Cổng thông tin Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị

https://ipa.quangtri.gov.vn


Nâng cao hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thúc đẩy xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp ở Hướng Hóa

Hướng Hóa có điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển ngành nông nghiệp. Dựa vào điều kiện từng vùng miền, địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao. Nhờ thế, Hướng Hóa có nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng. Nhằm khai thác tiềm năng lợi thế về ngành nông nghiệp, không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương, trong gần 3 năm qua, huyện Hướng Hóa đã tập trung chỉ đạo xây dựng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đem lại kết quả đáng phấn khởi, từng bước nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và tạo đà cho ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển bền vững.
 
Các sản phẩm Măng rừng đạt tiêu chuẩn OCOP năm 2021 (Ảnh: Thanh Huyền)

Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh (địa chỉ thôn Trằm, xã Hướng Tân) là đơn vị chuyên chế biến các loại nông sản đặc trưng như cà phê, tinh bột nghệ, sim rừng, măng rừng, trong đó cà phê đóng vai trò chủ đạo. Tham gia vào chương trình OCOP của huyện Hướng Hóa từ năm 2019, Hợp tác xã đã được tư vấn, hỗ trợ các điều kiện cần thiết để xây dựng thương hiệu. Đến năm 2020, sản phẩm cà phê rang của đơn vị này, bao gồm: sản phẩm dạng bột, sản phẩm dạng phin giấy và sản phẩm dạng nguyên hạt đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Năm 2021, sản phẩm “Khe Sanh coffee” của đơn vị cũng đã đạt tiêu chuẩn 4 sao. Chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh cho biết: “Được tham gia chương trình OCOP cấp huyện và cấp tỉnh, chúng tôi đã có nhiều thuận lợi trong việc nâng cao chất lượng để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Nhờ đó mà sản phẩm của chúng tôi đã tiếp cận được với các sàn giao dịch thương mại điện tử, thị trường trong và ngoại tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đăng ký để tham gia cho các sản phẩm đặc trưng khác, như tinh bột nghệ, sim rừng, măng rừng, mật ong rừng…”

Huyện Hướng Hóa triển khai Chương trình OCOP từ năm 2019. Để chương trình thực sự có chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, hàng năm huyện đều ban hành kế hoạch thực hiện chương trình, đề ra mục tiêu và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương chủ động tham mưu, triển khai thực hiện. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, đơn vị và nhân dân hiểu rõ mục đích của Chương trình OCOP, quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia chương trình này. Sau khi khảo sát, kiểm tra thực tế tại các địa phương, các đơn vị chuyên môn sẽ đưa ra định hướng cụ thể cho các sản phẩm đặc trưng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện trực tiếp hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; kết nối với các đơn vị cấp tỉnh hỗ trợ tập huấn kiến thức và kỹ năng tham gia chương trình; hỗ trợ in tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; thiết kế bao bì, hỗ trợ máy móc, thiết bị để hoàn thiện các sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Nhờ triển khai thực hiện bằng các giải pháp tích cực, sát thực tế, qua 03 năm thực hiện, có gần 30 ý tưởng sản phẩm của các chủ thể đăng ký tham gia chương trình, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp. Huyện Hướng Hóa đã lựa chọn 15 sản phẩm trên nền tảng các ý tưởng đó để hoàn thiện hồ sơ gửi tham gia đánh giá phân hạng cấp tỉnh. Đến nay đã có 9 sản phẩm đạt hạng 3 sao cấp tỉnh; 6 sản phẩm đã đạt cấp huyện, hiện đang trình hồ sơ xét 3 sao cấp tỉnh, 01 sản phẩm xét nâng hạng 4 sao.

Nhờ tích cực triển khai ngay từ bước tuyên truyền vận động đến tư vấn, hỗ trợ và quảng bá, các sản phẩm OCOP của huyện Hướng Hóa ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Một số sản phẩm măng rừng và cà phê đã được vào các chuỗi siêu thị, như siêu thị Co.opmart. Các sản phẩm từ nhãn hiệu cà phê Khe Sanh ngày càng khẳng định được thương hiêu, đặc biệt là bước đầu đã tìm được một số đơn hàng nước ngoài, tiêu biểu như Pun coffee đã sang thị trường Mỹ. Do đó, mặc dù trong năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng doanh thu của các sản phẩm OCOP không bị ảnh hưởng nhiều, các chủ thể có sản phẩm được công nhận vẫn sản xuất và tiêu thụ được sản phẩm. Kết quả này đã tạo động lực cho bà con nông dân, các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, dần xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường và tìm hiểu để đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

 
Trưng bày, giới thiệu cà phê Khe Sanh (Ảnh: Thanh Huyền)

Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hướng Hóa cho biết cụ thể: “Xác định mục tiêu tổng quát của Chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, định hướng của huyện Hướng Hóa đến năm 2030 đó là tiếp tục nâng cao chất lượng của các sản phẩm phẩm có tiềm năng, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của địa phương như: cây ăn quả, sản phẩm truyền thống thủ công mỹ nghệ, thực phẩm đặc trưng địa phương. Phấn đấu mỗi năm có thêm 03 sản phẩm mới được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nâng cấp được 03 sản phẩm thành 04 sao, phát triển được 02 ý tưởng sản phẩm du lịch cộng đồng. Trong đó, tập trung phát triển sản phẩm cà phê đạt 4 sao, 5 sao gắn với vùng trồng cà phê đặc sản cũng như xây dựng được thương hiệu cà phê Khe Sanh.”

Tác giả bài viết: Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây