Di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ, Quảng Trị

Thứ năm - 05/08/2021 23:05
Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CMLTCHMNVN) nằm trong lòng thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ; cách thành phố Đông Hà khoảng 12 km về phía Tây. Di tích Trụ sở Chính phủ CMLTCHMNVN đã được Bộ VH – TT (nay là Bộ VH, TT & DL) xếp hạng cấp Quốc gia vào ngày 25/1/1991.
Ngày 6/6/1969, tại khu căn cứ địa cách mạng tỉnh Tây Ninh, Chính phủ CMLTCHMNVN được thành lập do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch; các Phó Chủ tịch là bác sỹ Phùng Văn Cung (kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Giáo sư Nguyễn Văn Kiết, cụ Nguyễn Đóa cùng 8 Bộ trưởng và 12 Thứ trưởng. Bên cạnh Chính phủ còn có Hội đồng cố vấn Chính phủ do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Phó Chủ tịch và 11 Ủy viên. Việc thành lập Chính phủ CMLTCHMNVN là kết quả đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng rất anh dũng của quân và dân miền Nam, đánh dấu bước thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Chính phủ CMLTCHMNVN ra đời là sách lược sáng suốt của cách mạng miền Nam, phát huy sức đại đoàn kết dân tộc, nâng cao vị thế chính trị của ta trên trường quốc tế.
 
sss
Nhà làm việc của Chính phủ CMLTCHMNVN (Ảnh: Nguyễn Duy Hùng)
 
Sau tháng 5 năm 1972, 2/3 tỉnh Quảng trị đã được giải phóng. Vùng đất này đã liên thông với khu căn cứ cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế và vùng giải phóng hạ Lào rộng lớn, đặc biệt tiếp giáp với miền Bắc XHCN. Vì vậy, Quảng Trị trở thành vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao... Đặc biệt, sau khi hiệp định Pari được ký kết (27/1/1973), để tạo ra bộ mặt mới về trung tâm đầu não của cách mạng miền Nam, thực hiện thuận lợi các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cách mạng tiến tới thắng lợi hoàn toàn, Chính phủ đã quyết định chọn vùng đất thuộc thôn Tây Hòa (nay thuộc thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng trị) làm nơi đặt trụ sở làm việc.

Với quyết tâm cao nhất để công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập Chính phủ CMLTCHMNVN: 6/6/1969- 6/6/1973. Đầu năm 1973, những chiếc tàu đầu tiên cập cảng Đông Hà mang theo vật liệu xây dựng như xi măng, khung sườn bằng sắt, tôn ván, từ miền Bắc vào. Chúng ta đã tập trung huy động một lực lượng cán bộ công nhân hơn 500 người của Công ty xây dựng số 8 tỉnh Nghệ An, do 2 Thứ trưởng Bộ Xây dựng trực tiếp đôn đốc, thi công liên tục suốt cả ngày lẫn đêm. Sau 25 ngày đêm, công trình đã hoàn tất và đưa vào sử dụng như dự kiến. Khu Trụ sở Chính phủ được xây dựng trên diện tích 17.300m2, được chia làm 2 khu độc lập: Khu A và Khu B. Khu A gồm 3 dãy nhà: Nhà làm việc của Chính phủ, nhà làm việc của Bộ Ngoại giao, nhà ăn dành riêng cho khu A. Khu B gồm 5 dãy nhà: Hai nhà khách làm nơi lưu trú của các Đại sứ, 3 dãy nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo Đại sứ các nước, phóng viên báo chí, các nhân viên cán bộ của Chính phủ.

Mặc dù thi công trong điều kiện hết sức gấp gáp về mặt thời gian, nhân lực cùng với những khó khăn về mặt hậu cần lúc bấy giờ, nhưng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dành cho Chính phủ CMLTCHMNVN những ưu tiên đặc biệt trong trang trí nội thất, tạo nên sự trang nghiêm, chu đáo của tất cả các dãy nhà. Trong khuôn viên trồng nhiều loại cây cảnh và cây tạo cảnh quan, có các hàng dừa là biểu tượng sức sống quật khởi của nhân dân miền Nam. Sau khi hoàn thành, ngày 6/6/1973 Chính phủ CMLTCHMNVN đã làm lễ ra mắt nhân dân trong buổi lễ mít tinh long trọng, trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên, báo chí, trong và ngoài nước.

Tại đây, từ năm 1973 đến năm 1975 Chính phủ CMLTCHMNVN đã có nhiều hoạt động trên trường quốc tế như đón tiếp các Đại sứ đến đặt quan hệ ngoại giao, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc; đã đón tiếp hơn 49 đoàn khách quốc tế, Đại sứ các nước đến Trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao. Chính phủ CMLT cũng cử nhiều đoàn cấp cao đi thăm các nước và tham gia phong trào tiến bộ trên thế giới; ra tuyên bố vạch trần âm mưu của Mỹ giúp chính quyền Sài Gòn vi phạm hiệp định Paris, gây tội ác với nhân dân; Chính phủ cử các đoàn đại biểu các đoàn thể đi dự các hội nghị quốc tế, vận động các nước tiếp tục ủng hộ nhân dân Việt Nam. Vào những ngày lễ, những ngày kỷ niệm thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12), hay ngày thành lập Chính phủ CMLTCHMNVN, Chính phủ tổ chức những buổi lễ lớn, long trọng và trang nghiêm có ấn tượng tốt về vùng giải phóng, về đất nước và con người Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ CMLTCHMNVN đã lãnh đạo nhân dân miền Nam tiếp tục đấu tranh tiến tới Tổng tấn công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, khi Chính phủ CMLT kết thúc vai trò lịch sử của mình thì toàn bộ khu trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý. Tháng 9/1985, do cơn bão số 8 tàn phá nên công trình khu trụ sở bị hủy hoại hoàn toàn. Với giá trị to lớn của di tích, vào đầu năm 2007, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiếu Quốc gia về văn hóa, đã đầu tư tôn tạo nhiều hạng mục quan trọng: Phục dựng Nhà Chính phủ, một nhà nghỉ của các Đại sứ, xây nền móng và đặt bia ghi dấu của các khu nhà Bộ Ngoại giao và một số dãy nhà còn lại; Xây dựng Nhà bia di tích, Nhà trưng bày bổ sung và các công trình phụ trợ khác. Tại di tích, công trình quan trọng nhất là Nhà làm việc của Chính phủ CMLTCHMNVN. Nhà làm việc Chính phủ được phục dựng theo nguyên gốc, nhưng để sử dụng và phát huy lâu dài, công trình được kiên cố hóa trên nguyên tắc bảo vệ yếu tố gốc của di tích về mặt kiến trúc và không gian lịch sử. Không gian nội thất ngôi nhà được phục dựng như trước đây.

Nhà Chính phủ được chia làm 3 phòng: Phòng chính giữa là phòng giao tế, nơi tổ chức các đại lễ ngoại giao, nơi Đại sứ các nước đến trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao với CPCMLTCHMNVN. Đặc biệt, tại đây ngày 6/6/1973, Chính phủ CMLT đã làm lễ ra mắt nhân dân trong buổi lễ mít tinh long trọng, trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên, báo chí, trong và ngoài nước. Đại biểu của 19 nước anh em bầu bạn khắp năm châu đã tới dự, làm lễ trình Quốc thư. Cũng tại nơi đây, vào cuối năm 1973 các đồng chí lãnh đạo của các nước anh em, trong đó có đồng chí Fidel Castro – Chủ tịch Đảng Cộng Sản Cu Ba, đồng chí Jorger Marsel – Bí thư Đảng Cộng Sản Pháp đã đến thăm và cổ vũ nhiệt tình cuộc đấu tranh gian khổ của nhân dân miền Nam. Phòng chính giữa bài trí hết sức đơn giản. Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam được gắn trên tường. Tất cả những chi tiết còn lại như bục gỗ, lọ hoa, các chậu cây, thảm hoa cùng với các loại thảm đỏ, thảm cói đều được bố trí gần như nguyên trạng.
 
sss
Một số hình ảnh Các Đại sứ đến Trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ CMLTCHMNVN tại Cam Lộ, Quảng Trị (Ảnh: Nguyễn Duy Hùng)

Phòng bên phải là nơi tiếp khách của Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ Nguyễn Hữu Thọ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình: Mảng tường chính treo hình ảnh Bác Hồ, giữa phòng đặt bộ ghế mây, quạt điện… Phòng bên trái là nơi nghỉ ngơi của Chủ tịch HĐCV Nguyễn Hữu Thọ. Phòng có gường ngủ, bàn uống nước và một công trình phụ riêng.

Khu di tích Trụ sở Chính Phủ CMLT CHMNVN tại Cam Lộ, Quảng Trị là một trong những minh chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng của nhân dân miền Nam. Và đây mãi mãi là biểu tượng cho khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt nam. Đây cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn của tuyến du lịch dọc Đường 9, và là nơi giáo trục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây