Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972

Thứ ba - 10/03/2020 05:41
Ngày 09 tháng 12 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2383/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 (gồm 8 di tích thuộc thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong). Đây là điểm đến không thể bỏ qua trong chuyến hành trình của du khách khi đến với Quảng Trị, để có thông tin cụ thể đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách, IPA Quảng Trị xin giới thiệu một số địa danh nổi tiếng của cụm di tích đặc biệt quốc gia này.
image 20200311080751 1
Tượng đài trung tâm Thành Cổ Quảng Trị

* Thành cổ Quảng Trị nằm ngay trung tâm thị xã Quảng Trị  cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Ðông.
Thành cổ Quảng Trị là một công trình thành lũy quân sự và là lỵ sở cai trị của Nhà Nguyễn trên địa hạt Quảng Trị. Ðây cũng là trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị thời thuộc Pháp và thời chính quyền miền Nam. Trong cuộc tổng tấn công giải phóng Quảng Trị năm 1972, Thành cổ là nơi được cả thế giới biết đến bởi những chiến công hiển hách, những tấm gương hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm lịch sử. Di tích đã được Bộ Văn hóa Thể thao xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 235/QÐ-VH ngày 12 tháng 12 năm 1986 và là di tích thuộc danh mục đặc biệt quan trọng của quốc gia.

Thành Quảng Trị tọa lạc trên một khu vực nguyên là địa phận thuộc các làng Thạch Hãn và Cổ Vưu (Trí Bưu). Phía Tây đươc ngăn cách bởi sông Thạch Hãn, phía Bắc được bao bọc bởi sông Vĩnh Ðịnh. Hai phía Ðông và Nam là vùng dân cư và đồng bằng Triệu Hải. Từ Thành cổ có thể đi vào Nam, ra Bắc bằng đường sông, đường biển, hay đường bộ đều thuận tiện. Do có vị trí thuận lợi nên trải qua nhiều thời kỳ, thành Quảng Trị luôn được coi là nơi đắc địa nhất của Quảng Trị hội đủ các điều kiện địa lý, lịch sử để trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn vùng.

Thành cổ Quảng Trị là một tòa thành có cấu trúc hình vuông theo kiểu Vauban. Bộ phận kiến trúc chính tạo ra diện mạo tổng quát của thành Quảng Trị là cấu trúc phòng thành. Nội thành là những công trình mang các chức năng khác nhau liên quan đến một trung tâm hành chính được xây dựng và bố trí theo quy cách chung. Bao xung quanh là hệ thống hào thành. Dưới thân thành có đường phòng hộ. Trước mỗi cửa thành đều có một chiếc cầu xây vòm cuốn bắc qua hào thành nối bên trong với bên ngoài. Chiều dài của tường thành tính từ mép ngoài và ở 4 góc pháo đài là 1.040m. Từ đó, chu vi toàn thành sẽ là 2.160m (1040m + 1120m) Tổng diện tích toàn bộ thành Quảng Trị là 18,56ha. Thành có chiều cao 4,30m. Chính giữa 4 mặt thành có cổng: Tiền, Hậu, Tả, Hữu xây bằng gạch với lối kiến trúc vòm cuốn (rộng 3,4m), cửa bằng gỗ lim dày, bên trên có vọng lâu mái cong lợp ngói âm dương.

Nội thành có nhiều công trình kiến trúc được xây dựng nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho việc ở và làm việc của các cơ quan công đường thuộc bộ máy hành chính của tỉnh Quảng Trị. Công trình trọng yếu trước hết phải kể đến là hành cung, Phía sau hành cung là những cơ quan công đường, nơi ở và làm việc của các quan lại thuộc bộ máy hành chính đứng đầu tỉnh như: dinh Tuần phủ, dinh Án sát, dinh Bố chính, dinh Lãnh binh, nhà Kiểm học, trại quân, nhà bếp, nhà kho, khám đường, ngục thất. Các công trình này đều được xây dựng theo mô thức kiến trúc kiểu nhà rường thời Nguyễn với bộ khung gỗ chịu lực, mái lợp ngói liệt, xung quanh xây tường gạch hoặc che ván gỗ.

Có thể nói vị thế của thành Quảng Trị dưới thời Nhà Nguyễn và những giai đoạn tiếp sau giữ vai trò của một Trung tâm hành chính hơn là một công trình phòng thủ quân sự. Tại đây, hơn 160 năm dưới thời quân chủ là cơ quan đầu não của bộ máy chính quyền địa phương đại diện cho triều đình Huế thực hiện các quyền quản lý và điều hành tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên toàn địa hạt. Ðây cũng chính là nơi đã từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đáng được lưu ý.
Ðặc biệt, trong cuộc chiến đấu ác liệt chống phản kích để bảo vệ thị xã Quảng Trị suốt 81 ngày đêm của các chiến sĩ quân giải phóng với lực lượng lớn quân địch từ ngày 28/6/1972 đến 16/9/1972, Thành Cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử một trang vàng chói lọi trước sự kính phục của nhân dân thế giới và niềm tự hào của dân tộc ta.

Cuộc tiến công chiến lược mùa xuân 1972 của bộ đội chủ lực quân giải phóng chỉ trong vòng hơn một tháng (30/3/1972 - 1/5/1972) đã đập tan tuyến phòng thủ chiến lược mạnh nhất của Mỹ - ngụy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị - một đòn quyết định thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris.

Ðể thực hiện kế hoạch chiếm lại tỉnh Quảng Trị mà trước hết là thị xã Quảng Trị, Mỹ ngụy tiến hành một cuộc hành quân lấy tên là “Lam Sơn 1972” với dự định trong vòng từ cuối tháng 5/1972 đến giữa tháng 7/1972 sẽ cơ bản chiếm xong. Chỉ trong vòng 40 ngày, địch đã ném xuống thị xã Quảng Trị và vùng ven 8 vạn tấn bom, bằng số bom sử dụng trong một tháng cao điểm trên toàn bộ chiến trường Châu Phi hồi chiến tranh thế giới thứ hai.

Sau 81 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, đánh địch phản kích tại Thành Cổ/thị xã Quảng Trị, quân và dân Quảng Trị đã vượt qua mọi khó khăn, bền bỉ chiến đấu, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, gan góc, táo bạo, dũng cảm, mưu trí, lần lượt bẻ gãy các cuộc tấn công của địch. Chiến công ở Thành cổ Quảng Trị đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam những trang hào hùng đầy máu và lữa. Nghĩ đến Thành cổ, chúng ta nghĩ đến mảnh đất rực lữa chiến công và sự hy sinh cao quý của quân và dân Quảng Trị anh hùng.

Do phải gánh chịu một khối lượng bom đạn khổng lồ trong chiến tranh nên từ sau ngày đất nước giải phóng, Thành cổ chỉ còn dấu tích của một vài đoạn tường thành loang lỗ vết đạn; các cổng thành đã bị đánh sập; các công trình bên trong nội thành đã bị hoàn toàn bị phá hủy.

Từ tháng 2/1992, Thành cổ đã được Bộ Văn hóa Thông tin đầu tư tôn tạo để xây dựng nơi đây thành một công viên tưởng niệm bao gồm các hạng mục: đài tưởng niệm trung tâm, trùng tu cổng tiền, kè lại hệ thống hào thành, trồng dừa, cây bóng mát để tạo cảnh quan. Từ năm 1997, công cuộc trùng tu, tái thiết di tích Thành cổ ngày càng được được đẩy lên ở mức độ cao hơn. Ðến nay, di tích Thành cổ đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính trong chương trình tôn tạo như: đài tưởng niệm trung tâm, nhà Bảo tàng Thành cổ và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm, bia tưởng niệm sinh viên hy sinh tại Thành cổ...Các khu phục dựng dưới dạng trưng bày ngoài trời như: khu ghi dấu về cuộc chiến đấu 81 ngày đêm, khu phục dựng Thành cổ nguyên sinh, khu trưng bày Bảo tàng và khu công viên văn hóa đã và đang quy hoạch và lần lượt xây dựng. Hiện di tích Thành cổ đang được quản lý, bảo vệ tốt và đang phát huy có hiệu quả trong việc tham quan du lịch, góp phần nâng cao giá trị giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước nồng nàn cho nhiều thế hệ. Thành cổ Quảng Trị đang là điểm hẹn truyền thống của mọi thế hệ người Việt Nam.

* Bến Thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn tại điểm tiếp nối giữa đường Ngô Quyền (đường bờ sông) với đầu con đường chạy từ bờ sông xuyên qua Thành cổ vào cửa tả, thuộc địa phận phường 2 thị xã Quảng Trị. Ðịa điểm này đã được Bộ VHTT xếp hạng di tích quốc gia theo Quyết định số 235/QÐ-VH ngày 12 tháng 12 năm 1986 nằm trong cụm di tích liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm của Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
image 20200311080751 2
Bến Thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn
 
Di tích nguyên là một bến sông của các chuyến đò ngang qua lại trên sông Thạch Hãn nối thị xã Quảng Trị bên bờ Nam với xóm làng vùng Triệu Thượng, Triệu Phong ở bên bờ Bắc. Ðây là tuyến giao thông thủy có ý nghĩa quan trọng trong sự giao lưu kinh tế, văn hóa của dân cư hai bên bờ từ rất lâu đời.

Trong thời gian chống phản kích tái chiếm Thành cổ năm 1972, do nhu cầu của việc tiếp tế vận chuyển vũ khí, đạn dược cũng như sức người, sức của cho chiến trường bằng đường sông nên bến sông Thạch Hãn đã trở thành một điểm tập kết quân sự quan trọng trên tuyến vận chuyển huyết mạch cho thị xã Quảng Trị. Suốt 81 ngày đêm, dưới mưa bom bão đạn, mọi hoạt động trên điểm tập kết này luôn nhộn nhịp, sôi nổi, khẩn trương. Ðể có đạn dược, lương thực, thuốc men tiếp tế cho thị xã, các chiến sĩ vận tải đại đội 3 tiểu đoàn 17, đại đội vận tải trung đoàn 48 và đại đội 1 tiểu đoàn 25, sư đoàn 320B cùng với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích và nhân dân vùng Triệu Phong đã nêu cao khẩu hiệu “Tất cả vì Thành cổ”, huy động hết mọi khả năng, vượt qua không biết bao nhiêu “hàng rào lửa” của địch trên bộ, trên sông để giữ vững tuyến liên lạc, đáp ứng kịp thời những yêu cầu của chiến trường.

Bến sông Thạch Hãn với công việc thầm lặng của mình đã góp phần quan trọng cho sự đứng vững của bộ đội ta ở Thành cổ trong suốt 81 ngày đêm oanh liệt. Dòng sông Thạch Hãn trong cuộc chiến đấu ác liệt ấy đã nhuốm máu các anh hùng xã thân vì nền độc lập dân tộc, trở thành nơi hóa thân của những linh hồn bất tử trên đường về cõi vĩnh hằng.

 
image 20200311080751 3
Đêm hoa đăn” tri ân các anh hùng liệt sĩ trên dòng sông Thạch Hãn
 
Năm tháng qua đi, sông Thạch Hãn vẫn âm thầm làm việc hằng hữu của mình là mang nước và phù sa về xuôi, bến sông Thạch Hãn vẫn còn đó như nhắc nhở về một thời chiến tranh ác liệt mà mỗi tấc đất, mỗi bến sông đều gắn với những chiến công hào hùng và sự hy sinh anh dũng. Sau khi đất nước thống nhất, hàng năm, cứ đến ngày 27/7, nhân dân hai bên bờ thường thả đèn, hương hoa trên sông Thạch Hãn để tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Thành Cổ Quảng Trị và trên dòng sông Thạch Hãn, một chương trình vận động đền ơn đáp nghĩa được phát động, đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân, nhiều doanh nghiệp trong cả nước tham gia. Bằng hình thức xã hội hoá, một quần thể các công trình tôn vinh, tưởng niệm được đầu tư xây dựng cả hai bờ Nam - Bắc sông Thạch Hãn. Bờ bắc có tượng đài tôn vinh tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Bến thả hoa; bờ Nam cũng có Bến thả hoa, Đền tưởng niệm, sân hành lễ, Tháp chuông…tất cả đều nằm trên một trục hướng vào di tích Thành Cổ, đã tạo thành một không gian thiêng. Hoạt động này đến nay đã trở thành một lễ hội văn hóa đang được tổ chức ngày càng quy mô, thu hút nhiều tổ chức cá nhân tham gia và mang nhiều ý nghĩa xã hội thiết thực.

* Chốt thép Long Quang là tên gọi để chỉ một địa điểm từng là nơi ghi dấu của một tuyến trận địa chốt kiên cường Long Quang - Linh Yên của các đơn vị bộ đội chủ lực quân giải phóng thuộc trung đoàn 64, sư đoàn 390 cùng lực lượng dân quân du kích địa phương trong cuộc chiến đấu oanh liệt với quân ngụy Sài Gòn trong và sau thời gian diễn ra chiến dịch chống phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972. Chốt được xây dựng trên hệ thống đê chắn cát, ở bìa làng Long Quang về phía Ðông, trên một vùng cát giáp giới với thôn Linh Yên, thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong; cách tỉnh lộ 64 (đường từ thị xã Quảng Trị về Cửa Viêt) chừng 4km về hướng Bắc; cách thị xã Quảng Trị chừng hơn 12 km về phía Ðông bắc. Di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 235/QÐ-VH ngày 12 tháng 12 năm 1986 nằm trong cụm di tích liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm của Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Trong chiến dịch phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị năm 1972, quân đội Việt Nam cộng hòa đã tập trung bom đạn đánh phá ác liệt kết hợp với lực lượng bộ binh tiến công,  bao vây, hình thành tuyến vòng cung ở các hướng, đặc biệt là hướng Ðông bắc nhằm cắt đứt các đơn vị bảo vệ Thành cổ bằng mọi lực lượng để sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy vào đánh chiếm thị xã.  
     
Chốt Long Quang là một trong những vị trí tiền tiêu bảo vệ vòng ngoài cánh Ðông Thành cổ. Chốt được trung đoàn 64, sư đoàn 320B (tức sư đoàn 390) xây dựng ngay từ những ngày mà cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị đâng ở vào giai đoạn quyết liệt. Nêu cao tinh thần chiến đấu, các chiến sĩ quân giải phóng đã kiên trường bám trụ đánh lui nhiều đợt phản công của quân ngụy Sài gòn, góp phần cùng các trận địa chốt trên mặt trận cánh Ðông và các mặt trận khác làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch, tạo điều kiện chi viện cho lực lượng bảo vệ thị xã trong chiến dịch 81 ngày đêm lịch sử giữ vững Cổ thành.

Bước sang mùa mưa, sau khi chiếm được thị xã Quảng Trị, từ ngày 22/9/1972, chính quyền Sài Gòn mở cuộc tiến công về hướng Ðông với ý đồ dùng hỏa lực và xung lực đánh bật lực lượng quân giải phóng ra khỏi những trận địa phòng ngự trên các khu vực đồng bằng Triệu Phong từ đó tiếp tục đánh chiếm Ái Tử, Ðông Hà, Cửa Việt. Thực hiện âm mưu này, Mỹ - ngụy ra lệnh tăng các phi vụ ném bom của máy bay B52 và pháo biển; đồng thời đưa thêm 4 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và 2 chi đoàn thiết giáp nâng số quân ở tuyến tiếp giáp từ chợ Sãi, Bích La đến Long Quang lên tới 13 tiểu đoàn và 5 chi đoàn xe tăng, thiết giáp. Từ đó bắt đầu tiến công vào các trận địa chốt của ta trên vùng đồng bằng ven biển Triệu Phong, tổ chức các cuộc hành quân lấn chiếm ra vùng giải phóng.

Tuyến chốt Long Quang - Linh Yên là một trận địa chốt tiêu biểu của lực lượng quân giải phóng thuộc tiểu đoàn 8, trung đoàn 64, sư đoàn 390, bộ đội địa phương thuộc tỉnh đội Quảng Trị và lực lượng dân quân du kích xã Triệu Trạch nằm trong hệ thống phòng ngự của ta ở vùng đồng bằng Triệu Phong đã phát huy cao độ tinh thần chiến đấu, tổ chức đánh địch một cách có hiệu quả, lập nên nhiều chiến công, góp phần cùng toàn mặt trận giữ vững vùng giải phóng.

Trong hoàn cảnh chiến trường bom đạn ác liệt, thời tiết mưa lũ, việc đứng vững và chiến đấu bảo vệ các trận địa chốt của bộ đội gặp muôn vàn khó khăn. Các trận địa chốt phần lớn được xây dựng trên các bãi cát nên hầm hào rất khó bảo đảm. Bộ đội suốt ngày dầm mình trong nước vật lộn với mưa lũ và bom đạn địch, nhưng với tinh thần gan góc, chịu đựng cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ đắc lực của dân quân du kích địa phương, các trận địa chốt của quân giải phóng không chỉ được bảo vệ vững chắc mà còn chiến đấu kiên cường, ngăn chặn có hiệu quả các cuộc tấn công của địch vào vùng giải phóng.
Ròng rã nhiều tháng trời liên tục chiến đấu (từ tháng 9/1972 đến tháng 1/1973), trong điều kiện mưa lũ và bom đạn vô cùng ác liệt, các đơn vị quân giải phóng cùng dân quân du kích xã Triệu Trạch trên tuyến trận địa chốt Long Quang - Linh Yên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc hành quân lấn chiếm của quân đội Sài Gòn, giữ vững vùng giải phóng cho đến ngày Hiệp định Paris được ký kết.

Chốt thép Long Quang với những thành tích của mình trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng năm 1972 đã xứng đáng là một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Quảng Trị và cả nước.  

* Ngã ba Cầu Ga là tên gọi để chỉ một khu vực nằm ở bờ Bắc sông Thạch Hãn, tại điểm đầu mối của con đường liên xã nối từ quốc lộ IA ở đoạn đầu cầu Ga (cầu Thạch Hãn) với vùng dân cư phía Tây của xã Triệu Thượng, ở vào địa phận làng An Ðôn, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong. Ðịa điểm này gắn với một sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc tổng tiến công của quân giải phóng trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị tháng 4/1972. Ðó là cuộc chiến đấu oanh liệt và sự hy sinh dũng cảm của 20 chiến sĩ thuộc một trung đội của trung đoàn 9, sư đoàn 304 do Mai Quốc Ca chỉ huy chốt giữ đầu cầu Quảng Trị trong khi làm nhiệm vụ đánh thọc sâu để chặn đường rút chạy của tàn quân ngụy từ Ðông Hà, Ái Tử qua cầu Thạch Hãn sang thị xã Quảng Trị. Di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 235/QÐ-VH ngày 12 tháng 12 năm 1986 nằm trong cụm di tích liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm của Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Ngã ba Cầu Ga nằm trên trục quốc lộ 1A, ở đầu cầu Thạch Hãn, cách trung tâm thị xã Quảng Trị chừng 1km nên là một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng.

Trong chiến dịch tổng tấn công giải phóng Quảng Trị năm 1972, sau khi Ðông Hà được giải phóng (28/4/1972), lực lượng quân giải phóng thuộc sư đoàn 304 tiếp tục tấn công các cứ điểm địch ở Ái Tử. Phối hợp với bộ đội chủ lực, du kích xã Triệu Thượng tấn công tiêu diệt lực lượng lính bảo an, dân vệ ở An Ðôn, Xuân Yên, Trung Kiên. Bị uy hiếp, quân địch ở Ái Tử tìm cách rút chạy về thị xã Quảng Trị theo đường quốc lộ 1, đi qua cầu Ga. Phán đoán trước tình hình, một trung đội của trung đoàn 9 (sư đoàn 304) do Mai Quốc Ca chỉ huy được lệnh hành quân thọc sâu để chặn đường rút chạy của địch qua cầu Ga. Sau nửa đêm vượt qua các căn cứ vòng ngoài của địch, 20 chiến sĩ quân giải phóng của trung đội Mai Quốc Ca đã bí mật lọt vào bố trí trận địa ở gầm cầu phía Bắc.

Mờ sáng ngày 30/4/1972 một trận kịch chiến không cân sức giữa các chiến sĩ của trung Mai Quốc Ca với một lực lượng đông quân đội Sài Gòn thuộc tiểu đoàn bộ binh và tiểu đoàn biệt động diễn ra ác liệt. Bị kẹt giữa vòng vây của địch nhưng các chiến sĩ quân giải phóng đã bám trận địa, chiếm các lô cốt, chân cầu, mặt cầu, dũng cảm đánh bật các đợt tấn công của quân ngụy hết đợt này đến đợt khác. Họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, người cuối cùng để bịt chặt đường rút chạy của quân ngụy, tạo điều kiện cho bộ đội giải phóng truy kích tiêu diệt tàn quân địch và áp sát thị xã Quảng Trị từ tả ngạn sông Thạch Hãn.

Sự hy sinh anh dũng của 20 chiến sĩ quân giải phóng thuộc trung đội Mai Quốc Ca không chỉ góp phần vào thắng lợi chung của cuộc tổng tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972 mà còn góp thêm vào bản anh hùng ca bất tử của dòng sông Thạch Hãn đầy máu và hoa những khúc bi tráng đồng vọng mãi muôn đời.

 
image 20200311080751 4
Tượng đài Mai Quốc Ca
 
Ðể ghi nhớ chiến công và sự hy sinh anh dũng của Mai Quốc Ca và đồng đội, đầu năm 1992, ngành VHTT Quảng Trị đã cho xây dựng trong khu vực di tích một bia đài tưởng niệm bằng bê tông, cốt thép. Từ năm 2001, trong quá trình thực hiện dự án nâng cấp quốc lộ 1A, do cầu Thạch Hãn xây mới được dịch chuyển để nắn đường về phía Ðông nên buộc phải phá bỏ bia đài cũ. Từ đó, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định cho xây lại một tượng đài mới với ý tưởng nghệ thuật sâu lắng phù hợp với nội dung lịch sử của di tích, hai mươi quả tim  nhiệt huyết của chiến sĩ Trung đội Mai Quốc Ca là hai mươi giọt máu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðài xây xong tháng 4/2002.

* Ngã ba Long Hưng là tên gọi để chỉ một địa điểm ở đoạn tiếp nối giữa quốc lộ IA với một con đường chạy ven vùng ngoại vi phía Nam dẫn vào trung tâm thị xã nằm trên địa phận làng Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng; cách trung tâm thị xã Quảng Trị chừng hơn 1km về phía Tây nam. Ðiểm tiếp nối này tạo ra một ngã ba đường nên có tên là Ngã Ba Long Hưng. Ðịa điểm này gắn với sự kiện lịch sử về cuộc chiến đấu oanh liệt của lực lượng bộ đội chủ lực quân giải phóng với quân ngụy Sài Gòn trong chiến dịch phản kích tái chiếm thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm năm 1972. Di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 235/QÐ-VH ngày 12 tháng 12 năm 1986 nằm trong cụm di tích liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm của Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Ngã ba Long Hưng nằm nằm trên trục quốc lộ IA, ngoại vi của thị xã Quảng Trị về phía Nam nên là một vị trí rất lợi hại án ngữ trên trục đường quốc lộ và trên trục đường đi vào thị xã và Thành cổ. Chính vì thế địa điểm này như là một tiền đồn hội đủ các điều kiện để có thể xây dựng một trận địa chốt bảo vệ mặt Tây nam thị xã Quảng Trị.

Trong chiến dịch chống phản kích tái chiếm thị xã năm 1972, trận địa chốt ngã ba Long Hưng bắt đầu được hình thành từ ngày 12/7/1972, do một đại đội thuộc Tiểu đoàn 2, trung đoàn 48, sư đoàn 320B. Do nhận thấy tầm quan trọng của địa điểm này quân địch đã coi đây là một mắt xích thiết yếu cần phải tiêu diệt trên đường tiến quân vào thị xã. Bắt đầu từ những ngày giữa tháng 7/1972 tiểu đoàn 8 lữ đoàn dù 2 của địch với quân số 500 tên được máy bay và pháo binh chi viện tối đa bắt đầu tổ chức tấn công vào trận địa chốt của lực lượng ta.

Về phía ta, ngày 30/6/1972, Tư lệnh mặt trận Lê Trọng Tấn giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 48 cùng với tỉnh đội Quảng Trị tổ chức phòng thủ khu vực La Vang, Tích Tường, Ngã ba Long Hưng, nhà ga Quảng Trị, Trí Bưu dùng chướng ngại vật kết hợp với hỏa lực chiến đấu để bằng mọi giá ngăn không cho địch tiến vào thị xã. Tại trận địa chốt Long Hưng, lực lượng của bộ đội ban đầu có 57 chiến sĩ. Chỉ huy trận địa chốt là Đại đội trưởng Tạ Ðình Dọng và hai Chính trị viên là Vũ Trung Thướng và Lê Xuân Lý.

Với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường bám chốt, chủ động phản kích, “còn người còn trận địa” các chiến sĩ quân giải phóng trên trận địa chốt Ngã ba Long Hưng đã tích cực chặn đánh địch, giáng trả cho quân đội Sài Gòn nhiều đòn thích đáng, bảo vệ được chốt và bảo vệ thị xã Quảng Trị trong một thời gian dài. Kể từ ngày 12/7/1972, khi lính dù ngụy bắt đầu bước vào chiến dịch phản kích từ cánh Tây Nam vào thị xã Quảng Trị cho đến khi rút khỏi trận địa, lực lượng ta đã chặn đánh quyết liệt, bẻ gãy nhiều đợt tấn công bằng bộ binh dưới sự hỗ trợ của xe tăng, máy bay và phi pháo. Chỉ riêng ngày 12/7/1972, các chiến sĩ ta đã chặn đứng 3 đợt tấn công của địch loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên lính dù, bắn cháy 5 xe tăng, thu 30 khẩu súng AR15, 20 khẩu M79. Những chiến sĩ chốt giữ trận địa Ngã ba Long Hưng mặc dù phải đương đầu với quân địch có hỏa lực mạnh, lại phải chiến đấu trong một điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn nhưng họ vẫn không một phút ngơi nghĩ, kiên quyết không cho một tên địch lọt vào thị xã. Trong 20 ngày chiến đấu, họ đã thực sự trở thành lũy thép kiên trinh trên một ngã ba được mệnh danh là “Ngã ba bom”, “Ngã ba lửa”. Ở đây họ đã nêu những tấm gương cảm tử cho Thành cổ Quảng Trị, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của cả đất nước. Chính tại đây, Đại đội 5 và Chính trị viên Vũ Trung Thướng đã được đề nghị tặng Huân chương chiến công hạng nhất.

Ngã ba Long Hưng cùng với những trận địa chốt khác trong cuộc chống phản kích bảo vệ Thành cổ 81 ngày đêm đã đi vào lòng người dân Quảng Trị niềm kính phục và tự hào về những chiến công bất diệt.

Kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/1992), để ghi dấu chiến công và tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ trận địa chốt Ngã ba Long Hưng, sư đoàn 320B đã cùng với ngành VHTT Quảng Trị xây dựng tại địa điểm di tích một Bia đài chiến thắng nằm ven đường quốc lộ 1A về phía Ðông.

* Trường Bồ Ðề nằm bên con đường chính của thị xã Quảng Trị: đường Trần Hưng Ðạo; cách quốc lộ 1A chưa đầy 1km về phía Ðông (nay thuộc địa phận phường 2). Di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 235/QÐ-VH ngày 12 tháng 12 năm 1986 nằm trong cụm di tích liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm của Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Trường được xây vào năm 1959 do Tỉnh Hội Phật giáo Quảng Trị phát tâm quyên góp trong phong trào tiết kiệm gạo Bồ Ðề từ trong dân chúng. Ðó là một trường dân lập đặt dưới bảo trợ của Giáo hội Phật giáo. Ngôi trường xây dựng khá kiên cố bằng bê tông cốt thép, gồm 2 tầng, mỗi tầng có từ 2 - 3 phòng. Có khu nhà giành cho giáo viên. Trong nhiều năm, trường đã giảng dạy cho hàng ngàn học sinh ở bậc tiểu học và Trung học, Chỉ riêng năm 1969 -1970 có khoảng 1.400 học sinh. Ðặc biệt với các trẻ mồ côi nhà trường đã chăm sóc dạy dỗ một cách chu đáo, tận tình.

Trong chiến dịch chống phản kích, tái chiếm thị xã Quảng Trị năm 1972, địch đã sử dụng một khối lượng bom đạn khổng lồ ném xuống thị xã Quảng Trị với ý đồ hủy diệt hoàn toàn tất cả mọi thứ. Sau những đợt oanh tạc khủng khiếp của bom pháo, mặt đất loang lỗ hố bom, hố đạn pháo, cây cối, nhà cửa, phố phường đổ nát biến thành những đống gạch vụn. Ðể bám trụ chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn mọi bề, các đơn vị quân giải phóng bảo vệ thị xã đã phải triệt để sử dụng những ngôi nhà cao tầng còn lại trong thị xã để xây dựng các trận địa chốt, kiên cường tổ chức đánh trả lại các đợt tấn công và tổ chức phản kích tiêu diệt địch. Trường Bồ Ðề là một trong những trận địa chốt vững vàng của các đơn vị thuộc tiểu đoàn 4 trung đoàn 95, tiểu đoàn 8 tỉnh đội Quảng Trị.

Từ đầu tháng 8/1972 trở đi, khi địa bàn của ta ngày càng thu hẹp, lực lượng của ta đưa vào thị xã để chống phản kích cũng không có chỗ đứng; công sự thiếu, cuộc chiến đấu mỗi ngày một thêm quyết liệt, những trận đánh giằng co, đẫm máu giữa ta và địch trong lòng thị xã liên tục diễn ra thì các chiến sĩ quân giải phóng tham gia chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị đã phải tận dụng từng ngôi nhà, đường phố để chặn đánh quyết liệt với quân ngụy Sài Gòn. Trường Bồ Ðề nằm trên trục lộ chính của thị xã dẫn vào Thành cổ nên tại đây đã xảy ra những cuộc giành giật sinh tử để chặn đường tiến công của quân ngụy từ hướng Tây nam xuống. Vừa chủ động đánh chặn địch ở phía trước vừa tổ chức tiến công chúng bằng các trận tập kích, phản kích nhỏ, ngày đêm giữ vững chốt, tranh thủ lấn diệt từng công sự địch, tích cực bắn tỉa bằng mọi loại súng, tiêu hao nhiều sinh lực địch, các chiến sĩ giữ chốt Trường Bồ Ðề đã góp phần cùng toàn mặt trận hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng trị trước khi có lệnh rút lui.

Cuộc chiến đấu ác liệt trong 81 ngày đêm lịch sử đã biến Thị xã Quảng Trị trở thành cái túi hứng bom đạn từ cả hai phía. Chính vì vậy mặt bằng của toàn Thị xã đã bị hủy diệt hoàn toàn. Trường Bồ Ðề là một trong số ít ỏi các công trình kiến trúc còn lại sau chiến tranh của một thị xã Quảng Trị vốn tương đối sầm uất.

 
/uploads/xuc-tien-du-lich/2020_03/image.png
Trường Bồ Ðề
 
Sự tồn tại của trường Bồ Ðề ngày nay với những mảng tường lổ chỗ vết đạn là một bằng chứng về sự ác liệt của cuộc chiến tranh tàn khốc trong số phận của một thị xã từng là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Ðó là một minh chứng hùng hồn về tội ác hủy diệt, một sự đau thương mất mát của người dân Quảng Trị phải gánh chịu trong cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc, đồng hời cũng nói lên sự chịu đựng, niềm hy vọng và sự vươn lên không ngừng nghĩ của người dân Quảng Trị.
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.

(Trích ca dao Quảng Trị)

Tác giả bài viết: Hải Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây