Ngọt ngào bánh tằm

Thứ ba - 12/11/2019 20:35
Sắn có thể nói là 1 loại củ vô cùng quen thuộc với người dân Quảng Trị chúng ta. Trong thời kỳ khó khăn của đất nước, sắn là loại thực phẩm chính của nhiều hộ gia đình, từ sắn khô, sắn hấp, lá sắn luộc, vỏ sắn muối, đều là những món ăn gắn với những ký ức không thể nào quên của 1 thời cực mà vui của nhiều thế hệ Việt Nam. Ngày nay thì sắn được những người lớn tuổi đùa là món ăn “đắt đỏ” khi 1 phần sắn xào hoặc hấp cốt dừa ở đường phố đã lên tới 20 – 30.000 VND –1 con số khổng lồ nếu so sánh với thời bao cấp lương công chức chỉ từ 65 – 70 đồng/tháng.

Nếu trước đây, sắn là loại thực phẩm chính trong nhiều hộ gia đình, còn giờ loại thực phẩm này đã là 1 phần không thể thiếu của món ăn đường phố Quảng Trị, sáng ra ta có thể mua 1 phần sắn luộc, sang hơn tới quán ăn vặt sẽ là 1 dĩa sắn hấp nước cốt dừa, hay món nhậu thì có món sắn xào tép ... Thế nhưng nói về các món ăn đường phố làm từ sắn, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới món bánh tằm – Đây là 1 món bánh tráng miệng được làm từ sắn rất dân dã của người dân Nam bộ, với vị thơm và ngọt ngào đặc trưng. Cùng với sự di chuyển của cư dân các vùng, món bánh tằm đã xuất hiện ở thành phố Đông Hà và thu hút nhiều thực khách gần xa.

image 20191113084828 1

Chắc hẳn nghe nói qua như vậy, nhiều người trong chúng ta đã thắc mắc là bánh làm từ sắn thì gọi là bánh sắn, tại sao lại gọi là bánh tằm? Vâng, theo như chia sẻ của những người bán bánh tằm ngay cổng trường Tiểu học Hùng Vương ở đường Hùng Vương – thành phố Đông Hà thì sở dĩ loại bánh này được gọi là bánh tằm vì nó có hình dáng thon dài và được phủ lớp vụn dừa giống con tằm. Thi thoảng thì bánh cũng có những hình dáng khác như hình vuông, hình chữ nhật nhỏ … tùy vào sự ngẫu hứng của người làm và thị hiếu của người mua. Bánh thường có nhiều màu sắc khác nhau như màu xanh lá dứa, lá cẩm, màu trắng, màu vàng khoai mì … Vỏ bánh thường được bọc bởi dừa nạo thái nhuyễn nhìn như những sợi tơ trắng của con tằm.
Ở miền Nam, bánh tằm được gọi với cái tên chính xác là bánh tằm khoai mì, ở Quảng Trị thì đơn giản chỉ được gọi là bánh tằm mà thôi. Bánh tằm cũng như các loại bánh làm bằng sắn khác đều có vị ngọt bùi của sắn. Khi ăn, người ta thường cho thêm muối mè rang chín, đường trắng hoặc nước cốt dừa, làm cho bánh trở nên béo ngậy, thơm mùi mè.
Cách làm bánh tằm thì tương đối đơn giản, dễ làm. Đầu tiên, người làm sẽ bào nhuyễn sắn hoặc sử dụng bột sắn được làm sẵn, trộn bột sắn với 1 ít bột năng và thêm màu tùy thích. Sau đó hấp cách thủy từng miếng lớn. Sau khi bánh chín sẽ được lấy ra để nguội rồi cắt thành từng miếng thon dài (hoặc bất kì hình dạng tùy theo sở thích) của người mua. Dừa cũng sẽ được nạo và thái nhuyễn thành những sợi bông nhỏ. Sau đó, lăn bánh qua vụn dừa và dọn ra dĩa. 
Mỗi khi có khách ghé ngang và muốn thưởng thức món bánh tằm, người bán sẽ cho mè rang chín, đường trắng hoặc nước cốt dừa lên bánh để bánh có mùi thơm và béo ngậy. Trong tiết trời se lạnh vào chiều tối, được dừng lại bên đường, thưởng thức mùi thơm từ nồi hấp bánh sắn, ăn 1 miếng bánh sắn thơm lừng, béo ngậy là đã đủ để biết được ẩm thực đường phố của Quảng Trị phong phú không kém gì những tỉnh thành khác của Việt Nam.
Người trẻ tuổi đôi khi chỉ đơn giản thưởng thức món bánh tằm như là 1 món ăn đường phố hợp vị, hợp túi tiền, còn người lớn tuổi sẽ từ từ, chậm rãi ngửi hương vị bánh tằm, ăn chậm 1 miếng bánh và nhớ về những thời gian sắn cùng với người vượt qua thời kỳ khó khăn của đất nước. Ẩm thực đôi khi lạ kỳ là thế, chỉ 1 miếng bánh, chỉ một mùi hương là đã đủ để gợi nhớ về cả một vùng trời ký ức.

 

Tác giả bài viết: Thế An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây