Cổng thông tin Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị

https://ipa.quangtri.gov.vn


Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải

Di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải là một trong bốn Di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Quảng Trị,  là tên gọi cho Cụm di tích ở hai bên bờ sông Bến Hải, cầu Hiền Lương.  Phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh; phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị
Di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải bao gồm các hạng mục: cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ giới tuyến, nhà Liên hợp , Đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh ở bờ Bắc, cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam, Nhà Bảo tàng Vĩ tuyến 17… Tất cả các hạng mục của di tích đã bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh. Từ năm 2001-2008,  Cụm di tích đã được tôn tạo và xây dựng lại nhằm tôn vinh chiến thắng và sự kiên cường,  anh dũng,  bất khuất của quân và dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
 
/uploads/xuc-tien-du-lich/2020_03/image-20200303093734-1.jpeg

Khi nhắc đến Hiền Lương – Bến Hải,  mỗi con người Việt Nam không ai là không thể quên một giai đoạn lịch sử quan trọng,  có thể nói rất hào hùng nhưng không kém phần đau thương của dân tộc Việt Nam. Nơi đây được coi là tâm điểm thể hiện cao nhất những vấn đề lịch sử về một thời kỳ chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc và cũng là nơi chứng kiến cuộc đấu tranh bền bỉ, bi hùng của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.
 
Ngược về dòng lịch sử, ngày 20/7/1954, sau khi Hiệp định Genevo được ký kết,  Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Bắc – Nam,  lấy vĩ tuyến 17- nơi con sông Bến Hải chảy qua làm giới tuyến quân sự tạm thời.  Theo Hiệp định,  sau đó hai năm, vào tháng 7/1956,  chúng ta sẽ tiến hành hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Thế nhưng, sự thật lịch sử đã không diễn ra như vậy. Năm 1956,  Mỹ đã nhảy chân vào miền Nam,  cùng với chính quyền Sài Gòn đã tiến hành dựng lên các căn cứ quân sự,  khóa tuyến tại Cầu Hiền Lương,  chấm dứt hoàn toàn mọi hoạt động qua lại của nhân dân đôi bờ Nam – Bác vốn xưa nay là máu thịt.  Cũng kể từ đó,  dòng sông Bến Hải – cầu Hiền Lương đã trở thành biểu tượng của nổi đau chia cắt đất nước ròng rã suốt 20 năm. Và cũng từ đây,  nhân dân đôi bờ Nam – Bắc Việt Nam bước vào các cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh bom đạn để giành lấy độc lập,  thống nhất. Ngày hôm nay,  khi đến với mảnh đất này, ta vẫn như còn thấy hiện ra trước mắt một quá khứ hào hùng của dân tộc
 
image 20200303092813 1
Tượng đài khát vọng thống nhất non sông (Nguồn Internet)
 
Đây cũng là địa điểm tổ chức Lễ hội Thống nhất non sông hàng năm vào dịp 30/4 nhân kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam,  thống nhất đất nước. Lễ hội thường niên này thường bắt đầu bằng lễ thượng cờ trang nghiêm ở Cột cờ giới tuyến, sau đó là những hoạt động văn hóa,  văn nghệ,  thể thao.

Di tích đôi bờ Hiền Lương trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Quảng Trị của khách trong và ngoài nước. Du khách tìm về nơi đây để hoài niệm một thời đất nước chịu cảnh chia cắt, hiểu được sức mạnh của một dân tộc thiết tha yêu hoà bình, một ý chí và khát vọng giành độc lập tự do, để có một Việt Nam tươi đẹp như hôm nay. Ngày 09/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải.

Vé vào điểm di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải 50.000VND/lượt đối với người lớn và 20. 000VND/lượt đối với trẻ em, phục vụ từ 7:00 đến 17:00 hàng ngày. Nếu trong trường hợp khách hoặc đoàn đến điểm muộn hơn khung giờ trên có thể liên hệ với Ban Quản lý khu di tích qua số điện thoại 02333.884.965 để thu xếp./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Trang Nhi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây