Điểm cao 881 Nam

Thứ sáu - 10/12/2021 22:27
Trong bản đồ quân sự Đồi 881 Nam là một trong nhiều ngọn đồi khá cao nhìn xuống căn cứ Khe Sanh, là tiền đồn xa nhất nằm phía Tây Bắc của căn cứ Khe Sanh. Năm 1966, Khe Sanh là một căn cứ chiến đấu lớn, là nơi đóng quân của một trung đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Rút ra bài học từ lỗi lầm quân sự nghiêm trọng nhất của người Pháp tại Điện Biên Phủ là đã để cho Việt Minh có điều kiện bố trí quá nhiều trọng pháo lên các ngọn đồi xung quanh thung lũng và chính hoả lực của trọng pháo đã phá tan hệ thống phòng thủ của người Pháp tại Điện Biên. Để bảo vệ cứ điểm lòng chảo Khe Sanh, người Mỹ đã xây dựng các căn cứ trên các cao điểm kiểm soát các ngọn đồi quanh vùng. Điểm cao 881 Nam là một trong những cứ điểm như vậy.
 
Tác giả Nguyễn Xuân Thọ chụp ảnh kỉ niệm cùng cựu chiến binh Mĩ đã từng từng tham chiến tại Hill 881S, ảnh chụp vào năm 2008 (Ảnh: Nguyễn Xuân Thọ)

Theo các nhà quân sự, tại Khe Sanh không phải đồi nào cũng là vị trí  chiến lược và có thể phòng thủ được, nhưng quân Thủy quân lục chiến Mỹ cố gắng chiếm giữ những cao điểm có tầm nhìn bao quát. Các điểm cao này quan sát, khống chế được cả Đường 9, các đường vận chuyển của Quân Giải phóng từ Lào và Miền Bắc về Khe Sanh.
Tuy vậy, trong số các ngọn đồi này không cái nào quan trọng, cheo leo, hiểm trở và trống trải hơn đồi 881 Nam. Đồi có sườn rất dốc, cao khoảng 450 thước so với khu thung lũng bao quanh. Đồi nằm cách căn cứ Khe Sanh khoảng 8 cây số về phía Tây.

 
Cựu chiến binh Mĩ đã từng từng tham chiến tại Hill 881S (Ảnh: Nguyễn Xuân Thọ)

Trong suốt trận chiến, con đường số 9 chạy từ căn cứ Khe Sanh xuống Đông Hà và các căn cứ đã bị quân Giải phóng cắt đứt từ mấy tháng trước. Vì vậy, đường tiếp tế duy nhất cho căn cứ Khe Sanh và cứ điểm trên các đồi là đường không vận. Sân bay Tà Cơn có đường băng khá dài được lót bằng những tấm thép ghép lại, nên có một thời gian vận tải cơ C-130 vẫn đáp thường xuyên để tiếp tế thuốc men, thực phẩm và đạn dược. Nhưng sau đó, bị súng cao xạ phòng không của quân Giải phóng tăng cường quá mạnh, máy bay không đáp được nên phải thả dù để tiếp tế.
Cứ điểm trên đồi 881 Nam có diện tích quá nhỏ, chỉ có thể tiếp tế thường xuyên bằng trực thăng. Khi bị tấn công hoặc thời tiết bất thường, các đơn vị phòng thủ của TQLC Mỹ trên những đỉnh đồi không lấy đâu ra nước để uống. Lính Mỹ cũng không thể đưa quân xuống các khe suối để lấy nước, vì như vậy thì chắc chắn là làm mồi ngon cho những tay sung bắn tỉa của quân Giải phóng  ở xung quanh.
Mỗi ngọn đồi có một đơn vị tương đương một đại đội trấn giữ (khoảng 100 người). Đồi 881 Nam là ngọn đồi xa và khó tiếp viện nhất. Ở đó có toàn bộ đại đội “India”, hai trung đội và bộ chỉ huy đại đội “Mike” của tiểu đoàn 3 trung đoàn 26 TQLC Mỹ tương đương với 400 lính Mỹ chiếm đóng với một phân đội với 2 súng cối 81 ly, 2 súng không giật 106 ly và một chi đội pháo binh có 3 đại bác 105 ly.
Do những hoạt động tích cực của QGP nên quân Mỹ buộc phải rút chạy khỏi Khe Sanh và các cao điểm trong đó có Cao điểm 881 Nam, đến ngày 15 tháng 7 năm 1968 quân Mỹ mới rút hết quân về tập trung ở Cà Lu - Tân Lâm. Quân giải phóng đã làm chủ Đường 9 đoạn từ Lao Bảo đến sát Cà Lu, kiểm soát toàn bộ khu vực Khe Sanh - một địa bàn chiến lược quan trọng ở phía tây Đường 9. Ngày 9 tháng 7 năm 1968, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã được cắm trên cột cờ sân bay Tà Cơn.                               

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Thọ (Bài viết dự thi Cuộc thi viết về câu chuyện du lịch Quảng Trị trong tôi năm 2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây