Tại sao đầu tư vào Quảng Trị?

Thứ ba - 09/07/2019 22:43
1. Vị trí chiến lược trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây
z1470981731028 3efc3e20745bd31b5af47a4e6f02a048
Bản đồ tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây

Quảng Trị - Điểm đầu trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC)
EWEC dài 1.450 km đi qua 13 tỉnh thuộc bốn nước Myanma, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Quảng Trị là điểm đầu trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây  về phía Đông của Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.
EWEC là một trong năm hành lang kinh tế được phát triển theo sáng kiến của các nước ASEAN được tài trợ bởi ADB và Chính phủ của Nhật nhằm liên kết Khu vực Tiểu vùng  MêKông (GMS) với các vùng kinh tế ở lưu vực sông Hằng (Ấn Độ), rút ngắn khoảng cách và giảm thiểu chi phí, tăng cường kết nối, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Với vị trí của một tỉnh điểm đầu trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây về phía Đông của Việt Nam, đây là một lợi thế quan trọng tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Trị sớm trở thành một trong những trung tâm giao lưu, hợp tác phát triển với các địa phương trong nước và với các nước trong tiểu vùng sông Mêkông mở rộng; là một trong những cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các nước và vùng lãnh thổ trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.

2. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ đầu tư phát triển
2.1. Hạ tầng giao thông vận tải
- Hệ thống đường giao thông trên toàn tỉnh không ngừng được mở rộng và xây mới, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông và phát triển kinh tế xã hội mà còn tạo cảnh quan, làm thay đổi cơ bản diện mạo của tỉnh.
- Đường cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) – La Sơn (Thừa Thiên Huế) với chiều dài 98 km và rộng 23m đang được xây dựng nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế trong khu vực. Dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
2.2. Cảng biển
- Cảng Cửa Việt đáp ứng được dịch vụ vận tải cho tàu có tổng trọng tải đến 5.000 DWT. 
- Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy trong Khu kinh tế Đông Nam (cửa ngõ gần nhất ra biển Đông của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây) có quy mô thiết kế rộng 685ha, gồm 10 bến cảng phát triển theo 3 giai đoạn; giai đoạn 1 (2018 - 2025) đầu tư 4 bến, với nguồn vốn gần 5.000 tỷ, giai đoạn 2 (2026 – 2031) đầu tư 3 bến; giai đoạn 3 (2032 - 2036) đầu tư 3 bến. Tổng vốn đầu tư dự án là 14.234 tỷ đồng, hiện đang được Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy triển khai xây dựng. 
2.3. Sân bay Quảng Trị
Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ–TTg là một trong 28 cảng hàng không nội địa đưa vào khai thác giai đoạn từ năm 2020 - 2030 với quy mô hàng không dân dụng cấp 4C, diện tích sử dụng đất 312ha, được xây dựng tại xã Gio Quang, huyện Gio Linh, cách thành phố Đông Hà khoảng 7 km.Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang thẩm định thiết kế quy hoạch chi tiết.
2.4. Hạ tầng kỹ thuật - xã hội
- Hệ thống Bưu chính Viễn thông phát triển, các loại hình dịch vụ đa dạng, phong phú và có chất lượng cao, mạng lưới viên thông 3G, 4G, cáp quang phủ sóng toàn tỉnh. Quảng Trị đang triển khai xây dựng hệ thống kết nối không dây (wifi) công cộng tại các khu trung tâm và các điểm du lịch trên toàn tỉnh.
- Hệ thống cấp điện: Nguồn điện dùng cho sinh hoạt và sản xuất được đảm bảo cung cấp từ lưới điện quốc gia thông qua đường dây 500 kV Bắc – Nam; hệ thống điện lưới quốc gia 220kV và 110kV đồng bộ.
- Hệ thống cấp nước sinh hoạt công suất 55.000m3/ngày đêm. Ngoài ra, hiện đã có nhà đầu tư đang triển khai đầu tư dự án “Hệ thống cấp nước Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị” với công suất 50.000m3/ngày đêm nước sạch và 50.000m3/ngày đêm nước thô đáp ứng đầy đủ nhu cầu dùng nước sinh hoạt, hành chính – công cộng, sản xuất, dịch vụ của Khu Kinh tế Đông Nam.
- Về y tế: Toàn tỉnh có có 63 cơ sở y tế với 2.025 giường bệnh, nhân lực toàn ngành y có 2.564 người, trong đó: Bác sĩ là 575 người, y sĩ là 267 người, y tá có 718 người, nữ hộ sinh có 400 người.
2.5. Các dịch vụ hỗ trợ đầu tư
Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm ngày càng phát triển mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Hiện tỉnh Quảng Trị có 17 chi nhánh ngân hàng đáp ứng nhu cầu giao dịch trong và ngoài nước của khách hàng.
3. Nguồn tài nguyên dồi dào
3.1. Đất đai, rừng và sản phẩm nông nghiệp
Tổng diện tích đất tự nhiên là 473.744 ha; trong đó: Đất nông nghiệp: 388.352 ha ( Trong đó đất lâm nghiệp có rừng: 263.450 ha, gồm: rừng sản xuất 120.166 ha; rừng phòng hộ 80.843 ha; rừng đặc dụng 62.441 ha); đất phi nông nghiệp: 41.306 ha và đất chưa sử dụng: 44.085 ha.
Sản phẩm chủ yếu Năm 2018
Diện tích (ha) Sản lượng (tấn)
Cây lúa 50.708,3 275.498,7
Cây cà phê 4.905,3 5.540,2
Cây cao su 19.284,8 15.282,2
Hồ Tiêu 2.505,1 1.482,9
Cây chuối 4.370,0 63.845,5
Sản lượng gỗ khai thác   823.107m3

3.2. Tài nguyên biển
Quảng Trị có đường bờ biển dài 75 km, 02 cửa biển (Cửa Việt, Cửa Tùng); ngư trường rộng 8.400 km2, nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, mực nang, cua, hải sâm, tảo và một số loài cá, san hô quý hiếm, với trữ lượng hải sản khoảng 60.000 tấn; trên 3.412,37 ha mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy, hải sản. Với tiềm năng tài nguyên biển, đảo đa dạng, cho phép Quảng Trị phát huy thế mạnh của biển để phát triển kinh tế tổng hợp biển.
3.3. Tài nguyên Khoáng sản, Khí đốt
- Quảng Trị có nhiều loại khoáng sản, đặc biệt một số khoáng sản có trữ lượng lớn và đạt chất lượng cao như: titan, đá vôi (trên 3 tỷ tấn), mỏ cát thạch anh trắng có trữ lượng trên 277 triệu tấn, đủ điều kiện để tỉnh phát triển công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng Calcium Silicate, với quy mô lớn.
- Khí đốt: Cách không xa bờ biển Quảng Trị có nguồn khí với trữ lượng từ 60 - 100 tỷ m3. Khu vực mỏ nằm gần đảo Cồn Cỏ, trong thời gian tới nguồn khí này được khai thác, Quảng Trị sẽ tạo ra khả năng cho phát triển công nghiệp chế biến từ nguyên liệu khí đốt và vật liệu công nghệ mới.
3.4. Tiềm năng du lịch
Quảng Trị nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử cách mạng như: Thành Cổ Quảng Trị, Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Đường 9-Khe Sanh; đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, Địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn, Hàng rào điện tử Mc.Namara, Nhà đày Lao Bảo, đảo Cồn Cỏ anh hùng …cùng với các Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, đã tạo nên tính đặc thù, độc đáo và hấp dẫn của hệ thống di tích chiến tranh cách mạng của Quảng Trị.
Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có nhiều danh lam thắng cảnh như Trằm Trà Lộc, rừng nguyên sinh Rú Lịnh, động Brai, giếng cổ Gio An…, nhiều bãi biển đẹp như Cửa Tùng, Cửa Việt, Vĩnh Thái mang vẻ đẹp rất riêng với cát trắng tinh khôi, bằng phẳng, mịn màng, làn nước trong xanh, ít nơi nào có được. 
Quảng Trị còn có nhiều di tích văn hóa tâm linh đặc sắc, các lễ hội dân gian, lễ hội cách mạng tiêu biểu. Tổ đình Sắc tứ - một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung và Trung tâm hành hương đức mẹ La Vang, hàng năm thu hút gần triệu tín đồ và du khách thập phương về hành lễ.
Với Tiềm năng du lịch phong phú, Quảng Trị trở thành cầu nối cho các tour du lịch nổi tiếng: “Con đường di sản miền Trung”; “Con đường huyền thoại”; “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”. Đến với Quảng Trị, du khách sẽ cảm nhận được những nét đặc sắc rất riêng của mảnh đất và con người Quảng Trị.
4. Nguồn lực lao động dồi dào và chi phí cạnh tranh
- Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 348.750 người trên tổng dân số (630.545 người); trong đó: Nam 177.180 người, chiếm 50,80%; nữ 171.570 người, chiếm 49,20%. Lực lượng lao động khu vực thành thị 97.415 người, chiếm 27,93%; khu vực nông thôn 251.335 người, chiếm 72,07%.
Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế có 338.880 người, chiếm 97,17% lực lượng lao động của tỉnh; trong đó: đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 149.362 người, chiếm 44,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng 62.250 người, chiếm 18,37%; khu vực dịch vụ 127.268 người, chiếm 37,55%. 
Trong năm 2018, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề được 12.188 người (Cao đẳng 601 người, Trung cấp 819 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 10.766 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54,43%, qua đào tạo nghề đạt 39,36%, qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt trên 29,1%; có 11.318 lượt lao động được tạo việc làm mới (6.200 lao động làm việc trong tỉnh, 3.300 lao động làm việc ngoài tỉnh và 1.818 lao động xuất khẩu).
Tỉnh hiện đang chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm: thực hiện chính sách sử dụng, đãi ngộ và thu hút chuyên gia trình độ cao và lao động lành nghề; nâng cấp các trường dạy nghề của tỉnh, có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trong đào tạo công nhân, nhất là lực lượng lao động hiện có của tỉnh để giải quyết việc làm và giảm chi phí cho nhà đầu tư. 
- Chi phí lao động ở tỉnh Quảng Trị  thấp hơn so với một số tỉnh, thành phố khác trong khu vực.
- Hệ thống trường học: Quảng Trị có 01 phân hiệu Đại học thuộc Đại học Huế, 02 trường Cao đẳng, 04 trường Trung cấp nghề và một số trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Trường Hội nhập Quốc tế ISchool Quảng Trị cũng đã được xây dựng và đi vào hoạt động, đây sẽ là nơi tiếp nhận tinh hoa từ phương pháp giáo dục tiệm cận quốc tế của Hệ thống ISchool.
5. Môi trường đầu tư thông thoáng
- Môi trường đầu tư, kinh doanh và cơ chế chính sách của tỉnh Quảng Trị những năm gần đây không ngừng được cải thiện nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư;
- Đã thành lập Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn theo cơ chế một cửa liên thông (OSS). Áp dụng Chính phủ điện tử (e-Government) trong đăng ký kinh doanh, hải quan, thuế;  
- Các thủ tục liên quan đến việc thiết lập, triển khai và mở rộng dự án đầu tư, liên lạc với các sở, ban, ngành liên quan về vấn đề đất đai và cơ sở vật chất cần thiết để thực hiện dự án đầu tư được thực hiện thông qua Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và du lịch tỉnh Quảng Trị (IPA Quảng Trị), giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian và chi phí; 
- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản hoàn thiện và được cung cấp đến chân tường rào dự án;
- Đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và các doanh nghiệp, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư.
6. Đời sống tại Quảng Trị
- Con người Quảng Trị có tính sáng tạo, luôn cần cù, chịu khó trong lao động, bình dị, hiền hòa và mến khách.
- Hệ thống giao thông đường bộ thuận tiện, không xảy ra tắc đường; 
- Môi trường, khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp;
- Về nhà ở, luôn có nhà đất cho thuê để ở với giá cả phù hợp cho từng đối tượng, từng mục đích sử dụng khác nhau;
- Giá cả sinh hoạt thấp, một số thực phẩm của địa phương khá rẻ và có sẵn như: gạo, mỳ, miến và các loại rau củ…, các sản phẩm này có thể mua tại siêu thị, tại chợ  trung tâm của các huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh hoặc tại các chợ xép;
- Hệ thống các cửa hàng hóa đa dạng và phong phú các mặt hàng sản phẩm; hệ thống siêu thị đáp ứng tốt các yêu cầu của người tiêu dùng như: Siêu Thị Co.opMart Đông Hà; Sepon Mart, VinMart…
- Bệnh viện, các trung tâm, phòng khám chữa bệnh chuyên nghiệp và các hiệu thuốc đạt chuẩn phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người ngày càng phát triển.
- Trường học, trung tâm thương mại và nhiều dịch vụ vui chơi giải trí đạt chuẩn; Hệ thống trường Quốc tế ISchool cũng đã đầu tư xây dựng và đi hoạt động tại Quảng Trị.

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây