Cổng thông tin Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị

https://ipa.quangtri.gov.vn


Động Brai - Thác nước Tà Puồng - Một thắng cảnh thiên nhiên của miền Tây Quảng Trị

Ngược Quốc lộ 9, đi biên giới Lào - Việt, đến thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây ra hướng Quảng Bình, vượt qua khỏi đèo Sa Mù chừng 5km, chúng ta sẽ đến được một quần thể thắng cảnh thiên nhiên đã có từ thời xa xưa mà chưa được thăm dò, khai thác. Đó là hang động Brai và thác nước Tà Puồng, nằm ở thôn A Xóc, xã Hướng Lập, cách Động Phong Nha - Kẻ Bàng khoảng 20km về hướng Đông Nam và cách thành phố Đông Hà, tỉnh lỵ Quảng Trị khoảng 130km về hướng Tây.
Khám phá hang động Brai (Ảnh: Hồ Thanh Thoan)
 
Vào đầu tháng 9 năm 2015, đoàn khảo sát thực địa của UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức đến quần thể thắng cảnh này để tận mắt thăm dò, ông Nguyễn Đức Chính, chủ tịch tỉnh, ông Nguyễn Mai Thức, phó chủ tịch tỉnh cùng lãnh đạo các sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, sở Tài nguyên và Môi trường, sở Ngoại vụ, sở Tài chính, sở Khoa học Công nghệ, Sở Thông tin - Truyền thông, BCH Bộ đội Biên phòng, BCH Quân sự tỉnh, lãnh đạo huyện Hướng Hóa, Đồn Biên phòng Cù Bai, các doanh nghiệp Du lịch và các cơ quan Thông tấn báo chí trung ương và địa phương cùng tháp tùng.  

Hang động và thác nước này không biết được hình thành từ niên đại nào nhưng nơi đây, vào thời kháng chiến chống Mỹ, bộ đội và nhân dân đã từng vào hang để sinh sống đồng thời tránh bom đạn của kẻ thù. Từ ngày hòa bình được lập lại cho đến nay, vẫn nằm im lìm, hoang vắng, vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây chỉ được biết đến qua lời kể của bà con quanh vùng.

Lối vào khu thắng cảnh khá thuận lợi, cách đường Hồ Chí Minh không xa. Từ cầu Sêbănghiêng đi bộ ngược dòng sông khoảng 400m là đến khu vực hang động, leo lên đồi dốc cao khoảng 30m là đến cửa hang. Chúng ta sẽ thấy một vòm đá rất hoang sơ, như có sự sắp đặt của con người, cửa hang hình tam giác, rộng rãi, cao và thoáng, có thể đi vào một lúc được nhiều người.

Vào bên trong, càng đi sâu càng thấy được nhiều khối thạch nhũ lớn có nhiều hình dạng khác nhau, kích thước khác nhau, nhiều màu sắc tuyệt đẹp có giá trị thẩm mỹ cao và sự độc đáo không thể tả được. Cùng với thạch nhũ trên hang, thì bên dưới lại có những bãi đá và dòng suối trong, nước mát lạnh tạo cho chúng ta có một cảm giác man mát, kỳ lạ, khác hẳn không khí oi nồng của gió Lào ngay từ ngoài cửa hang.

 
Đoàn công tác đi sâu vào trong lòng hang động Brai (Ảnh: Hồ Thanh Thoan)

Hiện nay mới chỉ đi vào được khoảng 400m, nhưng theo nhận định thì có thể còn rất dài, sẽ được nối liền với dãy núi đá vôi và thông với hệ thống hang động Phong Nha, Quảng Bình, càng đi sâu càng có nhiều khối thạch nhũ lớn cùng với nhiều bãi đá đẹp hơn nữa.

Nếu được khai thác, sử dụng đúng hướng thì bên cạnh những vẻ đẹp tự nhiên do tạo hóa sinh ra, nó còn chứa đựng những di tích khảo cổ học, những di tích lịch sử - văn hóa rất đặc sắc của dân tộc nên càng có giá trị để phát triển về du lịch.

Thác nước Tà Puồng, nằm cách hang động Prai khoảng 3km hướng Đông Nam, từ Đường Hồ Chí Minh đi vào 500m, dọc theo con suối nhỏ, có nhiều tảng đá nhấp nhô vừa chìm vừa nổi với rừng cây che mát, chúng ta đến chân thác, xuống suối, có bãi tắm tự nhiên, trong lành, nhìn dòng nước trắng xóa đổ xuống rì rầm, vang dội chảy với độ cao khoảng 40m tạo thành một khung cảnh hùng vĩ, hoang sơ. Mọi người sẽ được chiêm ngưỡng như bức tranh sơn thủy hữu tình. Đây là điểm du lịch dã ngoại lý thú, hấp dẫn khách du lịch trong tỉnh, ngoài tỉnh và cả người nước ngoài. Nơi đây sẽ là điểm tham quan, nghỉ dưỡng không thể bỏ qua của du khách khi đến với quần thể này.

Sau chuyến khảo sát cả hai khu vực trong quần thể trên, đồng chí Nguyễn Đức Chính, chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: Hang động Prai và Thác nước Tà Puông rất có tiềm năng để phát triển du lịch thiên nhiên hoang dã nhưng với thời điểm hiện tại thì chưa thể đưa vào khai thác ngay được mà phải có quá trình cụ thể, có khoa học, tránh tình trạng khai thác vội dẫn đến danh thắng nhanh hư hỏng, xuống cấp. Đồng chí chủ tịch tỉnh cũng giao nhiệm vụ chính cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, xây dựng đề án để khai thác quần thể trên có hiệu quả thiết thực. Sau khi hoàn thành hồ sơ sẽ trình lên tổ chức hang động thế giới để phối hợp công tác nghiên cứu, đánh giá cụ thể, làm đề tài khoa học xác định niên đại của quần thể trên rồi mới đi đến việc khai thác, đầu tư đưa vào sử dụng.

Được biết, hiện nay đã có một số doanh nghiệp Du lịch trong tỉnh gửi hồ sơ xin đấu thầu để khai thác tiềm năng những vị trí trên nhưng phải chờ các bước kết luận của nhiều cấp, nhiều ngành của tỉnh, của trung ương và tổ chức thế giới mới được thực hiện. UBND Tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đồn Biên phòng Cù Bai, huyện Hướng Hóa và xã Hướng Lập phối hợp chặt chẻ làm tốt công tác bảo vệ quần thể thắng cảnh trên trong lúc chờ làm các thủ tục cần thiết.

Tác giả bài viết: Hồ Thanh Thoan

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây