Quảng Trị - Những dòng sông hoài niệm

Thứ hai - 24/07/2023 03:41
Những dòng sông có lẽ khi nhắc đến tên thôi thì ai cũng biết và nhớ đến, đó là: Hiền Lương – Bến Hải, Hiếu giang và Thạch Hãn giang của tỉnh Quảng Trị. Đây là những dòng sông lớn, là mạch nguồn sâu thẳm của đất và người Quảng Trị qua suốt bao đời đã phải oằn mình hứng chịu, chứng kiến bao nổi gian lao, hy sinh, mất mát của quân và dân ta trong công cuộc trường chinh chống giặc ngoại xâm, giữ gìn đất nước.
 
Toàn cảnh sông Bến Hải – Cầu Hiền Lương Ảnh Phan Hoài An
 
Năm tháng qua đi, những dòng sông này vẫn âm thầm làm việc hằng hữu của mình là mang nước và phù sa về bồi đắp cho những cánh đồng thêm màu mỡ, cho những vụ mùa bội thu… Nhưng, ngày nay, mỗi khi ra Bắc hay vào Nam, khi đi ngang qua dòng Hiền Lương – Bến Hải, Hiếu giang, Thạch Hãn giang, tất cả vẫn còn đó như nhắc nhở chúng ta nhớ về một thời chiến tranh ác liệt mà mỗi dòng sông, mỗi tấc đất đều gắn liền với những chiến công hào hùng, thấm đẫm máu, thịt, mồ hôi, nước mắt của cả dân tộc Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng.
Sông Hiền Lương – Bến Hải với nỗi đau dằng dặc, mong mỏi ngày thống nhất non sông. Hơn 20 năm, con sông này được coi là tâm điểm thể hiện cao nhất những vấn đề lịch sử về một thời kỳ chia cắt đau thương của hai miền Nam - Bắc và cũng là nơi chứng kiến cuộc đấu tranh bền bỉ, bi hùng của dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh vì khát vọng thống nhất nước nhà để cho một nhịp cầu khỏi đêm nhớ ngày mong.
Hiếu giang với đường thủy giao thương, mậu dịch quan trọng, con đường huyết mạch, nơi có các thương cảng sầm uất từ bao đời của người dân Quảng Trị cũng phải đứng lên cùng nhân dân làm nên một “Bạch Đằng giang trên sông Hiếu” lẫy lừng chiến công.
Thạch Hãn giang – mạch nguồn sâu thẳm của đất và người Quảng Trị, chứng kiến biết bao nổi gian lao, hy sinh, mất mát của quân và dân ta trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972; đặc biệt là 81 ngày đêm khói lửa, để rồi dòng sông Thạch Hãn phải thay mạch nguồn muôn đời xanh thẳm của mình sang màu máu đỏ, trở thành nơi hóa thân của các linh hồn bất tử đã xả thân vì nền độc lập dân tộc trên đường về cõi vĩnh hằng.


1. Diện mạo, địa hình, địa lý các dòng sông
Quảng Trị là một tỉnh nằm ở đoạn thắt của khúc ruột miền Trung, là điểm tỳ vai của chiếc đòn gánh trĩu nặng giang sơn hình chữ S. Nơi có vị trí địa lý hiểm trở và điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt. Trải dài theo trục Bắc – Nam lần lượt là sông Hiền Lương – Bến Hải, sông Hiếu, sông Thạch Hãn. Đó là 3 dòng sông đại diện cho 3 tiểu vùng địa lý của tỉnh Quảng Trị cùng với 3 ngọn núi hợp thành 3 cặp đôi biểu trưng văn hóa. Điều này đã được phác thảo một cách rõ nét trong bản đồ do các nhà địa lý thời nhà Nguyễn lập và thể hiện trong sách “Đồng Khánh địa dư chí”.
 
Sông Thạch Hãn
 
 - Tiểu vùng phía bắc thuộc hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh (xưa là châu Ma Linh/Minh Linh) với cặp đôi: sông Hiền Lương – Bến Hải (còn có tên sông Ô Giang/Hồi/Minh Lương) – núi Linh/động Lòi Rèng/Linh Sơn.
 - Tiểu vùng ở giữa thuộc huyện Cam Lộ và thành phố Đông Hà (xưa là huyện Thành Hóa và một phần của huyện Đăng Xương/Võ Xương/Thuận Xương) với cặp đôi: sông Hiếu (còn có tên là sông Cam Lộ, sông Điếu Ngao) – núi Tá Linh/động Voi Mẹp/Tá Linh sơn.
 - Tiểu vùng phía Nam thuộc huyện Triệu Phong (xưa là huyện Lợi Điều/Đăng Xương/Võ Xương/Thuận Xương) và huyện Hải Lăng (xưa là huyện An Nhân) với cặp đôi: sông Thạch Hãn (còn có tên Nguồn Hàn/sông Hãn) – núi Mai Lĩnh/non Mai/Mai Lĩnh sơn.

 2. Những dòng sông huyền thoại
  -  Sông Hiền Lương - Bến Hải

Hiền Lương – Bến Hải là một trong những con sông lớn của tỉnh Quảng Trị, nằm dọc trên vĩ tuyến 17 từ tây sang đông trên bản đồ Việt Nam. Từ tháng 7 năm 1954 đến 4 năm 1972 dòng sông này không một ngày ngừng tiếng súng, mang trên mình nổi đau chia cắt trong suốt gần 20 năm ròng rã.
 
Đua thuyền truyền thống trên sông Bến Hải - Hiền Lương dịp 30/4
 
Tháng 7/1954, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta giành được thắng lợi, buộc Thực dân Pháp phải ký vào Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước. Theo Hiệp định Giơnevơ thì nước Việt Nam tạm thời chia thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải - Hiền Lương đi qua 2 huyện: Gio Linh và Vĩnh Linh) làm ranh giới tạm thời. Miền Bắc do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý, miền Nam do Quân đội Liên hiệp Pháp quản lý. Lực lượng 2 miền sẽ tập kết ở cầu Hiền Lương. Sau 2 năm sẽ hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước, nhưng do âm mưu can thiệp của Mỹ,với việc dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, ngang nhiên phá bỏ hiệp định, tuyên bố “lấp sông Bến Hải bắc tiến” chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành quốc gia riêng lẽ đối đầu với miền Bắc; đi ngược lại với nguyện vọng độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.
          Bởi vậy: “Chỉ một dòng sông mà bên trong bên đục
                           Chỉ một nhịp cầu mà bên nhục bên vinh”

Dòng sông Hiền Lương – Bến Hải hiền hòa đã chứng kiến bao cảnh tang tóc, đau thương nhưng vô cùng anh dũng của nhân dân đôi bờ nam bắc vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Những làng xóm yên bình ở bờ nam bổng chốc trở thành vành đai trắng rợn người bởi những căn cứ quân sự, hàng rào kẽm gai, lô cốt, tháp canh, bãi mìn. Những người dân bình dị, lam lũ với cuộc sống yên lành ở các làng quê đã bị dồn vào các trại tập trung, bị đánh đập, giam cầm trong các ấp chiến lược, bị bắt làm lính ngụy. Những vùng quê trù phú ở bờ bắc luôn ngập chìm trong bom đạn, khói lửa của các cuộc oanh kích bằng máy bay và hạm đội pháo ... để trở thành những làng mạc tang thương, xơ xác, tiêu điều.
Trong cuộc đối mặt nghiệt ngã ấy quân và dân dọc theo 2 bờ sông Hiền Lương – Bến Hải vẫn theo Đảng, sắc son với cách mạng, vượt qua không biết bao nhiêu gian khổ, hy sinh để viết nên bản anh hùng ca bất diệt về cuộc đấu tranh vì hòa bình và khát vọng thống nhất nước nhà, đó là các cuộc đấu tranh của nhân dân trong các vùng thuộc miền Nam chống lại chế độ Mỹ - Ngụy, từ đấu tranh đòi Mỹ thi hành hiệp định Giơnevơ đến làm phá sản toàn bộ các chiến lược chiến tranh mà Mỹ ngụy đã dày công xây dựng. Ở bờ bắc, xác định được vai trò và tầm quan trọng của mình đối với tiền tuyến lớn miền Nam; mặc dù trong mưa bom bảo đạn, nhân dân Vĩnh Linh vẫn tiến hành xây dựng đi lên chủ nghĩa xã hội, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh thắng kẻ thù.

 - Sông Hiếu
 Từ xa xưa trong lịch sử, sông Hiếu luôn là bạn đồng hành với tuyến đường thượng đạo xuyên sơn – lối mòn và là tiền thân của đường 9, đường Xuyên Á. Đó là con đường hương liệu/đường công cụ/ đường muối đã được mở ra từ hàng ngàn năm trước. Đó cũng là con đường mưu đồ và tham vọng của thực dân, đế quốc trong cuộc chiến tranh xâm lược một thời, là con đường máu và cũng là con đường đầy chiến công về cuộc chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quân và dân Quảng Trị và cả nước.

 
Hoàng hôn trên sông Hiếu
         
Sông Hiếu là vùng đất chở che, nuôi dưỡng cho những xu thế mới trong những hoàn cảnh đầy nghiệt ngã. Sông Hiếu vừa là bà mẹ, vừa là bà đỡ cho các cuộc sinh nở vật vã của đất nước. Lịch sử đã 3 lần chọn Quảng Trị làm thai nghén thì có 2 lần mẹ Hiếu giang nhận sứ mệnh về mình.

          Một là, Tân Sở - Kinh đô kháng chiến của vị vua yêu nước Hàm Nghi chống Pháp (1885), mở ra một thời kỳ “dấy nghĩa Cần Vương”, một phong trào yêu nước chống Pháp dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu, làm cơ sở cho phong trào Cộng sản phát triển rầm rộ tiếp sau.
          Hai là, Cam Lộ - Thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam – linh hồn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mở ra một thời kỳ đấu tranh quyết liệt trên chính trường ngoại giao những năm cao điểm của thời kỳ chống Mỹ (1972-1975) để làm nên chiến thắng cuối cùng ngày 30/4/1975.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, sông Hiếu đã trở thành chiến trường ác liệt. Vị trí địa lý và hoàn cảnh lịch sử đã dồn đẩy dòng sông này trở thành nơi tranh chấp của hai thế lực. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, với mục đích giành lại thế chủ động trên chiến trường, Mỹ ngụy vội vã tăng cường số lượng quân và các phương tiện chiến tranh hiện đại, kể cả vũ khí hóa học, chiến tranh điện tử và không quân chiến lược tiếp tục mở rộng các cuộc phản kích quyết liệt với chiến thuật “quét và giữ” gồm hai nội dung “bình định cấp tốc”“ngăn chặn từ xa” nhằm chiếm lại nông thôn, đồng bằng, củng cố lại thế phòng ngự. Tại Đông Hà năm 1965, Mỹ ngụy tập trung xây dựng nơi đây thành một cứ điểm quân sự mạnh của chiến trường Trị Thiên, xây dựng cảng Đông Hà thành một quân cảng lớn nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về hậu cần cho những cuộc hành quân, tác chiến. Lực lượng  Mỹ ngụy tập trung ở đây khá đông. Để nuôi số quân đông đảo này, Mỹ ngụy nhanh chóng thiết lập cầu hàng không từ cảng Mỹ Thủy ra Quảng Trị. Căn cứ Đông Hà – Ái Tử, “cái dạ dày” ngày càng bị phình to do phải tiếp nguồn hậu cần qua con đường tiếp tế từ Cửa Việt lên Đông Hà và cầu hàng không từ cảng mỹ thủy đi Quảng Trị đến Đông Hà. Hàng ngày trên dòng sông Hiếu thường xuyên có 15 đến 20 chiếc thuyền của hải quân Mỹ có trọng tải từ 100 đến 600 tấn làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa và vũ khí từ cảng Cửa Việt lên Đông Hà. Đoạn sông từ Cửa Việt lên Đông Hà trở thành tuyến giao thông huyết mạch được Mỹ ngụy tăng cường bảo vệ bằng cả hỏa lực và xung lực. Ở nhiều đoạn trọng điểm, chúng còn dựng lên những bãi mìn và dây kẽm gai để chống lại đặc công thủy của quân giải phóng.
Trong tình hình đó, liên huyện ủy Gio – Cam chủ trương bằng mọi giá cắt đứt tuyến vận tải qua sông Hiếu nhằm ngăn chặn và tiêu diệt tàu của địch làm tắc nghẽn giao thông, đẩy địch vào tình trạng thiếu lương thực, đạn dược và quân trang buộc chúng phải co cụm lại. Để thực hiện chủ trương này, liên huyện ủy Gio – Cam đã thành lập Ban Tác chiến để nghiên cứu tình hình và bàn kế hoạch hành động. Qua nhiều lần nghiên cứu cách đánh và nắm tình hình địch, ban chỉ đạo quyết định dựng “thế trận Bạch Đằng” trên sông Hiếu theo phương thức “cắm cọc ngăn sông, rải mìn thủy lôi” để đánh tàu Mỹ. Từ ngày 06/02/1968, nhân dân các xã Gio Quang, Gio Hà, Cam Giang được bộ đội và du kích hỗ trợ đã chặt hàng trăm cây dương liễu, hàng nghìn cọc tre, hàng trăm bó chông và cuộn dây thép gai. Ngày 07/02/1968, chọn 80 du kích làm nghề sông biển phối hợp với bộ đội “thiết lập thế trận Bạch Đằng”. Đến 21h30 bãi cọc kéo dài 800m từ Cồn Mai Xá lên đến ngã ba Dã Độ được hoàn thành. Giữa các bãi cọc bộ đội đặc công thủy rãi thủy lôi hút và thủy lôi nổ chậm. Đến 8h sáng ngày 08/02/1968, 6 chiếc tàu LCU chất đầy hàng hóa và vũ khí trên đường từ Cửa Việt lên Đông Hà đã lần lượt sa bẩy. Chiếc tàu thứ nhất gặp thủy lôi bị nổ tan tành,3 chiếc còn lại bị hỏa lực của bộ đội và du kích ở hai bên bờ tiêu diệt. Tuyến vận tải Cửa Việt đi Đông Hà bị tắc nghẽn mấy ngày liền. Đến ngày 10/02/1968, Mỹ - ngụy buộc phải cho B52 dội bom xuống bãi cọc tre để dọn vật cản thông đường. Thắng lợi vang dội của trận địa ngầm này được Bộ Tư lệnh mặt trận đường 9 biểu dương và nhiệt liệt hoan nghênh.
Trận đánh “Bạch Đằng giang trên sông Hiếu” mãi mãi được ghi vào lịch sử là một chiến công chói lọi, thể hiện sự thông minh, sáng tạo của quân và dân Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ. Chiến thuật sử dụng trong trận “Bạch Đằng giang trên sông Hiếu” vẫn được quân và dân Quảng Trị kế thừa và phát huy trong suốt quá trình đấu tranh chống Mỹ cứu nước cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
          - Sông Thạch Hãn
          Sông Thạch Hãn là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị - long mạch chủ đi kèm với núi Mai Lĩnh để trở thành cặp đôi sông núi biểu trưng văn hoá và địa linh Quảng Trị: Non Mai - Sông Hãn. Cặp đôi sông núi này được định dạng, tôn vinh và định hình chính thức kể từ khi thủ phủ, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh Quảng Trị được thiết lập ven bờ sông Thạch Hãn vào năm 1809, dưới thời vua Gia Long.

Sông Thạch Hãn sau khi đi qua địa phận làng Thạch Hãn, tạo nên một hào thành tự nhiên án ngữ mặt tây và tây bắc lỵ sở Quảng Trị, sông chảy về làng Cổ Thành thì chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy về phía tây bắc để cùng nhập với sông Hiếu tại ngã ba Gia Ðộ đổ về biển Cửa Việt. Một nhánh chảy về phía đông nam vào sông Vĩnh Ðịnh nối với sông Ô Lâu rồi hợp lưu với sông Bồ đổ về ngã ba Sình, cùng với sông Hương chảy ra biển bởi cửa Thuận An. Thông qua các tuyến đường thủy huyết mạch này, từ thành Quảng Trị có thể ngược lên các vùng rừng núi phía tây hoặc sang Lào; đồng thời, nối thông với vùng phía bắc đến tận Quảng Bình và vùng phía Nam của tỉnh đến tận kinh sư Thừa Thiên.
 

Thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn
 
Thạch Hãn không phải là “mồ hôi đá” như nhiều người vẫn nghĩ mà là từ để hàm chỉ con sông có nhiều ghềnh đá nổi lên dọc hai bên bờ ương bướng, cản trở dòng chảy. Các nhà địa chí xưa luận rằng: Sông này nguồn rất xa, nước trong và ngọt, ngạn ngữ có câu rằng: Bất vi xạ não, diệc thị trầm đàn; bất vi quỳnh hương diệc thị cam lễ. (Nghĩa là: Chẳng phải xạ hương, long não thì cũng trầm hương, đàn hương; chẳng phải quỳnh tương thì cũng cam lễ). Câu ấy cực tả phẩm chất của nước. (Trích từ: Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam nhất thống chí. T1. Nxb Thuận Hóa, 1992, tr. 147, 148). Trong dân gian, sông Thạch Hãn được gọi là Nguồn Hàn.
                              “Chẳng thơm cũng thể hương đàn
                         Không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”.

Con sông này từng được nhà Nguyễn xếp vào hàng những thắng tích của đất nước. Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), khi đúc cửu đỉnh, hình tượng sông Thạch Hãn đã được nhà Nguyễn chọn để khắc vào Thuần Đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), trong một lần ngự giá Bắc tuần, khi đi qua Thạch Hãn vua có thơ vịnh, chép trong Thánh chế Bắc tuần thi tập. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), sông Thạch Hãn được ghi vào tự điển để cúng tế hàng năm theo lệ quốc gia.
Trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972, dòng sông Thạch Hãn chứng kiến nhiều kỳ công bám cầu, bám sông, mở đường Nam tiến dưới mưa bom bão đạn của các chiến sĩ bộ đội miền Bắc. Từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 15 tháng 9 năm 1972 khi quân đội miền Bắc bám chốt ngăn chặn cuộc tiến công tái chiếm Thành cổ Quảng Trị, cũng như để tạo sức ép tại bàn hội nghị Paris, họ đã tiếp tế nhân lực, vũ khí qua con sông này. Số lượng lớn bộ đội, cán bộ, vũ khí đã được dân quân, bộ đội đưa vượt ngang lòng sông, tiến vào trận địa Thành cổ. Dưới mật độ hoả lực dày đặc khủng khiếp của quân Mỹ dội, đã có rất nhiều người lính vĩnh viễn nằm lại nơi đáy sông ở độ tuổi mới mười tám đổi mươi. Từ đó, dòng sông Thạch Hãn còn được người dân địa phương gọi là dòng sông Hoa đỏ, dòng sông máu.

 3. Hoài niệm về những dòng sông
Quảng Trị là một vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; từ buổi nguyên sơ nơi đây từng là điểm hội tụ, giao thoa nhiều nền văn hóa của con người thời tiền, sơ sử, cổ, trung và cận đại. Đến thời hiện đại, mãnh đất và con người Quảng Trị lại bền bĩ anh dũng đấu tranh để giành độc lập dân tộc; nơi đây từng là tuyến lửa, là nơi đụng đầu lịch sử giữa hai thế lực, hai chế độ chính trị, hai hệ tư tưởng. Chiến tranh đã gây ra biết bao đau thương, mất mát cho đất và người Quảng Trị, nhưng nơi đây cũng làm nảy sinh nhiều sự tích anh hùng, xuất hiện nhiều địa danh lẫy lừng chiến công. Nhiều tên người, tên đất, tên núi, tên sông của Quảng Trị đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành biểu trưng cho ý chí quật cường, lòng quả cảm, niềm tự hào về tinh thần chống giặc ngoại xâm, gìn giữ hòa bình, mãi mãi đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế yêu chuông hòa bình.
Núi, sông, đất và người Quảng Trị, tất cả hòa quyện vào nhau dệt thành bản anh hùng ca bất diệt, mãi mãi ghi vào trang sử vẻ vang của dân tộc về tinh thần đấu tranh bảo vệ hòa bình, bảo vệ tổ quốc.
Sau ngày đất nước thống nhất, hàng năm cứ đến những ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước; chính quyền và nhân dân Quảng Trị thường tổ chức các lễ hội tri ân, tưởng nhớ những anh hùng ngã xuống vì nền độc lập, tự do nước nhà. Các hoạt động kỷ niệm đến nay đã trở thành những lễ hội văn hóa mang tầm quốc gia và khu vực, ngày càng mang ý nghĩa thiết thực: Lễ hội Thống nhất non sông tại đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải dịp 30/4; đua thuyền truyền thống trên sông Hiếu, Thạch Hãn giang; thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn vào các ngày 14, 15 (rằm) và 30, mồng 1 (âm lịch) hàng tháng và vào ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 hàng năm. Bên cạnh các lễ hội được tổ chức hàng năm thì các đài tưởng niệm, các di tích, công trình dân sinh, phúc lợi cũng được đầu tư xây dựng làm cho các dòng sông ngày càng thêm hiền hòa, trù phú, linh thiêng. Tất cả đó chính là lương tâm, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng cao cả của mỗi thế hệ hôm nay và mai sau trong việc thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Những ngày này của tháng 7, tháng tri ân, tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng, tại Quảng Trị đã có hàng triệu triệu người khắp nơi về đây để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những người đã hy sinh bản thân mình để đổi lấy tự do, độc lập, hạnh phúc cho dân tộc ta trường tồn./.

Tác giả bài viết: Ngô Văn Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 31 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 4.4 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây