Quảng Trị phê duyệt đề án định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030

Thứ tư - 15/03/2023 04:33
Ngày 16/3/2023, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Đề án định hướng thu hút đầu tư vào Quảng Trị giai đoạn 2023-2025; tầm nhìn đến 2030. Với đề án này, tỉnh Quảng Trị đề ra những giải pháp đảm bảo thu hút và quản lý vốn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2023-2025 của tỉnh Quảng Trị, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, khai thác các tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phục vụ cho quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh, tạo địa chỉ hấp dẫn, hiệu quả - là điểm đến của tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới.
 
Cầu treo dây văng – Kết nối đô thị đôi bờ sông Hiếu
 
      Qua đánh giá những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được trong giai đoạn 2016-2021, kết quả của các hoạt động tuyên truyền, quảng bá xúc tiến đầu tư, hiệu quả của các dự án mang lại, xác định những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân tác động đến hiệu quả của công tác thu hút đầu tư, đề ấn đã tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút đầu tư phục vụ đắc lực, hiệu quả hơn nữa cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trong giai đoạn 2016-2021, công tác đầu tư đã đạt được kết quả rõ rệt, thu hút được nhiều dự án đầu tư, trong đó, có nhiều dự án quy mô lớn, giải quyết nhiều việc làm mới cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách, góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ số PCI của tỉnh tăng điểm qua từng năm (từ 57,62 điểm năm 2016 lên 63,33 điểm năm 2021); chỉ số PAPI và chỉ số cải cách hành chính luôn thuộc nhóm đầu của cả nước.
      Với lợi thế là tỉnh có vị trí chiến lược, nằm ở trung điểm đất nước trên các trục giao thông huyết mạch đường bộ, đường sắt và đường biển của quốc gia,  là điểm đầu trên tuyến đường chính của hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Myanmar qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, có tiềm năng lớn về nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, trồng rừng và các sản phẩm gỗ từ rừng trồng, có tiềm năng rất lớn về du lịch dịch vụ với hệ thống đồ sộ di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, vùng đất con người…, cùng với đó là nền tảng giáo dục lâu đời, chất lượng lao động được đào tạo khá vững, lực lượng nhiều, giá nhân công không cao… đây là điều kiện rất thuận lợi để Quảng Trị mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Tỉnh hình phát triển kinh tế thế giới, đất nước cũng như trong tỉnh đã tạo ra những cơ hội rất lớn cho tỉnh Quảng Trị. Với việc Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới: tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), Hình thành cộng đồng kinh tế Asean (AEC) mở cửa cho Quảng Trị những cơ hội cho đầu tư phát triển các ngành nghề Dệt may và nguyên phụ liệu ngành may, xuất khẩu thủy sản, nông sản, hợp tác xuyên biên giới, thu hút FDI, tiếp cận dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, dịch vụ môi trường, xuất khẩu lao động, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ… Các hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ, các hoạt động sản xuất có tính liên kết sẽ được hình thành theo lợi thế của mỗi quốc gia, thuận lợi trong đào tạo, trao đổi nhân lực theo tiêu chuẩn chung của Asean, có nhiều cơ hội đưa lao động ra các nước trong khu vực, tham gia liên kết các hoạt động du lịch… Bên cạnh Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được thành lập sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, điện năng, phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, cảng biển lớn của vùng Trung Bộ, tạo thế và lực cho sự phát triển lâu dài của tỉnh, Quảng Trị còn có Khu Kinh tế Thương mai đặc biệt Lao Bảo, Khu Kinh tế Cửa khẩu La Lay và 4 Khu công nghiệp: Nam Đông Hà, Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá và Khu công nghiệp Quảng Trị, đây là lợi thế quan trọng tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư lớn và tiềm năng. Đồng thời với việc Quảng Trị được bổ sung vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được lựa chọn là Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021-2025,  tạo cho Quảng Trị nằm trong hai chiến lược phát triển của khu vực: hành lang kinh tế Đông Tây và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg ngày 20/12/2021, là một động lực lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời, trong nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông, mạng lưới điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông… của tỉnh không ngừng được đầu tư, mở rộng. Những lợi thế trên đang tạo cho Quảng Trị một nền tảng rất cơ bản để có thể tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế trong nước và tăng cường liên kết, hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
      Đề án Định hướng thu hút đầu tư vào Quảng Trị giai đoạn 2023-2025; tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu tăng cường năng lực thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành khá của cả nước; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thuộc top 20 của cả nước, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII; Tập trung thu hút các dự án đầu tư khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trên 03 trụ cột chính: công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ - du lịch.
     Về đầu tư hạ tầng: Đầu tư xây dựng và phát triển trục kết nối các trọng điểm kinh tế; hình thành Hành lang đường bộ từ cửa khẩu quốc tế La Lay về Mỹ Thủy kết nối với Lào - Thái Lan; Các dự án hạ tầng giao thông (Dự án Quốc lộ 15D, cảng biển Mỹ Thủy; cảng Cửa Việt bờ Nam…); nghiên cứu đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo hình thức PPP; Các dự án đầu tư hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý rác thải, nước thải; Các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Đầu tư phát triển hạ tầng hạ tầng đô thị hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển thị trường bất động sản phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh; Nâng cấp các công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu chủ động; các công trình đê, kè phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; các khu neo đậu tránh trú bão, dịch vụ hậu cần nghề cá; Xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ; đầu tư xây dựng một số chợ đầu mối, chợ nông sản, thủy hải sản ... Đầu tư đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu du lịch, điểm du lịch, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

     Về công nghiệp, tập trung đầu tư, đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. Khuyến khích các dự án công nghiệp mới, công nghệ và thiết bị hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và xử lý môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là trong các lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu mới, vật liệu chất lượng cao… Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Nâng cao năng lực ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến; tiếp cận và làm chủ công nghệ - kỹ thuật thiết bị hiện đại, tiên tiến, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước, nhất là đối với các công trình có trình độ kỹ thuật cao trong lĩnh vực xây dựng.
 
Điện mặt trời tại Gio Linh
 
      Về nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, gạo hữu cơ, cây công nghiệp ngắn và dài ngày, cây ăn quả đặc sản, cây dược liệu, … Các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung quy mô lớn, chất lượng cao, theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, quy mô trang trại, gia trại tập trung gắn với thị trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; phát triển rừng, tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản; phát triển thuỷ sản thành ngành kinh tế mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa và ổn định vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến;
 
Tràm Trà Lộc, Hải Lăng – Khu du lịch sinh thái
 
     Về Thương mại, dịch vụ và du lịch, Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; liên kết, hợp tác tìm kiếm thị trường để tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm chủ lực. Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối cung cầu, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Triển khai đầu tư các tổng kho xăng dầu trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch. Thu hút đầu tư, phát triển mạnh dịch vụ vận tải, mạng lưới kho tàng, bến bãi, dịch vụ logistic; phát triển  dịch vụ vận và kết nối đa phương thức trong vận tải nội địa để phát huy lợi thế là cửa ngõ ra biển trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển Khu đô thị Kinh tế - Thương mại - Dịch vụ - Logistics xuyên biên giới Lao Bảo - Đen-sa-vẳn. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu du lịch, điểm du lịch, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, phát triển du lịch cộng đồng.
 
Thác Tà Puồng – Điểm thu hút đầu tư phát triển du lịch
 
      Đề án cũng xác định định hướng về lựa chọn đối tác thu hút, về hiệu quả, tác động kinh tế xã hội, môi trường của dự án đầu tư và định hướng theo địa bàn, nhằm phát huy hiệu quả  cao nhất trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Để đảm bảo thu hút và quản lý vốn đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển - xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh Quảng Trị, đề án cũng xác định bảy nhóm giải pháp thực hiện, đó là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị vào cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; Nhóm giải pháp về quy hoạch, cơ chế, chính sách; Nhóm giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; Nhóm giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng; Nhóm giải pháp về hỗ trợ nhà đầu tư; Nhóm giải pháp tăng khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh; Và nhóm giải pháp về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư.
    Để đảm bảo việc tổ chức thực hiện thành công đề án, UBND tỉnh phân công các ở ban ngành, địa phương trong tỉnh, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thu hút đầu tư, sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản để thực hiện nội dung đề án theo quy định.
      Đề án cũng đã phê duyệt danh mục ưu tiên thu hút đầu tư vào Quảng Trị gồm có 80 dự án, trong đó lĩnh vực công nghiệp điện-năng lượng có 4 dự án, sản xuất - chế biến nông nghiệp có 14 dự án, sản xuất chế biến công nghiệp 14 dự án; cơ sở hạ tầng 22 dự án và dịch vụ giáo dục - y tế - du lịch có 30 dự án.
     Tổng kinh phí dự kiến thực hiện giai đoạn 2023-2025 được cân đối, bố trí từ nguồn ngân sách địa phương là 15 tỷ đồng thông qua kinh phí xúc tiến đầu tư hàng năm và các hoạt động đột xuất bố trí cho các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, một số hoạt động xúc tiến đầu tư có quy mô lớn cấp quốc gia như tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Trị, các hoạt động bổ sung... sẽ được UBND tỉnh cân đối bố trí kinh phí từ các nguồn: ngân sách địa phương; nguồn vận động tài trợ và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

Tác giả bài viết: Lê Minh Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây