Khách hàng tham quan, mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Đông Hà
Chương trình nhằm góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội; cung cấp đầy đủ, thường xuyên, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, mở rộng thêm các nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đó góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Cụ thể, tỉnh xác định nhóm mặt hàng cần tập trung bình ổn dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 bao gồm: lương thực (gạo, nếp); thực phẩm (thịt heo, thịt bò, dầu thực vật, nước mắm, nước tương, muối, đường, các loại hạt, mứt, bánh kẹo, mỳ ăn liền, lạp xưởng, rau củ quả tươi) và nhiên liệu. Hai doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị và Công ty TNHH MTV Thương mại – Dịch vụ- Sài gòn- Đông Hà. Đây là những doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường; tuân thủ các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn mác hàng hóa; có hệ thống kho bãi, phương tiện vận chuyển, thiết bị… phục vụ trong trường hợp tổ chức các điểm bán cố định và bán hàng lưu động theo yêu cầu của chương trình.
UBND tỉnh sẽ hỗ trợ các đơn vị tham gia bình ổn thị trường tạm ứng vốn ngân sách địa phương trong thời gian 3 tháng để chuẩn bị dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết với tổng số vốn tạm ứng dự kiến là 13,107 tỉ đồng, lãi suất 0%. Thời gian để chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức bán các mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh dự kiến từ ngày 22/12/2023 đến hết ngày 10/3/2024.
Sở Công thương chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn. Đồng thời đề xuất với UBND tỉnh những biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết; khuyến khích doanh nghiệp chủ động kế hoạch dự trữ hàng hóa kết hợp hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”./.