Dừng chân nghỉ ngơi bên những gốc cây lớn trên đường đến thác Tà Puồng (Ảnh: Thanh Huyền)
Chúng tôi lên đường đến với thác Tà Puồng vào một ngày hè tháng Tám. Xuất phát từ trung tâm thị trấn Khe Sanh, mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ bằng ô tô, vượt qua hơn 50 cây số để vào tới trung tâm xã Hướng Việt. Đường sá thuận lợi, ô tô đến tận trung tâm xã, nên hành trình của chúng tôi rất dễ dàng và thích thú. Trong suốt hành trình, chúng tôi thoải mái thả mình ngắm cảnh thiên nhiên. Điều dễ dàng thu vào tầm mắt chúng tôi là muôn trùng đồi núi, thấp thoáng đây đó những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, những nương rẫy cà phê bạt ngàn, rồi mênh mông những cánh đồng điện gió ẩn hiện trong sương sớm lẫn mây giăng…
Để sự khám phá, trải nghiệm thêm phần thú vị và trọn vẹn, đúng “chất” khám phá bản sắc vùng cao, chúng tôi đã nhờ một cán bộ văn hóa xã Hướng Việt và một người bản địa ở thôn Trăng - Tà Puồng làm bạn đồng hành, đồng thời chuẩn bị đồ ăn, thức uống và cả trang phục của người dân tộc Vân Kiều tại địa phương này. Thác Tà Puồng có hai địa điểm, một thác nằm ở vị trí cao hơn được gọi là “Thác trên” hay còn gọi là Tà Puồng 1, còn thác ở vị trí thấp hơn thì được gọi là “Thác dưới” hay còn gọi là Tà Puồng 2. Theo hướng dẫn của người bạn đồng hành, chúng tôi sẽ đi từ thác trên rồi mới đến thác dưới. Từ trung tâm xã Hướng Việt đến điểm thác Tà Puồng, chúng tôi mất chừng 30 phút đi bộ. Cảnh vật dường như vẫn còn nguyên sơ, có những đoạn đường chúng tôi phải leo dốc cao và có những đoạn đường thì phải băng qua các bãi đá lô nhô. Tuy là khó đi như thế, nhưng chúng tôi ai nấy đều cảm thấy vô cùng thú vị. Chúng tôi vừa đi vừa ngắm khu rừng già nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ lớn, cảm giác như được cả khu rừng ôm trọn. Thoảng trong tiếng gió xào xạc là muôn tiếng chim muông và xa xa là tiếng ào ạt thác đổ. Những khối đá tự nhiên dọc đường đi với nhiều hình thù trông rất đẹp mắt. Những thảm thực vật hai bên đường và con suối nhỏ chảy xuyên qua cánh rừng già cũng khiến chúng tôi cứ muốn dừng chân khám phá. Thế rồi chúng tôi cũng đã đến đích, mọi người ai nấy đều ngỡ ngàng trước sự hùng vỹ của thác Tà Puồng. Giữa bạt ngàn núi rừng xanh thẳm, ngọn thác cao sừng sững ào ạt đổ, tung bọt trắng xóa, nhìn xa xa trông giống như một dải lụa trắng khổng lồ kiêu hãnh vắt ngang qua cánh rừng già. Con thác cao chừng hơn 20 mét chảy thẳng từ lưng chừng núi xuống dưới qua những vách núi đá thẳng đứng và hiểm hóc. Hồ nước ở đây không rộng lắm, nhưng lại có nhiều hồ lớn nhỏ khác nhau. Những khối đá tự nhiên hình thù cũng rất đa dạng, nhấp nhô có, bằng phẳng cũng có, nằm chen lẫn giữa các hồ nước và dọc hai bên thác. Thác Tà Puồng có lưu lượng nước lớn và duy trì quanh năm. Ở vị trí các tảng đá lớn bằng phẳng, chúng tôi thỏa sức ngắm trọn con thác hùng vỹ tuôn trào đổ xuống, tung bọt trắng xóa. Những hồ nước lớn, nhỏ, nước trong vắt, mát lạnh thỏa sức cho các thành viên trong đoàn lựa chọn làm điểm bơi lội, ngâm mình giải nhiệt.
Trải nghiệm ẩm thực người Vân Kiều bên thác Tà Puồng (Ảnh: Thanh Huyền)
Sau khi thưởng ngoạn ở thác trên, chúng tôi men theo đường rừng tầm nữa giờ đồng hồ nữa để đến thác dưới. Ở đây ngọn thác không cao như ở thác trên, kể từ ngọn thác đổ xuống điểm sâu nhất khoảng chục mét, nhưng không gian rộng hơn. Hồ nước rộng hơn 5 nghìn mét vuông. Nước hồ trong vắt có thể nhìn thấu cả đáy hồ, màu xanh ngọc trong veo trông rất mát lành và bắt mắt. Nếu như các hồ nước lớn, nhỏ ở thác trên phù hợp cho du khách bơi lội thì hồ nước ở thác dưới lại phù hợp cho du khách chèo bè thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên vô cùng lý tưởng. Thác Tà Puồng hầu như chưa có sự tác động của con người nên vẫn giữ được nét hoang sơ, kỳ bí. Giữa muôn trùng rừng núi, ngọn thác trắng xóa như nét chấm phá độc đáo khiến bức tranh thiên nhiên ấy lại trở nên vô cùng thơ mộng và hữu tình. Không khí trong lành, cảnh quan tuyệt đẹp tại đây đã cho chúng tôi một cảm giác rất thư thái và hứng khởi. Sự nóng bức oi ả ngày hè cũng như mọi xô bồ, vội vã của cuộc sống đời thường dường như được gột bỏ hết. Chúng tôi thoải mái ngắm cảnh thiên nhiên hoang dã, lắng nghe những âm thanh vọng về từ núi rừng xanh thẳm hòa lẫn tiếng thác đổ, được thư giãn ngâm mình trong dòng nước mát lạnh, được trải nghiệm những món ẩm thực, những bộ trang phục đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều và lưu lại những khoảnh khắc đầy lý thú.
Trải nghiệm trang phục đồng bào Vân Kiều bên thác Tà Puồng (Ảnh: Thanh Huyền)
Mặc dù chưa được đầu tư cũng như khai thác phục vụ du lịch, thế nhưng thác Tà Puồng lâu nay vẫn là điểm đến hấp dẫn cho du khách, đặc biệt là các bạn trẻ, các “phượt thủ”. Với tiềm năng đặc biệt của mình, thác Tà Puồng đã được nhiều nhà đầu tư chú ý, và đã có nhiều đợt khảo sát, đề xuất bước đầu để vạch ra một “thì tương lai” sáng lạn cho Tà Puồng, đó là xây dựng nơi đây thành một điểm đến lý tưởng cho du khách trải nghiệm sự hoang sơ, hùng vỹ của thiên nhiên và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số nơi miền Tây Quảng Trị. Nổi bật nhất là kế hoạch đầu tư của Công ty Oxalis đã trình UBND tỉnh Quảng Trị với tổng mức đầu tư lên đến 25 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 của Khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng tại huyện Hướng Hóa. Theo đó, dự án có quy mô lập quy hoạch khoảng 170ha, và thác Tà Puồng là một trong các điểm nhấn của dự án, cùng với một số danh thắng khác như suối Trăng, động Brai, sông Sê Băng Hiêng… Sau khi hoàn thành, đây sẽ là khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, mạo hiểm, khám phá thiên nhiên và du lịch cộng đồng. Trong chiến lược thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Hướng Hóa, chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm đếm việc khai thác tiềm năng của danh thắng thác Tà Puồng, tập trung xúc tiến, kêu gọi đầu tư, xây dựng kế hoạch dài hạn cho việc phát triển du lịch tại xã Hướng Việt, trong đó lấy thác Tà Puồng làm điểm nhấn trọng tâm. Trên đà thuận lợi và đầy hứa hẹn đó, chúng ta có quyền tin rằng, rồi đây, trong một tương lai không xa, thác Tà Puồng sẽ được khai thác xứng tầm, và nơi đây sẽ trở thành điểm hẹn lý tưởng cho du khách gần xa.