"Việt Nam là đối tác kinh doanh tin cậy của thế giới"

Thứ hai - 21/10/2019 18:25
Đó là khẳng định của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam VBS 2019.
"Việt Nam là đối tác kinh doanh tin cậy của thế giới"
Hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì và tổ chức. Sự kiện được đánh giá là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam và được tổ chức liền kề với Hội nghị Thượng đỉnh châu Á lần thứ 10 (ABS 10) diễn ra vào ngày mai (17/10), tại Hà Nội.

Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tại Hội nghị quan trọng này.
 

Giữa Thế kỷ 20, Việt Nam đã từng được thế giới biết đến như là một cuộc chiến tranh. Cuối thế kỷ 20, cố Thứ trưởng ngoại giao Lê Mai, một nhà ngoại giao nổi tiếng của Việt Nam, và cũng là kiến trúc sư của tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ, đã nói một câu đi vào lịch sử: Việt Nam là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh. Và bây giờ, chúng ta nói với toàn nhân loại: Việt Nam không chỉ là một đất nước mà Việt Nam còn là đối tác kinh doanh tin cậy của cả thế giới – “Việt Nam – We mean business”. Đó chính là cảm hứng và sự thôi thúc để VCCI chọn “Việt Nam – We mean business” là tên gọi cho chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại đầu tư lớn nhất được tổ chức: Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – VBS (Viet Nam Business Summit) ở Việt Nam hàng năm. Và Hội nghị này đã được cổ vũ và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Việt Nam.

Năm 2017, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam cùng với Hội nghị thưởng định kinh doanh APEC được tổ chức bên lề hội nghị cấp cao APEC trong tuần lễ cấp cao tại Đà Nẵng, Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều nhà lãnh đạo cấp cao cùng trên 2.000 CEO từ 21 nền kinh tế APEC và thế giới đã tham dự, phát biểu và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2018, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam được tổ chức bên lề diễn đàn kinh thế thế giới về ASEAN tại Hà Nội; và năm nay, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam lại được tổ chức bên cạnh Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp châu Á (ABS) do VCCI lần đầu tiên phối hợp với Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (KEIDANREN) tổ chức tại Việt Nam.

Thay mặt cho ban tổ chức, tôi xin được chúc mừng và chân thành cảm ơn hơn 800 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Châu Á và thế giới, các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí đã về dự.

Thưa các Quý vị,

Năm nay, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam diễn ra với chủ đề: “Việt Nam – Đối tác tin cậy trong kỷ nguyên số”. Đó là sự lựa chọn có chủ đích của chúng tôi cho một hội nghị phân tích sâu về các cơ hội kinh doanh với Việt Nam trong một tầm nhìn số hóa nền kinh tế Việt Nam. Đó là một không gian kinh doanh sẽ bùng nổ trong tương lai.

Việt Nam đang trong dòng chảy của nền kinh tế toàn cầu.

Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới, mở cửa đang diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam đang là quán quân về mở cửa thị trường trong các nước đang phát triển khi đang sở hữu tới 16 Hiệp định thương mại tự do kết nối với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó, có những Hiệp định thương mại đỉnh cao như CPTPP/ EVFTA… Việt Nam cũng là quán quân bứt phá trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, khi tăng 3,5 điểm và vượt 10 bậc về thứ hạng. Đó là những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam để trở thành điểm đến an lành và đối tác kinh doanh tin cậy của cả thế giới. Có hai sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng lớn đến định hướng phát triển của Việt Nam: Năm 2015 – kỳ họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới đã đề ra “chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030” – Agenda 2030 với 17 SDGs đã đóng đinh vào sự phát triển nền kinh tế toàn cầu những định hướng cơ bản nhất và hệ giá trị cơ bản nhất để cùng phát triển. Và chương trình nghị sự thứ hai cũng rất quan trọng chính là chương trình tại Hội nghị diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos 2016 với chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0”. Sau hai sự kiện này, “phát triển bền vững” và “công nghiệp 4.0” trở thành hai từ khóa quan trọng nhất trong các chiến lược và kế hoạch về phát triển của Việt Nam. Việt Nam có lẽ là quốc gia nói nhiều nhất về “cuộc cách mạng 4.0”.

Phát triển bền vững và 4.0 là 2 đường ray để đoàn tàu kinh tế Việt Nam tiến lên phía trước và là đôi cánh để nền kinh tế Việt Nam có thể bay lên. Các kế hoạch phát triển kinh tế và các tầm nhìn định hướng chiến lược phát triển doanh nghiệp đang đều được thiết kế theo 2 trục phát triển chính này.

Các Hiệp đinh thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới này cũng thấm đẫm tinh thần của phát triển bền vững và cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển bền vững và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng trong nhận thức và hành động của Việt Nam.

Chúng tôi hoanh nghênh KEIDANREN đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới B20. Tôi với tư cách là Chủ tịch VCCI được mời dự vào tháng 5 năm nay, với chủ đề không thể bao trùm hơn là xã hội 5.0 hướng tới các mục tiêu của phát triển bền vững để gắn kết những vấn đề lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu. Hướng tới sự phát triển bền vững bao trùm, lấy đổi mới sáng tạo và công nghệ số làm động lực, đặt con người ở vị trí trung tâm, lấy doanh nghiệp làm chủ thể dẫn dắt, coi thể chế minh bạch là điểm tựa, lấy đối tác công tư là cơ chế vận hành, lấy sự cộng sinh giữa FDI và doanh nghiệp nền tảng chính là những đặc trưng của hệ sinh thái phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu, và cũng là giấy thông hành để chúng ta có thể đến với tương lai. Với định hướng này thì Việt Nam đang đồng hành cùng nhân loại.

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hành động để phát triển phát triển công nghệ số và thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0.

Nói riêng về cuộc cách mạng 4.0 và cơ hội đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong kỷ nguyên số, tôi xin đề cập một vài số liệu:

Chúng ta đều biết Việt Nam là nền kinh tế có điểm xuất phát thấp nhưng có rất nhiều dư địa để thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0. Với gần 98 triệu dân (sẽ vượt ngưỡng 100 triệu dân trong thời gian tới) trong đó có hơn 64 triệu người đang sử dụng internet, cao hơn mức trung bình của thế giới. Chỉ số đổi mới năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 12 bậc nên vị trí số 47 trong kinh tế toàn cầu theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Chỉ số Chính phủ điện tử tăng lên 10 bậc. Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế giới (mới công bố tuần trước) thì Việt Nam đã tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu và đóng góp vào sự thăng hạng đó có sự đóng góp rất quan trọng của chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin đã tăng 54 bậc trong năm 2019.

Theo kế hoạch, năm 2020 Việt Nam bắt đầu triển khai công nghệ 5G. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển công nghệ 4.0. Nhiều công ty công nghệ lớn của Việt Nam như Viettel, FPT, VNPT… đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ cho nền kinh tế số, không chỉ trong nước mà cả trên phạm vi quốc tế. Chưa bao giờ các kế hoạch xây dựng thành phố thông minh lại phát triển rầm rộ như hiện nay. Tuần trước một dự án xây dựng thành phố thông minh tại Hà Nội trị giá hơn 4 tỷ USD được khởi công. Nhiều thành phố thông minh khác cũng đang được triển khai. Thành phố thông minh đang là trung tâm lan tỏa của cách mạng 4.0.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến theo tinh thần của 4.0, trên nền tảng của 4.0 trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… Các công cụ điện toán đám mây, trí tuệ nhận tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, robot tự động hoá… cũng đã bước đầu thâm nhập vào một số lĩnh vực như ô tô máy tính và điện tử …

Doanh nghiệp Việt cũng đã sáng tạo ra những trí tuệ nhân tạo AI “Created in Việt Nam” đầu tiên như “Hệ thống săn dữ liệu mạng xã hội” của Lê Công Thành và các công sự thuộc Topica AI Labs. Mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo được hình thành với 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng chúng ta cần hơn thế rất nhiều: Chúng ta cần hàng vạn, hàng chục vạn các công ty khởi nghiệp; Chúng ta đang rất cần những sản phẩm “sáng tạo tại Việt Nam” (Created in Việt Nam) chứ không chỉ Made in Việt Nam hay Make in Việt Nam.

Cần lưu ý rằng, khởi nghiệp là yêu cầu của tất cả các doanh nghiệp chứ không phải của chỉ riêng các doanh nghiệp mới thành lập. Khởi nghiệp là việc thường xuyên của cả những doanh nghiệp dù đã tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trên thị trường. Khởi nghiệp không chỉ là việc của những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa mà còn là công việc hàng ngày của cả những người khổng lồ trong nền kinh tế. Khởi nghiệp là một công việc không có điểm dừng – tinh thần khởi nghiệp là mãi mãi – “khởi nghiệp, khởi nghiệp nữa, khởi nghiệp mãi” phải là tâm thế của tất cả chúng ta.

Các công nghệ mới của cuộc các mạng công nghệ 4.0 đã tác động tích cực đã và đang phát huy trong phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Theo ước tính, cách mạng công nghệ 4.0 có thể giúp giúp Việt Nam tăng  thêm từ 28,5 tỷ USD đến 62,1 tỷ USD, tương đương với mức tăng từ 7% đến 16% GDP vào năm 2030 (Theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương). Thực sự đây là một xu hướng bùng nổ tiềm năng tăng trưởng và bùng nổ cơ hội hợp tác, chúng tôi muốn có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp thế giới trong việc thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam.

Chúng ta đều biết trong nền kinh tế số thì lợi thế về lao động giá rẻ, lao động thủ công trong ngành dệt may, lắp ráp, nông nghiệp truyền thống sẽ chịu tác động lớn nhất bởi cuộc cách mạng này.

Nhu cầu đối với các công việc thủ công sẽ được thay thế bởi các công việc mới đòi hỏi kỹ năng mới, yêu cầu sáng tạo. Thị trường lao động Việt Nam sẽ chuyển dịch mạnh mẽ dưới tác động của cách mạng 4.0. Đây là những thách thức và cơ hội mới cho các nhà tuyển dụng, cho người lao động và các tổ chức giáo dục đào tạo của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chuyển đổi để đón đầu xu hướng công nghệ mới, nâng cao năng suất, năng cao năng lực cạnh tranh để có thể có thể cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong các lĩnh vực khác, ngay cả dịch vụ công và quản lý nhà nước, y tế, giáo dục… thì các công việc đơn giản, lặp đi lặp lại sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo (AI) bởi robot, các dây truyền tự động. Người lao động chỉ có thể tham gia vào sự nghiệp phát triển bằng sự sáng tạo. Cho nên sáng tạo là yêu cầu cao nhất đối với chất lượng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên mới. Các hoạt động thiếu sáng tạo đều có thể thay thế. Đây là một thách thức vô cùng lớn đòi hỏi hệ thống đào tạo giáo dục phải chuyển mình. Sự chuyển mình của hệ thống giáo dục đào tạo sẽ định hình tương lai của nền kinh tế. Chỉ làm theo những kỹ năng đã có, những kiến thức đã có chúng ta sẽ không thể thành công.

Chưa bao giờ việc chuẩn bị năng lực sáng tạo cho con người lại quan trọng như bây giờ. Kỹ năng không chỉ là kiến thức có sẵn mà còn là khả năng sáng tạo những mô hình kinh doanh và công nghệ mới. Năng lực cảm xúc, tính nhân văn cũng là nội dung quan trọng trong đào tạo nguồn lao động. Thời gian tới chúng ta không chỉ quan tâm đến IQ (Chỉ số thông minh) hay EQ (Chỉ số cảm xúc) mà chúng ta còn phải quan tâm tới LQ (chỉ số tình yêu theo nghĩa rộng nhất của từ này). Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây có xu hướng biến con người thành máy móc còn cuộc cách mạng 4.0 có thể biến máy móc thành con người. Con người phải có năng lực tương tác trong một bối cảnh như vậy. Đấy chính là yêu cầu của đào tạo, giáo dục trong thời gian tới. Và trong hệ thống giáo dục trước đây chúng ta chỉ nói tới hệ kiến thức STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Và bây giờ là STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học) vào trong giáo dục và đào tạo và hệ kiến thức này sẽ cần mở rộng không ngừng.

Trong cuộc cách mạng mới, thì doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt, con người ở vị trí trung tâm. Chính vì vậy, hệ thống đào tạo không thể phát triển nếu không có vai trò của doanh nghiệp. Doanh nghiêp phải là người định hướng cho nền giáo dục, giáo dục phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Chúng ta định hướng giáo dục theo nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp là nhà đầu tư vào giáo dục, đào tạo. Các doanh nhân, kỹ sư phải trở thành giảng viên. Phải gắn học với hành, gắn xưởng với trường.

Các FDI phải gắn kết với các doanh nghiệp nội địa Việt Nam, gắn bó với các cơ sở đào tạo và các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam hình thành hệ sinh thái cộng sinh để cùng phát triển. Hiện nay, các khu vực FDI phần lớn là đang khép kín trong các chuỗi giá trị của mình và không lan toả được tới các doanh nghiệp nội địa và điều đó sẽ không đảm bảo sự phát triển bền vững của các FDI và nền kinh tế Việt Nam. Cho nên, chúng tôi rất mong, sẽ có một sự cộng sinh, cộng hưởng và lan toả giữa FDI với các doanh nghiệp nội địa, với các cơ sở nghiên cứu khoa học, với các trường đào tạo và dạy nghề của Việt Nam. Chỉ bằng sự cộng sinh đó, các FDI mới phát triển bền vững, sâu rễ bền gốc trong nền kinh tế Việt Nam.

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, trong kỷ nguyên số, trong nền kinh tế sáng tạo, nhân văn, theo định hướng phát triển bền vững thì thương trường không còn chiến trường, mà thương trường là không gian của sự hợp tác các bên cùng có lợi, không phải là hơn thua mà tất cả cùng thắng win - win – win … (các bên cùng thắng). Chuỗi giá trị win – win – win… lan toả và đó chính là con đường phát triển bền vững của chúng ta. Nhiều thế kỷ và thập kỷ trước đây, chúng ta phát triển các nền kinh tế dựa trên trên các nguồn lực tự nhiên là hữu hạn thì thành công của người này có thể dẫn tới thất bại của người khác. Còn nay tài nguyên là trí tuệ sáng tạo và vô tận. Chính vì vậy sự chia sẻ, sự hợp tác cùng có lợi sẽ là kịch bản tương tác mới giữa các nền kinh tế.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

 

Theo Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây