Căn cứ Làng Vây – Điểm du lịch khám phá trên tuyến hành lang xuyên Á

Chủ nhật - 24/10/2021 02:57
Di tích căn cứ Làng Vây nằm trên một cụm đồi đất đỏ bazan, về phía Đông của xã Tân Long, giáp với xã Tân Lập, cách Đường 9 đoạn km 75 khoảng 1 km về phía Nam, cách Tà Cơn 15 km về phía Tây Nam. Địa điểm chiến thắng Làng Vây, được công nhận là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 319/QĐ-BVHTTDL ngày 26/1/2011 của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, giới cầm quyền Mỹ mà trực tiếp là tướng Westmoreland nhận thấy Khe Sanh, Hướng Hoá có vai trò hết sức quan trọng. Nếu xây dựng nơi đây một tập đoàn cứ điểm quân sự như là  “bức tưởng thép” trong phòng ngự, ngăn chặn phía Tây Bắc chiến trường Trị Thiên; một “cái neo” về phía Tây cho hệ thống phòng thủ chiến lược ở phía Nam khu phi quân sự; biến Khe Sanh thành một căn cứ tuần tra để ngăn chặn quân đối phương từ Lào tràn qua dọc theo Đường 9 và cũng là căn cứ cho hoạt động biệt kích quấy nhiễu đối phương đọc biên giới Việt - Lào. Đồng thời, sử dụng Khe Sanh thành một bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ, xây dựng ở đây một sân bay cho các máy bay trinh sát của Mỹ cất cánh tìm diệt bộ đội chủ lực của ta, đánh phá cắt đứt mọi liên lạc trên đường mòn Hồ Chí Minh.
 
Di tích chiến thắng Làng Vây (Ảnh: Nguyễn Duy Hùng)

Từ đầu năm 1966 Mỹ ra sức tăng quân và vũ khí lên miền Tây Quảng Trị, lập thành một hệ thống căn cứ dày đặc tại các vị trí thên chốt như Tà Cơn, Làng Vây, Đồi Cù Bốc, Động Tri…. Ở Tà Cơn chúng cho xây dựng một cụm cứ điểm lớn với hàng loạt các công sự kiên cố và một sân bay cỡ lớn, trở thành vị trí quân sự lớn nhất trong hệ thống phòng thủ Đường 9 – Khe SanhTrong đó, Làng Vây là một căn cứ chốt, án ngữ cửa ngõ cho khu trung tâm Tà Cơn, đồng thời là tiền tiêu phía của tuyến phòng thủ Đường 9. Căn cứ Làng Vây được xây dựng trên hai cao điểm 320 và 230, chiều dài 600 m và chiều rộng 200 m, có nhiều hầm hào và công sự kiên cố với các điểm hoả lực rất mạnh, kể cả; trận địa pháo 105 mm, cối 106,7 mm. Bao bọc xung quanh bằng những lớp hàng rào dây kẽm gai chằng chịt, dưói chân đồi có các bãi mìn lớn với tầm sát thương và huỷ diệt cao. Chốt giữ ở đây là những lực lượng đặc biệt của Mỹ - nguỵ gồm 6 đại đội, có 30 cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy. Xuất phát từ vị trí chiến lược, Làng Vây được mệnh danh là một cái cuống họng, một chân kiềng của hệ thống phòng ngự Khe Sanh.

Trước tình hình đó, để đập tan những những tham vọng ngông cuồng của Mỹ - nguỵ, tháng 4/1966, Quân uỷ Trung ương quyết định thành lập Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, gọi tắt là Mặt trận B5 nhằm thu hút tiêu diệt sinh lực địch ở miền Tây Quảng Trị, tạo điều kiện cho các chiến trường khác hoạt động mạnh hơn nữa.

Mùa xuân năm 1968, chiến dịch giải phóng Khe Sanh - Hướng Hoá bắt đầu. Mở màn là trận đánh của quân ta vào căn cứ Làng Vây. Tham gia trận đánh có đại đội xe tăng 9, cùng tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 tiến công địch từ hướng Nam, đây là hướng tiến công chủ yếu; Đại đội xe tăng 3 phối hợp cùng Trung đoàn 24 tiến công từ hướng Tây theo Đường 9. Đúng 17 giờ ngày 6/2/1968 trận tiến công cứ điểm Làng Vây bắt đầu nổ súng. Trận đánh diễn ra ác liệt, địch lợi dụng công sự, lô cốt, hầm ngầm chống cự quyết liệt, nhưng xe tăng ta đã khéo léo kêt hợp với xung lực uy hiếp địch, yểm trợ cho bộ binh xung phong đánh chiếm từng khu vực, mục tiêu. 3 giờ sáng ngày 7/2 ta cơ bản làm chủ trận địa, tiếp tục truy kích tiêu diệt bọn địch còn ngoan cố chống cự ở các hoả điểm, hầm ngầm.

 
Xe tăng tham gia đánh Làng Vây 1968 (Ảnh: Nguyễn Duy Hùng)

Trận tiến công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây là trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng tham gia tiến công một căn cứ kiên cố của địch đã giành thắng lợi giòn giã, đạt hiệu suất chiến đấu cao, mở ra truyền thống “Đã ra quân là chiến thắng” của bộ đội xe tăng anh hùng. Ta tiêu diệt và bắt 1.000 tên địch1, thu nhiều vũ khí. Chiến thắng Làng Vây đã góp phần phá vỡ một mảng tuyến phòng ngự Đường số 9 của Mỹ - nguỵ, phối hợp kịp thời với các chiến trường khác trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta mùa xuân năm 1968. Với những chiến công đó, chiến thắng Làng Vây, đại đội xe tăng 3 và đồng chí Lê Xuân Tấu là những tập thể, cá nhân đầu tiên của bộ đội xe tăng vinh dự dược Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Bia đài chiến thắng Làng Vây (Ảnh: Nguyễn Duy Hùng)
 
Ngày nay, căn cứ Làng Vây trở thành một di tích lịch sử, ghi dấu những chiến công hiển hách của quân và dân ta đẫ đánh bại một đội quân hùng mạnh của đế quốc Mỹ và tay sai. Cùng với di tích Tà Cơn, Nhà Tù Lao Bảo, di tích Căn cứ Làng Vây là một trong những điểm tham quan hấp dẫn của tuyến du lịch DMZ, và trên trục Đường 9 Xuyên Á, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu./.

Chú giải: (1): Trích BQP - Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp: Chiến  thắng Tà Mây - Làng Vây mở đầu truyền thống  "Đã ra quân là đánh thắng  của bộ đội Tăng Thiết giáp"; Hà Nội, tháng 11/2007; trang 14.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây