềm năng mới của nền công nghiệp không khói về du lịch, dịch vụ đang tạo ra một khu đô thị ven biển tương lai, nối liền với thị trấn Cửa Tùng.
Giờ đây giao thông đường bộ từ các thôn, xóm của Trung Giang mọi nẻo đường đều thuận lợi. Ngoài tuyến đường quốc phòng từ Cửa Việt đến Cửa Tùng, còn có đường nội huyện từ thị trấn Gio Linh đến tận Thủy Bạn, Cát Sơn thông với tuyến đường xuyên Á, với mạng lưới giao thông mà ngày xưa không một ai mơ tới. Từ năm 2007, khi cầu Cửa Tùng được hợp long nối hai bờ Bến Hải đã tạo ra một khu du lịch và dịch vụ mới. Cuối năm 2020, bãi tắm Cát Sơn có 170 cơ sở kinh doanh, cuốn hút nhiều du khách với dịch vụ ăn uống, tắm biển, khách sạn, karaoke, internet,… và các dịch vụ khác. Nhờ vậy đã tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

 
Biển Cửa Tùng – Thiên đường của những bãi tắm (Ảnh: Phan Hoài An)

Niềm vui của người dân Trung Giang cứ nhân theo thời gian, sự đổi thay trên quê hương đã biểu hiện đầy hứa hẹn. Những ngôi nhà cấp 4 dần dần được thay thế bằng những ngôi nhà tầng, nhà vườn khang trang. Trường học được cao tầng hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, nghĩa trang liệt sỹ, một số công trình phúc lợi được xây mới. Có thể nói Trung Giang đăng lặng lẽ trải qua một cuộc sinh nở, lột xác, làm trẻ lại diện mạo quê hương, qua những vất vả trong lao động và suy nghĩ trằn trọc đến hành động quyết liệt. Con em Trung Giang đang sống và công tác trên mọi miền đất nước đang ngày đem hướng lòng về quê hương, nơi chắt chiu từ cát khô cằn để nuôi mình khôn lớn. Những người con xa xứ một bộ phận không tách rời của Đảng bộ và nhân dân Trung Giang.
 
Đảo Cồn Cỏ - Hòn ngọc giữa biển Đông (Ảnh: Phan Hoài An)

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã chỉ rõ: Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ sẽ là một trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh hiện tại cũng như tương lai. Quyết sách quan trọng này đang mở ra nhiều cơ hội cho du lịch sinh thái biển Quảng Trị. Một ngày không xa dịch Covid-19 được kiểm soát, miền đất bên bờ sông Bến Hải này chắc chắn sẽ có nhiều đổi thay, là điểm đến của du khách thập phương.
 
Bình minh trên biển Cửa Việt (Ảnh: Phan Hoài An)

Phát huy những kết quả đạt được sau 35 năm đổi mới, với sức mạnh và tiềm năng sẵn có của địa phương, Đảng bộ và nhân dân Trung Giang quyết đem công sức và nghị lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thi Sỹ (Bài viết dự thi Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch Quảng Trị trong tôi năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây